- Cận cảnh vụ phóng tàu đổ bộ Mặt trăng của Nhật Bản
- Người dân Ấn Độ đổ ra đường ăn mừng tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đổ bộ thành công lên Mặt trăng
- Nguyên nhân sứ mệnh Mặt trăng Luna-25 của Nga thất bại
|
Tàu đổ bộ và tàu tự hành của sứ mệnh Chandrayaan-3 |
Các nhà khoa học của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) hy vọng có thể “đánh thức” các mô-đun của tàu vào ngày 22-9, khi Mặt trời mọc tại Điểm Shivshakti - một địa điểm gần cực Nam của Mặt trăng, nơi tàu Chandrayaan-3 hạ cánh vào tháng 8, tờ Hindustan Times đưa tin.
Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ, S. Somanath cho biết, các nhà khoa học của cơ quan này đang hy vọng con tàu có thể được “đánh thức” để tiếp tục thu thập thêm dữ liệu.
Trước đó, các mục tiêu của sứ mệnh đã được hoàn thành và các mô-đun của tàu được đưa vào chế độ ngủ từ ngày 2-9.
Tuy nhiên, cơ hội “đánh thức” thành công dường như rất mong manh vì các thiết bị trên mô-đun khó có khả năng “sống sót” trong điều kiện nhiệt độ cực thấp của đêm Mặt Trăng, có thể giảm xuống dưới -200 độ C ở cực Nam của Mặt trăng. Con tàu cũng chỉ có thời gian thực hiện nhiệm vụ trong 1 ngày trên Mặt trăng - tương đương 14 ngày trên Trái đất.
Sứ mệnh phóng tàu đổ bộ lên Mặt trăng của Ấn Độ, được khởi động với chi phí khoảng 6,1 tỷ rupee (75 triệu USD), được coi là một thành công lớn của nước này. Vào ngày 23-8 vừa qua, Chandrayaan-3 đã tạo nên lịch sử khi hạ cánh gần cực Nam ít được khám phá của Mặt trăng. Vài ngày sau, con tàu xác nhận sự hiện diện của lưu huỳnh trong khu vực sau các cuộc thử nghiệm tại chỗ.
Phó Tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar cho biết: “Ấn Độ không chỉ phát triển năng lực phóng vệ tinh của riêng mình mà còn mở rộng dịch vụ phóng vệ tinh cho các quốc gia khác, với 424 vệ tinh nước ngoài đã được phóng cho đến nay”.