[ẢNH] Bất ngờ gây sốc, S-400 Nga bất lực trước tên lửa hành trình Liên quân vì chúng bay quá thấp?

ANTD.VN - Nhiều chuyên gia cho rằng do tên lửa hành trình bay quá thấp khiến radar của S-400 không thể phát hiện, hoặc nếu phát hiện thì do cự ly ngắn nên tên lửa đánh chặn cũng không thể bẻ góc tấn để phá hủy tên lửa hành trình.

Là hệ thống phòng không tiên tiến, S-400 được chế tạo cho mục đích tiêu diệt các mục tiêu bay tầm cao và xa. Có thể nói rằng đây là một trong số những hệ thống phòng không tầm xa mạnh nhất thế giới.

S-400 có thể phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu bay từ khoảng cách vài trăm cây số. Đây là điều mà ít có hệ thống phòng không nào làm được.

S-400 thậm chí được cho là có thể phát hiện ra máy bay tàng hình và tiêu diệt chúng.

Không những vậy nó còn có thể phá hủy tên lửa đạn đạo chiến lược của đối phương.

Tuy nhiên ngay từ đầu S-400 không phải được thiết kế để tiêu diệt những tên lửa hành trình dù về lý thuyết nó cũng có thể tiêu diệt chúng.

Với máy bay ném bom tầm xa dù có trần bay cao cũng không phải là điều gì khó nếu S-400 muốn tiêu diệt chúng.

Thậm chí những tên lửa đạn đạo có vận tốc cực lớn nhưng với tiết diện lớn S-400 vẫn có thể tiêu diệt.

Các máy bay tiêm kích lại hoàn toàn không dễ dàng trốn thoát nếu bị S-400 chiếu xạ.

Với hệ thống radar tiên tiến S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. 

Nhưng với tên lửa hành trình lại là chuyện khác.

Thường tên lửa hành trình có quỹ đạo bay phức tạp, trần bay lại rất thấp nên radar rất khó để phát hiện ra chúng.

Với những tên lửa được Liên quân Mỹ-Anh-Pháp sử dụng tấn công Syria hôm 14-4 vừa qua, trần bay đôi lúc của chúng chỉ 30m, điều này là bất khả thi đối với radar thám sát cho dù là của hệ thống S-400.

Sở dĩ các tên lửa hành có khả năng bay cực thấp là nhờ chúng được trang bị radar lập bản đồ địa hình để tránh vật cản.

Vì vậy nếu muốn bắn hạ tên lửa hành trình thì phải lựa lúc chúng vừa được phóng lên khỏi tàu chiến.

Lúc này tên lửa sẽ có trần bay cao để lấy quỹ đạo sau đó nhanh chóng hạ độ cao để tránh radar thám sát của đối phương.

Tuy vậy những tên lửa hành trình thường được phóng từ khoảng cách khá xa lên tới hàng 1.000km vượt ngoài tầm với 600km của radar S-400.

Chưa kể tiết diện của tên lửa hành trình rất nhỏ lại được chế tạo bằng những vật liệu chống tín hiệu radar nên việc phát hiện ra chúng rất khó khăn.

Đại tá Phan Văn Từ (nguyên Trưởng phòng công nghệ cao, Viện tên lửa, BQP) cho rằng, tất cả các hệ thống tên lửa đánh chặn của Syria có xác xuất gần như bằng không nếu dùng tên lửa để đánh chặn Tomahawk hôm 14-4 vừa qua.

Ông cho rằng nếu phát hiện được Tomahawk bay ở cự ly gần thì chúng cũng không thể tiêu diệt được vì Tomahawk bay ở độ cao cỡ 200 m hay thấp hơn thì khi tên lửa vừa phóng ra đã vượt xa độ cao đó và không tài nào bẻ ngay quỹ đạo quay xuống để bám mục tiêu được.

Nga nhiều lần lên tiếng cho rằng S-400 của họ có thể tiêu diệt được mọi mục tiêu kể cả mục tiêu tầm thấp.

Tuy vậy nhưng mỗi khi S-400 được triển khai đều có hai ba tổ hợp phòng không tầm cực gần Pantsir-S1 đi theo làm nhiệm vụ bảo vệ.

Tại chiến trường Syria cũng thế, Nga đang triển khai hai hệ thống S-400 nhưng có tới hàng chục tổ hợp Pantsir-S1 triển khai quanh đó.

Các chuyên gia cho rằng điều này là do S-400 có khả năng tiêu diệt rất tốt mục tiêu tầm xa và tầm cao, nhưng nó lại hạn chế ở nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu tầm gần. Đây cũng là điều dễ hiểu ở những hệ thống phòng không tầm xa không riêng gì S-400 của Nga.

Vì vậy tuy S-400 của Nga tại Syria hoàn toàn "im lặng" hôm 14-4-2018 vừa qua có thể từ nhiều nguyên nhân quan trọng khác, nhưng không loại trừ một trong những khả năng là S-400 bị hạn chế trong việc tiêu diệt tên lửa hành trình của liên quân vì bay quá thấp.

Nhưng điều này cũng không chứng tỏ rằng hệ thống S-400 của Nga không nguy hiểm cho liên quân.

Nếu Nga quyết định chống trả đòn tấn công của liên quân Mỹ-Anh-Pháp bằng cách kích hoạt S-400 thì máy bay cảnh báo, máy bay ném bom chiến lược B-1B và cả các chiến đấu cơ Anh, Pháp sẽ bị tiêu diệt ngay khi chúng làm nhiệm vụ tấn công vào Syria.