[ẢNH] Bị loại biên khi mới 10 tuổi, "xe tăng bay" Mi-35 không mạnh như quảng cáo?

ANTD.VN - Ngay sau khi nhận trực thăng tấn công mới AH-64 của Mỹ, Ấn Độ đã tiến hành loại biên hoàn toàn 17 chiếc Mi-35 mua từ Nga. Đáng chú ý có những chiếc Mi-35 hoạt động còn chưa đầy 10 năm tuổi.

Vòng đời của các máy bay trực thăng tấn công thường dao động từ 20-30 năm, tuy nhiên Ấn Độ lại quyết định loại biên những chiếc Mi-35 khi chúng chưa tròn 10 tuổi gây nên những bất ngờ từ giới quan sát.

Hiện có 17 chiếc Mi-35 được Ấn Độ mua từ Nga để tăng cường sức mạnh cho không quân.

Bình thường, những chiếc trực thăng tấn công hạng nặng này đang được biên chế cho các đơn vị tiền tiêu tại khu vực tranh chấp với Pakistan.

Ấn Độ là quốc gia sở hữu nhiều chủng loại vũ khí do Nga sản xuất, nước này cũng nổi tiếng là thẳng thắn khi nhận xét về các vũ khí từ Nga.


Trước đó Ấn Độ đã thẳng thừng vạch ra những điểm yếu về chiến đấu cơ Su T-50 (tiền thân của Su-57), họ cho rằng các thông số tàng hình của loại máy bay này thua kém nhiều so với đối thủ từ Mỹ.

Chính vì vậy quyết định loại biên Mi-35 của Ấn Độ rất có thể liên quan tới chất lượng của dòng trực thăng tấn công này.

Tuy được phát triển từ Mi-24 với hình dạng không mấy thay đổi, nhưng Nga cho biết sức mạnh của Mi-35 tốt hơn rất nhiều do với Mi-24 thời Liên Xô.

Cũng giống như Mi-24, Mi-35 vẫn giữ lại khoang chở quân có thể vận chuyển 8 binh sĩ hoặc 4 cáng cứu thương khi cần thiết.

Trang bị của Mi-35 rất mạnh gồm các loại tên lửa, rocket và pháo bắn nhanh.

Với trang bị đồ sộ này không khó để Mi-35 tiêu diệt các xe tăng và xe bọc thép của đối phương.

Trực thăng tấn công Mi-35 là dòng máy bay trực thăng chiến đấu đa năng do Rostvertol, một chi nhánh của Công ty Trực thăng Nga, chế tạo.

So với Mi-24, Mi-35 được nâng cấp đáng kể về hệ thống điện tử hàng không bao gồm gói hệ thống trinh sát nhìn đêm.

Mi-35 có khả năng sử dụng vũ khí có điều khiển và không điều khiển trong mọi điều kiện thời tiết, có thể hoạt động tấn công ở độ cao 10-25m ban ngày và 50m ở ban đêm trên đất liền hoặc trên sông, biển.

Tổ hợp ngắm bắn/đo xa quang điện tử GOES-342 gồm kênh dẫn đường ảnh nhiệt, đo xa laser, TV được trang bị ở mũi máy bay.

Mi-35 dài 17,50 m; cao 6,5 m; có trọng lượng rỗng là 8.355 kg, trọng lượng cất cánh tối đa là 11.500 kg.

Tầm bay thực tế 460 km và có thể lên tới 1.000 km khi cần thiết.

Để điều khiển chiếc trực thăng hạng nặng này cần phi hành đoàn gồm 2 người.

Nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động,hệ thống rotor chính và rotor đuôi của Mi-35 sử dụng của trực thăng tấn công Mi-28.

Theo đó rotor chính làm bằng sợi thủy tinh nhẹ nhưng bền hơn so với hợp kim nhôm, rotor đuôi chữ X giảm tiếng ồn. Hiệu suất bay, độ cao bay, khả năng cơ động được cải thiện tốt hơn Mi-24 nhờ các thay đổi này.

Về khả năng mang vác vũ khí, trực thăng tấn công Mi-35 thiết kế với cánh ngắn hơn Mi-24 nhưng mang được tải trọng 2,4 tấn trên 4 giá treo.

Mi-35 lắp pháo nòng kép GSh-23V cỡ 23mm với cơ số đạn 450-470 viên ở phía mũi cho khả năng tác chiến tốt hơn so với việc gắn bên thân như Mi-24. Pháo có thể bắn với tốc độ 3.400-3.600 phát/phút, phá hủy được mục tiêu bọc thép, công sự kiên cố, phù hợp diệt bộ binh địch.

Ngoài ra, nó có thể mang được các loại rocket S-8 80mm (tổng cộng 80 quả) hoặc S-13 122mm (20 quả) và thùng súng máy cỡ nòng 23mm.

Trong nhiệm vụ chống tăng, trực thăng Mi-35 có thể mang 8 tên lửa chống tăng có điều khiển Ataka-V hoặc Shturm-V.

 Đặc biệt, nó còn mang được tên lửa không đối không Igla-V để tự vệ trên không. Tuy vậy hiệu suất hoạt động thực tế của Mi-35 không như mong đợi.

Trực thăng tấn công hạng nặng Mi-35M (phiên bản Mi-35 nâng cấp nội địa) mà quân đội Nga triển khai trên chiến trường Syria đã bộc lộ khá nhiều nhược điểm nghiêm trọng chứ không như những lời quảng cáo "có cánh" vẫn được biết tới.

Ngoài những lỗi về hệ thống điện tử, ngắm bắn mục tiêu hay độ ổn định của động cơ khi hoạt động tại vùng khí hậu nóng như đã từng thấy trên trực thăng Mi-28N và Ka-52 thì Mi-35M còn một vấn đề khá lớn khác.

Máy bay bị nhận xét có độ cơ động rất kém, thậm chí nó còn bị so sánh như một trực thăng vận tải đa dụng loại Mi-8/17, rất chậm chạp và nặng nề chứ không linh hoạt đúng yêu cầu có của trực thăng vũ trang.

Thực tế trên đến từ việc thiết kế của Mi-35M không cho phép thu càng vào trong thân, đi kèm với đó là kết cấu rotor chính, cánh treo vũ khí, trọng lượng rỗng của máy bay... cũng không đạt yêu cầu.

Do mang vác quá nhiều hệ thống điện tử mới nên trọng lượng của Mi-35 tăng lên đáng kể, trong khi động cơ không cải tiến là mấy khiến Mi-35 bị đánh giá thua cả đàn anh Mi-24 trong một số tình huống.

Có những lúc Nga buộc phải triệt thoái toàn bộ Mi-35M về nước để nhường chỗ cho Mi-28 và trực thăng vận tải đa năng Mi-8/17 thế chỗ.

Sau khi nghiên cứu và có những cải tiến mới khắc phục những yếu điểm từ Mi-35M, Nga mới lại điều động phiên bản nâng cấp Mi-35P sang chiến trường Syria.