[ẢNH] Biên chế hàng loạt Iskander-M, Nga ngầm gửi thông điệp rắn đến đối thủ

ANTD.VN - Sau khi đem tên lửa Iskander-M sang Syria thực chiến, Nga đã quyết định biên chế số lượng lớn tên lửa đạn đạo chiến thuật đặc biệt nguy hiểm này. Đây được coi là bước đi chiến lược để nâng cao sức mạnh của quân đội Nga trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động bất ngờ.

Ngày 1-1-2019 dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng bộ binh Nga sẽ được tái trang bị đầy đủ các hệ thống tên lửa Iskander-M trong năm 2019.

"Trong năm 2019, tiến trình tái trang bị các hệ thống tên lửa Iskander-M cho binh lính của các đơn vị tên lửa thuộc biên chế của lực lượng bộ binh Nga sẽ hoàn tất. Theo đơn đặt hàng quốc phòng nhà nước Nga, công ty chế tạo tên lửa sẽ bàn giao các hệ thống Iskander-M cho Quân khu miền Tây", thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Việc bất ngờ biên chế hàng loạt vũ khí hiện đại trong đó có tên lửa Iskander-M cho thấy Nga đang tăng cường sức mạnh quân đội trong bối cảnh nóng.

Iskander-M được coi là một trong những vũ khí chủ lực của lực lượng lục quân Nga. 

Với sức công phá lớn, tầm bay xa, cùng khả năng cơ động độc đáo, Iskander-M được coi là sự chấm hết cho đối thủ trên chiến trường.

Có lẽ Iskander-M là một trong số hiếm loại vũ khí của Nga luôn được các nước đối thủ quan tâm đặc khi mỗi khi Nga triển khai chúng.

Tổ hợp tên lửa 9K720 Iskander-M được thiết kế để thay thế các tổ hợp tên lửa 9K79-1 Tochka-U đã lỗi thời. Chúng được thiết kế để tạo sức mạnh răn đe trước đối thủ.

Cho tới thời điểm hiện tại, Iskander-M được coi là loại tên lửa đạn đạo chiến thuật mạnh nhất của Nga hiện nay, cũng như của thế giới.

Hiện Mỹ và các nước phương Tây vẫn chưa có loại tên lửa tương đương. Các loại tên lửa hiện có của Mỹ thường có tầm bắn ngắn hơn, cũng như sức công phá nhỏ hơn.

Tầm bao quát của loại vũ khí này khi đặt tại Nga có thể bao phủ cả Đức, Ba Lan và một số quốc gia châu Âu khác.

Tên lửa Iskander (định danh NATO gọi là SS-X-26), là tên lửa đạn đạo cấp chiến dịch - chiến thuật hiện đại nhất được trang bị trong quân đội Nga hiện nay.

Loại tên lửa này chính thức đi vào biên chế quân đội Nga từ năm 2006. Đây là một trong số những vũ khí được Moscow phát triển thành công sau khi Liên Xô tan rã.

Khác hoàn toàn với tất cả các chủng loại tên lửa đạn đạo đã từng được biết đến trước đó, “kẻ hủy diệt đến sau” - tên lửa Iskander-M được chế tạo trên cơ sở công nghệ “tàng hình” độc đáo của riêng người Nga – công nghệ tàng hình plasma.

Toàn bộ hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M bao gồm 6 thành phần chính đặt trên các xe tải chuyên dụng.

Đạn tên lửa Iskander-M được đặt trên xe cơ động, với mỗi xe mang được 2 tên lửa.

Có ba biến thể sửa đổi, đó là biến thể Iskander-E cho xuất khẩu, đạt tầm bắn tối đa 280 km, tầm bắn tối thiểu 50 km.

Biến thể Iskander-M được quân đội Nga sử dụng, có tầm bắn lên tới 500 km.

Phiên bản Iskander-K đang thử nghiệm dự kiến có thể đạt tầm bắn tới 800km tuy nhiên khối lượng đầu đạn giảm xuống rất nhiều.

Xe mang phóng tên lửa được đặt trên khung gầm xe tải hạng nặng MZKT-7930. Xe tải hạng nặng vốn được dùng để chuyên chở các loại vũ khí lớn, bao gồm cả một số phiên bản S-300, lẫn S-400.

Với hai đạn tên lửa mang theo, tổng trọng lượng của xe đạt 42 tấn, chiều dài 12,7m, chiều cao khi hành tiến 3,3m, và chiều rộng 3m.

