[ẢNH] Báo Trung Quốc bình luận triển vọng của tiêm kích Rafale tại Việt Nam

ANTD.VN - Sự kiện 3 tiêm kích đa năng Rafale cùng các máy bay khác của không quân Pháp sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng 8 này trong chiến dịch PEGASE đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ trang Sina của Trung Quốc.

Việc Pháp đưa tiêm kích Rafale tới Việt Nam được trang Sina cho rằng đây là một động thái nhằm giới thiệu tính năng kỹ chiến thuật của chiếc chiến đấu cơ này tới khách hàng tiềm năng.

Trang Sina dẫn thêm truyền thông phương Tây cho biết, từ năm 2016 đã diễn ra một số cuộc đàm phán sơ bộ giữa phía Việt Nam với Tập đoàn Dassault của Pháp và Saab AB của Thụy Điển với mục đích mua tiêm kích Gripen hoặc Rafale nhằm thay thế MiG-21.

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia quân sự quốc tế thì mặc dù có khá nhiều lựa chọn nhưng Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn với dự định mua sắm tiêm kích phương Tây.

Tiêm kích JAS 39 Gripen của Thụy Điển có lợi thế nhỏ nhẹ, độ cơ động cao, chi phí vận hành thấp, có khả năng cất hạ cánh trên đường băng chỉ 800 m có lẽ là sự lựa chọn hợp lý nhất để thay thế MiG-21.

Nhưng nếu khách hàng đặt mua Gripen thì có thể họ sẽ không có vũ khí đi kèm, hơn nữa trên máy bay có quá nhiều trang thiết bị với nguồn gốc khác nhau sẽ tạo ra khó khăn cho công tác đảm bảo kỹ thuật.

Bởi vậy trang Sina cho rằng triển vọng đối với Rafale là lớn hơn nhiều, chiếc tiêm kích này được đánh giá là có tính năng cao nhất trong số tiêm kích thế hệ 4, có thể đối đầu với tiêm kích thế hệ 5 và hiệu suất tổng thể thì vượt xa dòng Su-30.

Mặc dù vậy nhược điểm của Rafale không phải không có, trong đó đáng kể nhất là đơn giá quá cao lên tới 125 triệu USD, gấp đôi so với Su-30MK2, khiến cho việc mua sắm số lượng lớn để thay thế MiG-21 là bất khả thi.

Dựa trên tình hình thực tế, trang Sina dẫn lời một số chuyên gia quân sự cho rằng ứng viên sáng giá nhất đối với Việt Nam vẫn là F-16 Fighting Falcon do Mỹ chế tạo.

Việt Nam có thể học tập cách làm của Indonesia đó là mua lại các máy bay F-16 cũ đang được bảo quản tại căn cứ không quân Davis-Monthan rồi tiến hành nâng cấp, sẽ giúp giảm rất nhiều chi phí.

Sina còn dẫn nguồn tin từ Trung tâm phân tích thị trường vũ khí thế giới TsAMTO của Nga cho rằng Việt Nam có thể chi ngân sách mua tiêm kích phương Tây vào giai đoạn 2017 - 2020.

Đây là chính sách của Việt Nam nhằm đa dạng hóa nguồn cung vũ khí trang bị để tránh bị phụ thuộc duy nhất vào đối tác truyền thống là Nga.

Hiện nay một bạn hàng truyền thống của vũ khí Nga là Không quân Ấn Độ cũng đặt hàng tiêm kích Rafale dù cho họ đã có giấy phép sản xuất dòng tiêm kích Su-30MKI.

Hành động trên của phía Ấn Độ được cho là sẽ gây ảnh hưởng tới quyết định của Việt Nam trong tương lai, khi Hà Nội có thể nhờ New Delhi trợ giúp về hạ tầng kỹ thuật với loại tiêm kích này.

Sau chuyến viếng thăm Việt Nam của tiêm kích Rafale vào cuối tháng 8 này có lẽ sẽ xuất hiện thêm một số diễn biến mới rất đáng để quan tâm.