Ám ảnh "Chúa đất"

ANTĐ - Sau cuốn tiểu thuyết “Cửa hiệu giặt là” viết về Hà Nội, nhà văn Đỗ Bích Thúy vừa trở lại với đề tài miền núi qua “Chúa đất” (NXB Phụ nữ). Đây là cuốn tiểu thuyết thứ tư của chị, một cuốn sách lôi cuốn, hấp dẫn tới trang cuối cùng.

Ám ảnh "Chúa đất" ảnh 1Bìa cuốn Chúa đất

1. Bắt đầu bằng một câu dân ca Mông: “Mưa ngâu thấm lên cây/ Gầu Mông trầm ngâm làm con dâu đường xa…”, cuốn tiểu thuyết “Chúa đất” của nhà văn Đỗ Bích Thúy đưa người đọc ngược về vùng Đường Thượng (Yên Minh - Hà Giang). Cứ ngỡ gần 300 trang viết êm đềm, như những giai điệu dân ca Mông mà nhà thơ Hùng Đình Quý đã dày công sưu tầm và dịch được Thúy chọn làm đề dẫn cho 19 đoạn trong tiểu thuyết. Nhưng không, nó như chén rượu ngô tỏa hương bên ngoài, để dẫn nhập vào một câu chuyện mà ngay từ trang đầu, đã khiến người ta muốn khám phá:

“Hậu dinh nhà Sùng Chúa Đà. 

Đà đang đứng xem đám thợ đá đẽo một tảng đá lớn. Tảng đá dài gần bằng chiều cao của hai người, rộng hơn sải tay người. 

Sùng Chúa đá muốn làm gì?

Làm một cái cột đá.

Để làm gì?

Để treo người”.

2. Đỗ Bích Thúy nói, tiểu thuyết này được lấy cảm hứng từ một truyền thuyết, cách đây khoảng 200 năm ở vùng Đường Thượng. Đó là truyền thuyết vô cùng bi tráng về chúa đất Sùng Chúa Đà và cây cột đá chuyên dùng để treo người ta cho đến chết. Cột đá cao 1,9m, hai bên có hai cái lỗ để nhét tay người bị hành quyết vào. Tất cả những ai trêu ghẹo vợ chúa và vi phạm luật lệ do ông ta đặt ra đều bị Chúa đất bắt phải chết bằng công cụ man rợ đó. Hiện cột đá này đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang. 

Hà Giang là của Đỗ Bích Thúy. Tôi nghĩ thế, từ khi đọc những truyện ngắn, truyện vừa của chị. Những “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Ngải đắng ở trên núi”, “Lặng yên dưới vực sâu”… Thúy viết về đất, về người, về những phong tục tập quán xứ này tinh tế và cuốn hút. Cứ như thể chị ngoắc tay kéo từ trong chiếc quẩy tấu (gùi) ra một món ăn đồng rừng quyến rũ. Với “Chúa đất” này cũng thế. Cảm giác ấy là có thật, nhưng với Đỗ Bích Thúy thì không hẳn. 

Đó là bởi với mảnh đất Đường Thượng này, chị đã cất giữ ở đó quá nhiều kỷ niệm. Hơn 20 năm trước, khi đó, Đỗ Bích Thúy còn là phóng viên Báo Hà Giang. Chị đã nhiều lần từ huyện lỵ Yên Minh mò mẫm vào Đường Thượng để lấy tư liệu viết báo. Tất nhiên, hồi ấy chỉ là công việc, là nghề phải đi. Chị cũng không ngờ sau này sẽ viết cả cuốn tiểu thuyết về vùng đất này, trên cái nền cảm hứng về truyền thuyết Chúa đất Sùng Chúa Đà.

“Đường Thượng thực sự là một vùng đất gợi cảm. Thung lũng tuyệt đẹp chạy dài với hai bên núi cao dựng đứng, là thung lũng đẹp nhất Cực Bắc. Đất dưới thung lũng mềm tươi, ẩm ướt, khí hậu không quá khắc nghiệt. Đường Thượng nhiều năm liền từng là điểm nóng về việc trồng cây anh túc…”, Đỗ Bích Thúy cho biết. “Đường Thượng cách trở về địa lý nhưng so với vùng cao nguyên đá thì được thiên nhiên quá ưu đãi. Vùng đất lại nhiều huyền tích, thực thực hư hư. Và chỉ với một Sùng Chúa Đà, tôi đoán rằng trên thế giới cũng khó tìm đâu một Chúa đất tàn bạo, nghĩ ra cách hành quyết ghê rợn như chúa Đà”. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là cái cớ để tác giả bắt đầu viết ra một câu chuyện mà chị ấp ủ bấy lâu. Hay nói như Đỗ Bích Thúy, là dịp để chị một lần nữa lại nghiêng về những người đàn bà, với một niềm yêu thương vô tận.

3. Người ta thật khó cưỡng khi đã bắt đầu cầm trên tay cuốn sách này. Văn của Thúy không thách thức người đọc bởi sự cầu kỳ. Cấu trúc tiểu thuyết cũng không đánh đố độc giả. Hơn 290 trang sách, nhiều trang thấm đẫm sex, nhưng những trang đó, lạ thay, khiến người ta muốn đọc nhanh, đọc lướt để theo dõi một câu chuyện cuốn hút với những nhân vật đã được tác giả dày công xây dựng. Một Chúa đất tàn bạo, hoang dâm nhưng không thể làm thỏa mãn những người vợ “bắt” về. Một bà Cả không sống cuộc sống của mình. Một bà Tư (Vàng Chở) đầy cá tính, với câu nói đầy quả quyết: “Sống mà như chết thì sống làm gì”. Một Sùng Pà Xính với “cái tội”… đã xinh mà tiếng hát lại còn hay… Rồi những gã trai người Mông đầy bản lĩnh, dám sống dám yêu tới tận cùng như Thào Chá Vàng, Thào Chá Pó, Lù Mìn Sáng… 

Đặc biệt, có thể nói, Đỗ Bích Thúy đã tinh tế trong việc khắc họa những nhân vật như con chó vàng, con chim Sùng Cắt… Đó là những tuyến nhân vật phụ, nhưng vô cùng sinh động. Nếu con vàng như hình với bóng với bà Cả, sẵn sàng từ bỏ tiếng gọi của giới tính để hết lòng phụng sự bà Cả, hiểu từng cử chỉ của bà thì Sùng Cắt lại như cái bóng của Sùng Chúa Đà, thậm chí nó đáo để và sẵn sàng bỏ qua tất cả tội lỗi nếu đó là… một cô gái đẹp. Tất cả, cứ cuốn hút người ta dõi theo đến tận trang cuối cùng, để rồi chứng kiến những bi thương tất sẽ xảy ra ở phần cuối.

Gấp “Chúa đất” lại, người ta sẽ còn thấy dư âm ám ảnh trong lòng. Và muốn đọc lại một lần nữa…