Ăn như thế, đồng lương thì còi cọc ngót nghét 2 triệu đồng/tháng, hỏi làm sao không nghỉ việc tập thể, đình công. Thử bước vào một số khu công nghiệp ngay ở Hà Nội vào đúng bữa ăn trưa, nhìn vào suất ăn “công nghiệp” của công nhân thật là đạm bạc, không đủ no bụng. Công nhân làm việc tay chân nặng nhọc, đầu óc căng thẳng, môi trường đủ loại độc hại, chưa kể tăng ca, tăng kíp triền miên, vậy mà bữa ăn chính chẳng khác ăn thêm ăn nếm.
Một cuộc điều tra về suất ăn công nghiệp và sự hài lòng của công nhân tại tỉnh Bình Dương, một trong những địa phương tập trung dày đặc các khu công nghiệp, khu chế xuất nhiều nhất cả nước, cho thấy một thực trạng thật xót xa. Khẩu phần ăn trưa của công nhân thiếu năng lượng gluxít 63%, thiếu đạm 30%, thiếu chất béo 32,5% ngay cả rau xanh, củ quả cũng thiếu tới 45%. Bữa cơm trưa để tiếp và nạp thêm năng lượng cho cơ thể mà nghèo nàn như thế, cho nên có đến 47,7% công nhân được điều tra đã nói thẳng rằng họ ăn không đủ no và 51% công nhân trả lời thức ăn không ngon nhưng vẫn phải… cố nuốt.
Ngay cả những quán “cơm bụi”, cơm bình dân hiện nay cũng không ai bán một suất cơm đĩa dưới 15.000 đồng, chưa “đụng” tới cơm hộp, cơm văn phòng, cơm máy lạnh. Phó Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội cũng phải thừa nhận thực trạng “cám cảnh” này. Ông cho biết, đến thăm một doanh nghiệp ở Nam Định, bữa ăn trưa cho công nhân chỉ có 6.000 đồng. Không có gì ngoài cơm và một ít nước để rưới. Có công ty liên doanh, bữa trưa khá hơn là 12.000 đồng, song công nhân đồng loạt “tuyệt thực” chủ lao động vội vàng phải nâng lên 15.000 đồng mới “kéo” được người lao động quay trở lại. Tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Chương Mỹ - Hà Nội, công nhân phản ánh rằng, năm 2009-2010 bữa ăn trưa chỉ có 8.000 đồng. Đầu năm 2011, hàng trăm công nhân lãn công thì chủ sử dụng lao động mới chịu nâng suất ăn lên… 11.000 đồng. Sau một thời gian ngắn, mức ăn lại kéo xuống chỉ còn 10.000 đồng.
Được biết, quy định về bữa ăn trưa công nghiệp được đưa vào thỏa ước lao động tập thể, dựa trên sự thỏa thuận giữa đại diện công nhân và chủ sử dụng lao động. Tức là cơ quan chức năng chỉ có quyền “đứng ngoài” nhìn vào bữa cơm! Trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp ở Hà Nội, chỉ có gần 1/2 là có công đoàn và thỏa ước lao động tập thể, thậm chí có nơi chỉ đạt 1/3. “Có thực mới vực được đạo”. Ăn không đủ no, không đủ chất thì “vực” mình còn chưa nổi, nói gì đến làm. Câu nói: “Người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp” không chỉ là sáo rỗng.