[ẢNH] Bí mật nhóm phiến quân bắn hạ máy bay Nga, đang tử chiến với SAA tại Douma

ANTD.VN - Jaysh al-Islam đang là nhóm phiến quân được hậu thuẫn bởi Saudi Arabia chính là nhóm phiến quân đang quyết tử chiến với liên quân Nga và Syria tại thị trấn Douma, Đông Ghouta.

Đã gần hai tháng trôi qua kể từ khi liên quân Nga-Syria mở chiến dịch mệnh danh "Thanh gươm Damascus" nhằm giải phóng hoàn toàn khu vực Ghouta, phía Đông thủ đô Damascus khỏi tay các phiến binh.

Sau những trận chiến kinh hoàng với sự kết hợp giữa lực lượng không quân Vũ trụ Nga và không quân Syria không kích từ trên cao nhằm vào chiến tuyến của các nhóm phiến quân.

Lực lượng tăng thiết giáp cùng với các lực lượng bộ binh thiện chiến "Hổ Tiger" đã giải quyết được 90% lãnh thổ Đông Ghouta.

Ngoài việc tiêu diệt những nhóm phiến binh ngoan cố, liên quân Nga-Syria cũng chấp nhận đàm phán đầu hàng của các nhóm phiến binh.

Theo đó họ sẽ cho phép phiến binh đầu hàng được an toàn rời về tỉnh Idlib.

Các nhóm phiến binh chỉ phải bỏ lại vũ khí hạng nặng như trọng pháo và xe tăng, xe thiết giáp.

Đổi lại họ sẽ được mang theo vũ khí cá nhân và được liên quân Nga-Syria bố trí các xe buýt di tản an toàn khỏi Đông Ghouta.

Lần lượt các phiến binh thuộc tổ chức quân đội Syria tự do (FSA), khủng bố HTS (chi nhánh Al-Qeada) cùng với các nhóm phiến quân nhỏ khác lần lượt rời đi.

Duy chỉ có nhóm phiến quân Jaysh al-Islam (Anh em Hồi giáo) là vẫn kiên cường bám trận địa không chịu thỏa hiệp.

Thực ra không phải không có những thỏa thuận đầu hàng, tuy nhiên những thỏa thuận này liên tục bị bẻ gãy từ nhóm phiến quân. 

Trong khi Nga yêu cầu họ chỉ được mang theo bên mình vũ khí hạng nhẹ để rời đi. Trong khi nhóm phiến quân lại yêu cầu cao hơn thế.

Họ cho rằng Nga đã yêu cầu quá đáng. Nhiều nguồn tin đối lập khẳng định rằng nhóm phiến quân này đang nắm trong tay một số lượng tiền mặt cực lớn lên tới gần cả tỷ đô.

Mặt khác nhóm phiến quân này không chịu di dời về Idlib. Đây chính là những yếu tố bất đồng giữa hai bên. 

Liên quân Nga-Syria thì cho rằng nhóm phiến binh lật lọng trong các thỏa thuận đã đạt được.

Nga chỉ ra nhóm này chỉ lợi dụng thỏa thuận để di chuyển những tay súng mất sức chiến đấu cùng gia đình về khu vực an toàn.

Trong khi lực lượng chủ đạo của chúng vẫn tử thủ không chịu đầu hàng.

Đây chính là lý do liên quân Nga-Syria tấn công mạnh mẽ vào khu vực thị trấn Douma, nơi nhóm phiến quân này đang nắm giữ.

Điều này đang đặt ra mối quan tâm về nhóm phiến đang quyết tử thủ tại Douma là ai, và nước nào đang đứng ra hậu thuẫn nhóm phiến binh giàu có này.

Jaysh al-Islam là một lực lượng nổi dậy khi cuộc nội chiến tại Syria bắt đầu vào năm 2011.

Jaysh al-Islam đang được các quốc gia Ả rập giàu có đối lập với chính quyền Tổng thống Assad hậu thuẫn.

Trong số này phải kể đến Saudi Arabia, quốc gia giàu có bậc nhất Trung Đông này đang đỡ đầu chính cho nhóm này.

Rất nhiều vũ khí mạnh mẽ đã được Saudi Arabia mua và chuyển cho nhóm phiến binh này.

Trước đây Jaysh al-Islam là thành viên của lực lượng quân đội Syria tự do (FSA) được Mỹ hậu thuẫn.

Cũng giống như những thành phần khác của liên minh FSA, nhóm này cũng được Mỹ trực tiếp huấn luyện.

Ngoài ra họ cũng tiếp cận được với các vũ khí từ Mỹ.

