[Ảnh] Bí quyết vượt qua đại dịch của đảo nhỏ được gọi là “DMZ của Đài Loan”

ANTD.VN -  Hàng chục năm trước, đảo Kim Môn là cỗ máy tuyên truyền nằm bên eo biển Đài Loan nhắm đến cư dân của thành phố Hạ Môn, Trung Quốc đại lục. Được mệnh danh là khu phi quân sự “DMZ của Đài Loan”, hòn đảo nhỏ này nay đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng. Quan trọng là họ đã làm thế nào để tiếp tục đón lượng du khách kỷ lục trong đại dịch Covid-19?

Đảo Kim Môn là một phần của huyện Kim Môn, được tạo thành từ một số đảo và đảo nhỏ bên bờ eo biển Đài Loan giữa thành phố Hạ Môn của Trung Quốc đại lục và đảo chính của vùng lãnh thổ Đài Loan

Trên đỉnh đồi của đảo Kim Môn là Bức tường phát sóng Beishan, một cấu trúc bê tông cao chót vót với 48 chiếc loa phóng thanh. Được xây dựng vào năm 1967, dàn loa là một công cụ quan trọng trong “chiến tranh lạnh” giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan.

Ngoài các bài hát của các ca sĩ nổi tiếng, hệ thống loa trên đảo Kim Môn còn phát đi tiếng nói của các binh sĩ đại lục đào tẩu. Đáp lại, chính quyền ở Hạ Môn cũng phát loa truyền đi những thông điệp mang tinh thần dân tộc

Được gọi là “Cổng Vàng”, Kim Môn nằm dưới sự quản lý của quân đội trong 43 năm, từ năm 1949 đến năm 1992. Khi quan hệ xuyên eo biển được cải thiện, các chương trình phát sóng đã ngừng vào đầu những năm 1990.

Trong những năm gần đây, các đảo ở Kim Môn đã trở thành điểm du lịch cực kỳ nổi tiếng đối với người Trung Quốc đại lục nhờ vào hợp tác giữa các thành phố ven biển giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục

Bằng chứng về quá khứ quân sự hóa của Kim Môn vẫn còn phổ biến trong khu vực, làm tăng thêm sức hấp dẫn của nó như một điểm đến cho những người yêu thích lịch sử. Trong ảnh: Hàng rào chống tăng nằm dọc bãi biển Guningtou

Ông Seong-hyon Lee, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Sejong Hàn Quốc, đã đến thăm đảo Kim Môn vào năm 2019 và so sánh nó với Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên.

Ông nói rằng những chiếc loa phóng thanh, rào chắn quân sự trên các bãi biển và đường hầm bí mật khiến ông nhớ đến vùng đất không người ở trên biên giới liên Triều.

Tuy nhiên, Kim Môn mang dáng dấp địa danh du lịch hơn là điểm đối đầu quân sự. Từ đây, có thể nhìn thấy thành phố Hạ Môn của Trung Quốc đại lục. Du khách có thể thăm thú danh lam thắng cảnh và tìm hiểu lịch sử của người dân địa phương

Kể từ khi Kim Môn mở cửa cho công chúng, du lịch đã trở thành huyết mạch chính của nền kinh tế khu vực. Rượu Kinmen Kaoliang Liquor sản xuất từ nhà máy do quân đội lập ra năm 1950 hiện là một trong những loại rượu bán chạy nhất ở Đài Loan

Trong khi đó, đạn pháo ngày nay được sử dụng để làm dao Kim Môn nổi tiếng, cùng với các đồ gia dụng phổ biến khác và đồ lưu niệm cho người dân địa phương cũng như du khách.

Đây cũng là một điểm đến cho chuyến tham quan học tập dành cho người Hàn Quốc, do các hoạt động giao lưu dân sự hầu như không tồn tại giữa hai miền Triều Tiên.

Từ năm 2015, du khách từ Trung Quốc đại lục được phép đến Kim Môn bằng đường biển hay đường hàng không đều không cần xin giấy phép trước. Kim Môn đã đón khoảng 2,5 triệu khách du lịch vào năm 2019, khoảng 41% đến từ Trung Quốc đại lục.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến quan hệ đôi bờ phải tạm đình chỉ. Kể từ tháng 2-2020, với các chuyến phà và chuyến bay thẳng bị hủy bỏ. Lượng khách du lịch Trung Quốc đến đảo giảm 94% trong năm 2020

Để phục hồi ngành du lịch nội địa, chính quyền địa phương đã xây dựng chương kích cầu, ví dụ khuyến mãi cho cựu chiến binh, khởi động “chuyến du lịch đến hư không” đầu tiên của Đài Loan, trợ cấp doanh nghiệp của các nhà sáng tạo trẻ…

Nỗ lực của họ đã được đền đáp. Vào tháng 8-2020, Kim Môn đón nhiều du khách hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhà máy rượu Kinmen Kaoliang Liquor cũng nhận được lượng khách kỷ lục, hơn 190.000 lượt khách vào năm 2020.

Đại dịch có thể tiếp tục ảnh hưởng trong 1-2 năm tới nên bí quyết phục hồi du lịch của đảo Kim Môn là mở rộng các dịch vụ và đa dạng hóa đối tượng mục tiêu