[ẢNH] Ám ảnh những chuyến tàu chở người tị nạn Rohingya

ANTD.VN - Bất chấp sự phản đối kịch liệt, Bangladesh đã dùng tàu hải quân đưa khoảng 1.600 người tị nạn Rohingya, Myanmar đến một hòn đảo xa xôi ở Vịnh Bengal.

Rohingya là một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở phía bắc bang Rakhine, Myanmar. Tuy nhiên họ bị từ chối quyền công dân từ Chính phủ Myanmar.

Trong nhiều thập kỷ ở Myanmar, Rohingya đã trải qua các cuộc đàn áp về sắc tộc và tôn giáo. Chính vì vậy, hàng trăm nghìn người đã chạy sang các nước khác ở Đông Nam Á để lánh nạn.

Bên cạnh đó, nhiều người đã trốn sang nước láng giềng Bangladesh, nơi có hai trại tị nạn chính thức được đăng ký lớn nhất thế giới.

Hiện có hơn 1 triệu người tị nạn Hồi giáo Rohingya sinh sống tại Bangladesh.

Cùng với việc bùng nổ dân số khiến mật độ dân sống trong trại tị nạn ở Cox's Bazar rất cao từ 40.000 đến 70.000 người trên một kilomet vuông…

… rất nhiều vấn đề phức tạp đang diễn ra tại đây như sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng… là nguyên nhân buộc Bangladesh phải đưa người Rohingya đến nơi ở khác.

Bất chấp sự phản đối kịch liệt về vấn đề nhân quyền, chính quyền Bangladesh đã có kế hoạch xây dựng thêm các trại tị nạn tại một hòn đảo xa xôi thiếu điều kiện sinh tồn vốn có cho con người ở Vịnh Bengal từ năm 2017.

Tuy nhiên chính quyền Bangladesh cho biết, đã xây dựng cơ sở hạ tầng tại đảo Bhasan Char.

Theo thông tin, trên đảo đã xây dựng cả bệnh viện và trường học.

Từ ngày 4-12-2020, người Rohingyas đã bắt đầu được đưa đến đảo Bhasan Char.

Người tị nạn ở trong lều để chờ lên tàu di chuyển đến đảo Bhasan Char ở Chattogram, Bangladesh.

Các tàu hải quân Bangladesh chở khoảng 1.600 người tị nạn Rohingya đến một hòn đảo xa xôi ở Vịnh Bengal. Hải trình đến nơi định cư mới dự kiến khoảng 2,5 tiếng.

Tất cả các hoạt động đều được đảm bảo dưới sự giám sát của lực lượng hải quân.