Sau đó Mỹ dần bỏ rơi FSA dẫn tới nhóm này cũng bị Mỹ bỏ lại để tập trung việc phát triển lực lượng Dân chủ Syria (SDF).

Không giống những nhóm phiến quân khác nằm trong liên minh FSA đã bị Mỹ bỏ rơi hoàn toàn do đã chống lại Mỹ.

FSA khi nằm trong liên minh Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurd đã tuyên bố sẵn sàng chống lại lính Mỹ nếu họ không rời đi khỏi khu vực của người Kurd.

Nhóm Jaysh al-Islam vẫn giữ được mối quan hệ ngoại giao với Washington dù Mỹ không còn trực tiếp chuyển giao vũ khí cũng như huấn luyện cho nhóm này.

Jaysh al-Islam cũng đã tách khỏi liên minh FSA do có những bất đồng không thể giải gỡ.

Năm 2015, Jaysh al-Islam đã kêu gọi Syria phải thay thế chính phủ và bầu lên một cơ quan quản lý chính quyền mới đại diện cho đa sắc tộc tại Syria, tuy nhiên cuộc thương lượng với chính phủ đã bất thành.

Liwa al-Islam được thành lập bởi Zahran Alloush, con trai của học giả Abdullah Mohammed Alloush, người đối lập với Tổng thống Syria Assad. 

Ông này đã được chính quyền Syria thả ra khỏi nhà tù vào giữa năm 2011.

Ngay sau khi được thành lập, nhóm này đã ám sát hàng loạt quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Assad trong đó có cả Bộ trưởng Quốc phòng Rajiha.

Đầu năm 2015 Jaysh al-Islam đã hình thành nên một liên minh hùng mạnh tại Đông Ghouta, đối lập với chính quyền của Tổng thống Assad.

Jaysh al-Islam chọn khu vực thị trấn Douma để làm tổng hành trinh.

Quân số của nhóm này dao động khoảng từ 25-30 ngàn phiến binh.

Trong số các lực lượng trấn giữ Đông Ghouta, thì Jaysh al-Islam được đánh giá là nhóm phiến quân có năng lực nhất.

Điều này đến từ kỹ năng chiến đấu đỉnh cao cùng với kho vũ khí hiện đại.

Đây là một trong số những nhóm phiến quân hiếm hoi tại Đông Ghouta tuy không sở hữu không quân nhưng lại có những vũ khí phòng không nguy hiểm.

Ngoài những hệ thống phòng không chiếm được từ quân đội Syria, nhóm này còn được nước ngoài cung cấp các loại tên lửa phòng không vác vai cực nguy hiểm.

Đây cũng là nhóm phiến quân nhận trách nhiệm bắn rơi máy bay vận tải An-26 vào đầu tháng 3 vừa qua làm 38 sĩ quan và chuyên gia quân sự Nga thiệt mạng.

Cờ và huy hiệu của phóm phiến quân Jaysh al-Islam.

Tương tự như màu cờ của khủng bố IS, nhóm phiến quân Jaysh al-Islam cùng chọn sắc màu đen cùng dòng chữ trắng để làm lá cờ chính của mình.

Đây là một trong những lực lượng gây nhiều thương vong cho quân chính phủ Syria trong cuộc nội chiến tại đây.

Tuy cuộc chiến với gần 70.000 binh sĩ chính phủ nhưng nhóm phiến binh này không tỏ ra sợ hãi.

Bởi lẽ ngoài chiến tuyến được chuẩn bị kỹ càng, nhóm này đã chiếm giữ Douma 7 năm liền.

Quân số chiến đấu hiện tại lên tới hàng chục ngàn phiến binh thiện chiến.

Mặt khác Douma được coi là cứ địa liên quan đến sự sống còn của nhóm này. Tương tự như IS với Deir Ezzor.

Sự bất hòa với nhóm FSA cũng không cho phép Jaysh al-Islam có thể yên ổn tại Idlib.

Quan hệ giữa Jaysh al-Islam và lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cũng không thực sự tốt đẹp, nên nhóm cũng không thể tá túc tại những vùng đất do SDF kiểm soát.

Vì vậy chỉ còn con đường tử chiến để tìm ra một giải pháp có lợi nhất cho mình. 

Những diễn biến bất ngờ khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Douma có thể sẽ làm cuộc chiến tại đây khốc liệt hơn.

Cả hai bên đang đổ trách nhiệm cho nhau trong vụ tấn công trên.

Nhưng dù thế nào vụ tấn công hóa học cũng sẽ tác động rất lớn tới hình thái chiến trường nơi đây.

Cuộc chiến sẽ tiếp tục căng thẳng và khốc liệt trong thời gian tới.