Xe trang bị động cơ YaMZ-864 có công suất 500 mã lực, cho phép vận tốc tối đa khi hành tiến trên đường nhựa là 70km/h và 40km/h khi chạy trên đường địa hình.

Tầm hoạt động của xe khá rộng khi lên tới 1000km. Hình ảnh các thành phần cấu tạo nên tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.

Đạn tên lửa của hệ thống Iskander-M có trọng lượng 3,8 tấn, chiều dài 7,3m và đường kính 0,93mm. 

Trong khi đó loại đạn dành cho phiên bản Iskander-K có trọng lượng cũng như kích thước nhỏ hơn.

Hình ảnh đạn tên lửa thuộc hệ thống Iskander-M và Iskander-K.

Tên lửa được trang bị đầu đạn nặng tới 700kg. 

Hình ảnh xe mang phóng của hệ thống Iskander Nga đang cơ động vượt địa hình băng tuyết.

Để di chuyển đạn thuộc phiên bản Iskander-M, mỗi xe chở đạn được trang bị một cần cẩu chuyên dụng.

Đạn đang được chuyển từ xe chở đạn sang xe mang phóng.

Phiên bản xuất khẩu đầu đạn rút xuống chỉ còn đầu đạn nặng 480kg.

Tên lửa Iskander kết hợp nhiều phương thức dẫn đường và điều khiển như: dẫn đường bằng ảnh vệ tinh GPS/GLONASS và điều khiển quán tính trên đường bay.

Khi chỉ dẫn đường và điều khiển bằng quán tính, sai số mục tiêu ở khoảng cách 280km là 30 mét, còn khi sử dụng điều khiển kết hợp cả ảnh vệ tinh và quán tính, sai số chỉ khoảng 2 mét.

Hệ thống định vị có khả năng liên kết thu thập các thông tin mục tiêu từ tất cả các phương tiện trinh sát trên không, mặt đất và vệ tinh.

Thời gian để hệ thống triển khai chiến đấu chỉ mất 2 phút, và chỉ 10 giây sau khi phóng là nó đã hoàn tất các nội dung công việc phức tạp, bao gồm: xác định điểm phóng, tính toán tham số đường bay, đầu dẫn quang học rà soát xong các thông tin địa hình, địa vật.

Đầu dẫn quang học của tên lửa (đoạn cuối phối hợp thêm ảnh vệ tinh hoặc các phương tiện truyền dẫn số liệu trinh sát trên không, trên mặt đất) có thể hoạt động tốt trong điều kiện đêm tối và nhiễu điện từ dày đặc.

Iskander-M có đầu đạn dạng chùm, đầu đạn mẹ chứa 54 đầu đạn con, có thể mang 10 loại đầu đạn khác nhau: đầu đạn phá; đầu đạn xuyên thép để chống xe thiết giáp; đầu đạn cassette có lắp các bộ phận tự tìm mục tiêu để chống xe tăng; đầu đạn xuyên boong ke, hầm ngầm; đầu đạn cháy chống bộ binh; đầu đạn xung điện từ (để phá vỡ, đốt cháy các công trình điện, điện tử, các hệ thống máy tính…).

Loại Iskander-M mà quân đội Nga sử dụng còn có thể trang bị cả đầu đạn hạt nhân khi cần thiết.

Không chỉ có tầm bắn xa và độ chính xác cao, Iskander-M còn có thể tàng hình để tăng khả năng xuyên qua hệ thống phòng không đối phương.

Ngoài lớp sơn phủ bằng vật liệu phức hợp đặc biệt, Iskander-M còn có kết cấu ngoại hình rất độc đáo: sau khi phóng nó nhanh chóng vứt bỏ các bộ phận lồi ra bên ngoài như: mấu, móc, khớp (để kết nối cơ học với hệ thống phóng) làm cho tên lửa tròn nhẵn hơn, giảm diện tích phản xạ làm các loại radar không thể phát hiện được.

Hơn nữa, trong quá trình bay, nó liên tục cơ động đổi hướng so với hướng phóng ban đầu. Iskander-M có khả năng thực hiện các động tác thay đổi quỹ đạo bay đột ngột để tránh né, đồng thời có thể tạo ra 10 đầu đạn giả bằng công nghệ phản xạ kim loại đa diện, trong khi vẫn giữ được vận tốc siêu âm khoảng 2.100 m/s (gấp 6 lần vận tốc âm thanh). Do vậy, khả năng đánh chặn được loại tên lửa này là rất khó.