Ẩm thực 2023 - Kẻ mải mê đua “trend”, người lo món ngon thất truyền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 2023 có lẽ là một năm mà giới trẻ bị cuốn vào các cơn sốt với rất nhiều món ăn “độc, lạ” trên mạng”. Thậm chí một vài món ăn đã tranh thủ “gây bão” khi mà nhà nhà, người người cố kiếm tìm nguyên liệu để làm ngay và luôn những món đang… “mốt”.

Khi giới trẻ mải mê ăn uống kiểu “check in”

Nói cho thật chính xác, không hẳn là chỉ năm nay mọi người mới chạy theo những “cơn sốt” ẩm thực trên mạng, nhưng có lẽ 2023 là năm mà các món ăn, các “cơn sốt” cứ rầm rộ nối đuôi nhau khiến những hội đam mê ẩm thực mải mê chạy theo, món này nối tiếp món kia.

Khơi mào mạnh mẽ nhất có lẽ là món “gỏi gà măng cụt”, một món ăn khá dân dã của miền Tây khi vụ mùa thu hoạch quả măng cụt tới gần. Thế rồi một ngày đẹp trời, nó tự nhiên trở nên “hot” khủng khiếp, chị em trên khắp các diễn đàn ẩm thực tranh thủ kiếm bằng được nguyên liệu để làm, trước là để “cúng thần phây”, sau có ăn được hay không thì chỉ có… trời mới biết. Quả măng cụt xanh có mấy ai ăn, thậm chí nó chỉ toàn nhựa, ăn sao nổi. Thế mà bỗng dưng nó bị săn lùng, giá tăng chóng mặt, và nông dân miệt vườn bất ngờ… trúng mánh. Tiếp sau đó, người ta lại sáng tạo ra “gỏi gà chôm chôm”, “trà mãng cầu”… khiến trái cây Việt trở nên có giá không ngờ.

Đến lượt món bánh đồng xu phô mai “10 won” từ xứ sở Kim chi, cảnh mọi người xếp hàng dài cả tiếng đồng hồ đã diễn ra hệt như người Hà Nội xếp hàng mua bánh Trung thu. Mua cho bằng được chiếc bánh độc lạ để thưởng thức và còn tranh thủ chụp hình “tự sướng” rồi đưa lên mạng xã hội cho kịp với người ta. Rầm rộ đến nỗi nhà nhà tranh thủ mua máy làm bánh để kịp kiếm lời, nhưng không biết có lời được hay không, hiện giờ hàng bánh thấy nhiều hơn cả người mua, có hàng đã kịp xếp máy vào một góc khuất nào đó. Cà phê muối, trà chanh giã tay, mỳ thanh long… cũng rầm rộ chẳng kém, khiến cho “ẩm thực mạng” 2023 nhộn nhịp một cách bất ngờ.

Giữa những những món ngon độc đáo và trở nên “hot” đến như vậy thì ở Hà Nội cũng có một “trend” (xu hướng) vô cùng thú vị khiến giới trẻ ở đây phát cuồng, đó là “check in” mùa thu Hà Nội với xôi cốm và cà phê trứng vừa ngon, đẹp lại rất lãng đãng thu. Thế mới thấy, không hẳn những thứ lạ lẫm, những sáng tạo gây tranh cãi mới khiến người ta ham. Thời đại ăn uống kiểu “trên mạng”, bất kể là xưa cũ hay hội nhập, miễn là món ngon thì sẽ được chào đón. Đặc biệt món ăn đó gắn liền với giá trị văn hóa, tinh thần thì ắt hẳn nó không chỉ là xu hướng tức thời mà cứ đến mùa thì “hot” thôi, như món xôi cốm vậy đó.

Nỗi lo thất truyền món Hà Nội cổ

Trêm một diễn đàn về ẩm thực cổ truyền Hà Nội có ý kiến cho rằng, những món ngon của Hà Nội đang ngày bị lai căng, bị mất dần hương vị cổ truyền vốn được cho là đã đạt đến độ tinh hoa trong ẩm thực. Ngẫm cũng đúng, rất nhiều món ngon đã bị biến hóa trong cả cách chế biến đến cách ăn, khiến cho hương vị món ăn không còn chuẩn nữa, khó kiếm được cả những quán ăn phục vụ món ăn chuẩn hương vị công thức xưa.

