Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, Việt Nam duy trì xuất khẩu 6,6 triệu tấn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cục Trồng trọt nhận định, chắc chắn việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, trừ gạo Basmati sẽ thành "địa chấn" trên thị trường gạo thế giới, theo quy luật thiếu hụt cung cầu sẽ dẫn đến biến động về giá cả.

Liên quan đến động thái mới nhất của Ấn Độ về việc, nước này cấm xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, động thái này chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến thị trường gạo thế giới, vì Ấn Độ là nước chiếm tới hơn 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu của toàn thị trường, kéo theo giá gạo sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước cũng sẽ phải tính đến kịch bản giá gạo năm 2008 khi có thời điểm giá gạo lên tới hơn 1.000 USD/tấn. Năm nay, sản xuất lúa của Việt Nam khá thuận lợi, các nguồn cung đảm bảo ổn định, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Việt Nam duy trì xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo trong năm 2023

Việt Nam duy trì xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo trong năm 2023

Ông Cường cho hay, Cục Trồng trọt vẫn theo dõi sát tình hình thực tế để kịp thời có chỉ đạo, tính toán, điều hành sản xuất gắn với thị trường, đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp chốt thời điểm ký hợp đồng với giá phù hợp để đem lại giá trị cao cho hạt gạo Việt Nam, cũng như tăng thu nhập cho người sản xuất lúa gạo, nhất là nông dân trồng lúa.

“Chắc chắn việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, trừ gạo Basmati sẽ thành "địa chấn" trên thị trường gạo thế giới, theo quy luật thiếu hụt cung cầu sẽ dẫn đến biến động về giá cả”- ông Cường nhận định.

Dù vậy, ông Cường cũng nêu quan điểm, Cục Trồng trọt tiếp tục ổn định lượng gạo xuất khẩu khoảng trên 6,6 triệu tấn trong năm 2023. Với con số này sẽ không ảnh hưởng gì tới an ninh lương thực trong nước. Luỹ kế đến trung tuần tháng 3/2023, cả nước đã thu hoạch được hơn 9,1 triệu tấn lúa, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải khuyến cáo các doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thị trường để ký hợp đồng đạt mức giá cao nhất nhằm đảm bảo lợi nhuận cho cả doanh nghiệp cũng như nông dân trồng lúa. Đặc biệt, nên cẩn trọng trong việc thương thảo ký kết hợp đồng, không nên ký hợp đồng khi mà trong kho không còn lúa gạo dự trữ”- ông Cường khuyến cáo.

Chia sẻ về chiến lược dài hạn trong phát triển sản xuất lúa, ông Cường cho hay, Việt Nam không thể tăng diện tích trồng lúa mà chỉ gia tăng về sản lượng, giá trị hạt gạo. Đó là quy luật tất yếu của xu thế phát triển công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Nhưng chúng ta có thuận lợi, là giá lúa gạo tăng cao sẽ giúp bà con nông dân đảm bảo lợi nhuận, tạo động lực cho bà con tiếp tục gắn bó và đầu tư lâu dài cho nghề trồng lúa.

Bên cạnh đó, cũng tạo động lực cho Việt Nam triển khai thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ cân đối diện tích sản xuất lúa gạo, cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp thu mua xuất khẩu và nông dân trồng lúa. Để đảm bảo ổn định sản lượng xuất khẩu gạo các doanh nghiệp sẽ phải có liên kết chặt chẽ hơn với người trồng lúa, thể giữ mãi tư duy buôn chuyến.