[ẢNH] Ấn Độ vừa nhận "sát thủ" AH-64E từ Mỹ chưa kịp thị uy đã phải hạ cánh khẩn cấp

ANTD.VN - Một chiếc trực thăng tấn công AH-64E của Ấn Độ gặp sự cố nghiêm trọng đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống cánh đồng không lâu sau khi nó cất cánh từ căn cứ sân bay Pathankot, gần biên giới Pakistan.

Giới hữu trách Ấn Độ vừa ra thông báo xác nhận một chiếc trực thăng tấn công AH-64E Apache Guardian của Không quân nước này đã phải hạ cánh khẩn cấp khi đang tổ chức bay huấn luyện chiến đấu tại một căn cứ sân bay gần biên giới với Pakistan.

Được biết, đại bản doanh của những chiến trực thăng tấn công AH-64E Apache Guardian mà Không quân Ấn Độ vừa nhận từ Mỹ năm ngoái là sân bay Pathankot, chỉ cách biên giới Pakistan chừng 145km. Trong ảnh là chiếc AH-64E vừa gặp sự cố.

Căn cứ không quân Pathankot là sân bay thuộc tuyến phòng thủ số 1 ở tiền tiêu để tham chiến nếu bị quốc gia hàng xóm tấn công từ phía Tây.

Theo thông tin cập nhật thì mặc dù máy bay hỏng nặng nhưng cả 2 phi công trên chiếc trực thăng tấn công AH-64 Apache này đã cố gắng hạ cánh xuống một khu ruộng ở quận Hoshiarpur thuộc bang Punjab.

Nguồn tin từ Không quân Ấn Độ cho biết, sau khi cất cánh từ căn cứ sân bay Pathankot, lỗi kỹ thuật đã xảy ra khiến phi công phải hạ cánh khẩn cấp bãi ngoài để cứu máy bay.

Thông báo chính thức của Không quân Ấn Độ cho biết: "Chiếc trực thăng tấn công AH-64E cất cánh từ căn cứ sân bay Pathankot. Khoảng 1 giờ sau đó, máy bay phát sinh sự cố kỹ thuật nghiêm trọng và buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống một khu vực ở phía Tây Indora, bang Punjab.

"Tổ bay đã hành động đúng điều lệnh và khéo léo hạ cánh bắt buộc bãi ngoài, bảo toàn thành công chiếc trực thăng này. Cả 2 phi công đều an toàn và máy bay hầu như không bị hư hại gì. Máy bay sẽ bay trở lại sau khi các lỗi kỹ thuật và kiểm tra cần thiết được khắc phục xong".

Không quân Ấn Độ đã triển khai huấn luyện chiến đấu đối với các máy bay trực thăng tấn công AH-64E từ năm 2019 nhằm củng cố khả năng phòng ngự tại khu vực biên giới với Pakistan.

4 chiếc trực thăng tấn công Boeing AH-64E Apache Guardian đầu tiên đã được điều tới đây (Pathankot) hồi tháng 8-2019, trong khi số còn lại sẽ lần lượt được chuyển tới.

AH-64E là thế hệ trực thăng tấn công hạng nặng mới nhất được phát triển trên huyền thoại Apache của Mỹ. Loại trực thăng này hứa hẹn sẽ chiếm ưu thế trên chiến trường.

So với những phiên bản trước, AH-64E được nâng cấp cả về hệ thống động cơ, điện tử và vũ khí, chúng sẽ đóng vai trò trực thăng tấn công mạnh nhất thế giới hiện nay.

Dù mang trong mình sức mạnh kinh hoàng cùng biệt danh trực thăng tấn công mạnh nhất thế giới nhưng Mỹ vẫn tiếp tục nâng cấp dòng trực thăng này lên một tầm cao mới.

Những tính năng cải tiến của một biến thể trực thăng tấn công AH-64E sẽ đáp ứng yêu cầu của Lục quân Mỹ về chiếc máy bay có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công-trinh sát và tiếp tục phục vụ trong nhiều thập kỷ tới.

Ở phiên bản mới nhất của dòng trực thăng này, chúng đã có tốc độ cao hơn, tầm hoạt động xa hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn các đời trước.

AH-64E được trang bị cánh quạt chính dài hơn, hệ thống xả thải của động cơ cải tiến, cánh đuôi và cánh quạt đuôi lớn hơn.

Hệ thống dẫn động của cánh quạt chính được nâng cấp để tạo sự ổn định và độ cơ động cực cao trên chiến trường.

Cấu hình nâng cấp này sẽ giúp máy bay cải thiện 50% tốc độ bay, 50% tầm hoạt động, giảm 24% mức tiêu thụ nhiên liệu và tăng gấp đôi thời gian phục vụ.

Hãng chế tạo Boeing đã luôn tập trung phát triển dòng trực thăng này để hướng đến việc tiếp tục giữ "ngôi vương" trong số các loại trực thăng tấn công mạnh nhất thế giới.

Theo Boeing, trong một số trường hợp cần thiết, biến thể AH-64E Guardian có thể đạt tốc độ tối đa tới gần 400km/h.

AH-64E có phi hành đoàn 2 người, chiều dài 17,7m đường kính roto 16,4m, chiều cao 4,6m. Trọng lượng rỗng 5,1 tấn, trọng tải cất tối đa 9,5 tấn

AH-64E có 2 cánh phụ hai bên hông với 2 điểm treo mỗi cánh có thể mang theo 16 tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire, giá phóng rocket không điều khiển Hydra 70mm, tên lửa không đối không tầm thấp AIM-92 Stinger.

Dưới bụng trực thăng được trang bị một pháo tự động M230 30mm với cơ số 1.200 viên đạn.

AH-64E trang bị bộ tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu TADS (AN/ASQ-170). Hệ thống này bao gồm 1 camera quang truyền hình, hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại FLIR cùng hệ thống máy đo xa laser.

TADS tương thích với hệ thống PNVS, chúng có thể hoạt động độc lập hoặc hỗ trợ cho nhau trong việc điều khiển vũ khí.

AH-64E được trang bị 2 động cơ T700-GE-701E công suất 2.200 mã lực/chiếc. Bán kính tác chiến 550km, phạm vi hoạt động tối đa 2.00km, trần bay 6,5km. Đây vẫn là dòng trực thăng tấn công mạnh nhất thế giới hiện nay.