Ai cũng phải “gánh” lỗ

ANTĐ - Trong cuộc họp báo thường kỳ đầu tháng 7, Bộ Tài chính khẳng định sẽ tích cực thực hiện các biện pháp để những mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý giá như điện, than, nước sạch... có lộ trình theo cơ chế thị trường. Mặc dù kinh tế năm 2011 và 6 tháng đầu năm nay hết sức khó khăn, nhưng việc tăng giá những mặt hàng thiết yếu đến sản xuất và đời sống vẫn được thực hiện theo lộ trình, tuy nhiên khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 lần đầu tiên sau 40 tháng giảm xuống mức âm, nhiều mặt hàng đã tăng giá.

Tại một cuộc tọa đàm trực tuyến về quy hoạch điện cuối tháng 6 vừa qua, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư thuộc Bộ Tài chính đã khẳng định, ngay cả có xác định được nhân tố làm tăng giá, nhưng những yếu tố chung của nền kinh tế chưa cho phép thì cũng chưa chắc quyết định tăng giá được. Doanh nghiệp và người dân cảm thấy yên lòng là giá điện sẽ chưa thể tăng.

Vậy mà chỉ ít ngày sau, Bộ Công Thương đã ký thông tư cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng giá điện lên 5%. Điều dư luận “bất ngờ” là Bộ này giấu kín ý định tăng giá điện. Việc đột ngột công bố quyết định điều chỉnh giá này đúng vào thời điểm doanh nghiệp sản xuất đình trệ kéo dài, chỉ số tồn kho hàng công nghiệp 6 tháng đầu năm còn tới 26% đồng thời rất khó tiếp cận được vốn. Có thể “thông cảm” với quyết định khá bất ngờ này bởi lo ngại phản ứng tâm lý của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đương nhiên việc giá điện sẽ tăng là điều bất khả kháng, vì Chính phủ đã chủ trương sẽ thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, để sản xuất và kinh doanh điện không chỉ bù đắp được chi phí, mà còn có sức hút đầu tư tư nhân.

Quan điểm của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng như Tập đoàn Điện lực là, việc điều chỉnh giá điện lần này tác động không lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Phản hồi ý kiến cho rằng, việc tăng giá điện 5% là không có cơ sở, một Thứ trưởng Bộ Tài chính đặt câu hỏi: “Liệu những người nói không có cơ sở tăng giá đã có đủ cơ sở để khẳng định như vậy chưa? Rất cần sự phân tích kỹ lưỡng trước khi đưa ra nhận định như vậy”. Quả thật là mức tăng bình quân 65 đồng/kwh điện không lớn.

Tuy vậy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá lại cho biết, tạm tính thì mức tăng giá điện 5% sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng cả hai “vòng xoáy” là 0,369% trong điều kiện các yếu tố giá khác không thay đổi. Bộ Công Thương tính toán, việc tăng giá điện thêm 5% từ đầu tháng 7 sẽ giúp doanh thu bán điện của Tập đoàn Điện lực năm nay tăng thêm 3.710 tỷ đồng, đủ bù đắp một nửa số lỗ để lại của năm 2010. Bộ Công Thương cũng khẳng định, các cơ quan đã phát hiện những sai phạm, nhưng sau khi loại trừ sai phạm, ngành điện vẫn còn lỗ lớn và lỗ thật nên điều chỉnh giá là cần thiết.

Vậy là đã rõ, trong khi hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản, phải bán sản phẩm dưới giá thành, nợ nần chồng chất, thì lại phải “è cổ” chia thêm gánh nặng lớn dù giá điện chỉ tăng 5%. Có nghĩa là, tập đoàn Nhà nước này làm ăn thua lỗ thì từ doanh nghiệp đến người dân, ai cũng phải ghé vai “gánh” lỗ.