[ẢNH] Bất ngờ: Việt Nam tích hợp thành công pháo phòng không trên thiết giáp từ thời kháng chiến chống Mỹ

ANTD.VN - Phương án đưa pháo phòng không ZU-23-2 lên khung gầm các loại xe vận tải việt dã bánh hơi và đặc biệt là xe thiết giáp lội nước bánh xích sẽ mang lại sức cơ động vượt trội cho vũ khí này.

Còn ZU-23-2 là một loại pháo phòng không bán cố định, nòng đôi cỡ nòng 23 mm do Liên Xô nghiên cứu và chế tạo. Trong trạng thái cố định, mâm pháo có một trục quay giúp xạ thủ có thể quay pháo xung quanh 360 độ.

Pháo được ngắm bắn hoàn toàn thủ công, trang bị một kính ngắm quang học ZAP-23 cùng một thước ngắm cơ khí, nó cũng được lắp đặt một ống ngắm thẳng T-3 sử dụng trong trường hợp tấn công bộ binh hoặc xe thiết giáp ở mặt đất.

Đạn pháo được đặt trong các thùng đạn và được nạp qua băng tải ở hai bên. Mỗi thùng đạn chứa 50 viên và cung cấp cho 2 nòng riêng biệt. Tốc độ bắn của pháo theo lý thuyết là 2.000 viên/phút/nòng, thực tế 400 viên/phút.

ZU-23-2 nặng 0,95 tấn và có 2 bánh lốp để cơ động. Khi tác chiến mâm pháo hạ xuống và 2 bánh được kéo lên. Pháo có 2 loại đạn chính là xuyên cháy và nổ phá, sơ tốc đầu đạn đạt xấp xỉ 1.000 m/s, tầm bắn hiệu quả 2.500.

Trong tác chiến hiện đại, vấn đề nâng cao sức cơ động cho các loại vũ khí mặt đất nói chung hay ZU-23-2 là yêu cầu được đặt ra rất cấp thiết.

Nhiều quân đội trên thế giới, thậm chí cả các nhóm phiến quân đã tiến hành tích hợp pháo ZU-23-2 lên các khung gầm xe bánh lốp hay bánh xích khác nhau để tạo ra một tổ hợp pháo phòng không tự hành lợi hại.

Trước đòi hỏi từ thực tế và cũng qua tham khảo kinh nghiệm tự hành hóa pháo phòng không ZU-23-2, Việt Nam cũng tiến hành đưa vũ khí này lên các loại khung gầm khác nhau.

Các phương tiện được sử dụng để tích hợp khẩu pháo hạng nhẹ này rất đa dạng, có thể là xe tải bánh hơi dòng Ural hay KamAZ 43118 vốn có rất nhiều trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam.

Dựa trên những hình ảnh đã công khai, pháo phòng không tự hành ZU-23-2 của Việt Nam có các tính năng kỹ chiến thuật hầu như không thua kém bất cứ sản phẩm nào khác trên thế giới.

Không chỉ có vậy, các kỹ sư quân sự Việt Nam còn triển khai lắp đặt cả tên lửa phòng không vác vai trên mâm pháo ZU-23-2 để tạo nên tổ hợp tên lửa - pháo phòng không tự hành lợi hại.

Tuy nhiên khung gầm bánh hơi cũng có nhược điểm là thời gian chuyển trạng thái từ hành quân sang chiến đấu cũng như ngược lại hơi lâu, đồng thời khả năng vượt địa hình của nó cũng còn hạn chế.

Chính vì vậy mà hiện nay Việt Nam còn thí điểm đưa pháo ZU-23-2 lên khung xe thiết giáp bánh xích M548 chiến lợi phẩm thu được sau năm 1975.

Mặc dù khung gầm xe M548 khắc phục hầu hết nhược điểm của loại xe tải bánh hơi nhưng nó vẫn còn một nhược điểm là không có khả năng lội nước, vì vậy đã có đề xuất cho rằng Việt Nam nên đưa pháo ZU-23-2 lên một khung gầm thiết giáp lội nước nào đó.

Ứng viên được nhắc tới nhiều nhất hiện nay chính là thiết giáp bánh xích BTR-50PK, bởi vì nó có phần nóc xe khá rộng rãi, đủ khả năng tiếp nhận khẩu pháo phòng không này.

Càng ngạc nhiên hơn nữa khi được biết trong giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã thí điểm đưa pháo ZU-23-2 lên xe thiết giáp BTR-50PK và kết quả thu được là khá tích cực, đáng tiếc rằng dự án chưa được triển khai trên diện rộng.

Nhưng nay khi tình hình đã đổi khác, với kinh nghiệm của quá khứ, phương án triển khai diện rộng mô hình đã áp dụng là hướng đi mà Việt Nam rất nên quan tâm, nhằm giúp cho vũ khí cũ đáp ứng tốt hơn yêu cầu của chiến tranh hiện đại.