Nhiều người phàn nàn rằng, các món bún, phở… nay chuộng dùng quất nhiều quá, có lẽ vì quất nhiều và rẻ chăng? Quả vậy, cỡ khoảng hai chục năm trở lại đây, rất nhiều quán ăn phục vụ quất thay vì chanh hoặc giấm tỏi. Đã từng có những tranh luận ăn phở nên dùng giấm tỏi hay vắt chanh. Tranh luận còn chưa ngã ngũ thì nay người ta “tương” luôn cả quất vào phở, nhiều quán còn chẳng thấy cả lọ giấm lẫn chanh. Xưa pha mắm tôm để chấm bún đậu thì có giấm và chanh, nay thì hầu như tất cả thay thế bằng quất hết. Thậm chí bát nước chấm bún chả vốn là thứ nước mắm pha giấm chua ngọt thì nay người ăn cũng đòi thêm vài miếng quất, dù cho món ăn đó chỉ có giấm mới hợp vị. Và chủ quán cũng chiều lòng thực khách, hiếm có quán nào chủ phải lên tiếng “món này không phục vụ quất”.

Rồi chẳng biết từ khi nào người ta ăn cả chả cốm, nem rán với bún đậu mắm tôm - một sự kết hợp “kì dị” làm mất đi hương vị thơm ngon của món ăn mang đậm nét đặc trưng của Hà Nội. Chưa hết, món thịt nướng, cá nướng thì đồng loạt ướp sả. Bún chả là một trong số tự hào của ẩm thực Hà Thành. Thịt được tẩm ướp khá đơn giản, nhưng hương thơm thật sự hấp dẫn khi nó cháy xèo xèo trên than hoa. Nay người ta thêm sả băm ướp vào thịt, rồi thêm cả dầu hào, những thứ gia vị khiên cưỡng này chẳng rõ từ khi nào bỗng thành công thức được nhiều người dùng.

Thay vì chỉ sử dụng hành phi cho món xôi xéo, bánh cuốn, miến lươn… thì nay hễ cứ xôi là tự động thấy có hành phi. Rồi hành phi cho vào cả bún riêu, bún ốc. Đáng nói là thứ hành phi ấy là thứ hành phi công nghiệp đóng túi sẵn, nó “tả pí lù” hỗn độn nhiều thứ khác pha tạp như hành tây, khoai… vừa chẳng có mùi thơm, chẳng có cả hương vị đặc trưng.

Hay như bát nước chấm ốc luộc, giờ để kiếm được quán ốc luộc nào pha theo kiểu các cụ ngày trước chắc hiếm lắm. Xưa chỉ cần gừng, ớt giã nhuyễn pha với nước mắm và thêm chút lá chanh thái mỏng thì nay là một thứ nước chấm vừa ngọt ngọt, vừa mặn mặn, đẫm sả, tỏi, quất cho đa dạng và đẹp mắt.

Có lẽ do xã hội hiện đại, sự giao thoa văn hóa ngày một nhanh và gần hơn, con người tụ đến từ nhiều nơi với nhiều văn hóa ẩm thực khác nhau, món ăn cũng vì thế có sự biến hóa đi khá nhiều. Mỗi vùng miền, tỉnh thành đều có giá trị văn hóa riêng, những món ngon riêng, chỉ cần nhìn vào món ăn và cách ăn người ta có thể nói và nhận ra nó đến từ đâu. Nhưng khi hòa nhập mà để mất bản chất, mất dần đi những thứ vốn là tinh hoa tạo nên một món ngon đặc trưng, mất đi hương vị riêng cũng là nỗi trăn trở. Như món đậu nướng chẳng hạn, giờ chẳng những là nỗi lo nó bị biến tấu đi mà còn lo nó mất hẳn trên bản đồ ẩm thực Hà thành.

Ẩm thực vốn từ con người mà ra, quá trình hình thành nên một món ngon là cả một hành trình. Tuy nhiên, cả con người và văn hóa đều có sự thay đổi theo sự biến thiên của thời cuộc, cái gì được xã hội chấp nhận theo diện rộng trong thời gian dài thì nó sẽ hình thành nên một khái niệm món ăn kiểu mới. Miếng ngon Hà Nội cũng nằm trong biến thiên thời cuộc.

Không hẳn vì nó không ngon nên mới đổi thay mà vì nó nằm trong một xã hội giao thoa văn hóa ngày một nhanh hơn. Giới trẻ ngày một đam mê với văn hóa “bắt trend” trong ẩm thực, ham mê sáng tạo, món ngon có hương vị cổ truyền đầy tinh tế cũng rất cần được truyền đạt một cách đúng và cập nhật cho hợp thời cuộc.

Để những trăn trở ấy không còn là nỗi lo thì ẩm thực không có lỗi mà là con người để mất đi những giá trị thật, những công thức chuẩn mực của món ngon mới thật sự có lỗi. Ẩm thực cũng là đại diện cho nét văn hóa của từng địa phương, gìn giữ không quá khó, chỉ là có muốn làm và muốn truyền đạt hay không mà thôi.