58 người đồng ý ra nước ngoài lao động trái phép có phạm tội hình sự không?

ANTĐ - Ngày 3-3, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp với Công an huyện Can Lộc bắt 4 đối tượng tổ chức đưa 58 người đi nước ngoài. 

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã tiến hành chốt chặn, đón lõng tại thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) chiếc xe ôtô BKS 38B - 005.20, qua kiểm tra, phát hiện trên xe có 58 người đang chuẩn bị được đưa sang Trung Quốc và bắt 4 đối tượng gồm: Lê Văn Giang (SN 1992, trú tại xã Kỳ Hợp, Kỳ Anh), Nguyễn Tiến Tùng (SN 1970, trú tại xã Kỳ Tây, Kỳ Anh), Nguyễn Xuân Bắc (SN 1988) và Hoàng Trọng Lĩnh (SN 1993, đều ở xã Kỳ Tân huyện Kỳ Anh) là những người tổ chức đưa người vượt biên sang Trung Quốc.

Tại CQĐT, các đối tượng khai nhận, do từng làm việc ở Trung Quốc nên khi về địa phương đã tổ chức đưa người dân trên địa bàn vượt biên sang lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc. Mỗi người khi được đưa sang Trung Quốc sẽ phải trả công cho các đối tượng trên từ 6 - 8 triệu đồng. Sau khi đã gom đủ người các đối tượng đã thuê xe chở ra Quảng Ninh, chờ thời cơ vượt biên  sang Trung Quốc. 

Vấn đề cần trao đổi là các nghi can phạm tội gì? Những người dự định vượt biên sang Trung Quốc lao động có phạm tội không? Các nghi can sẽ bị xử lý như thế nào?

Phạm tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài

Bốn nghi can Lê Văn Giang, Nguyễn Tiến Tùng, Nguyễn Xuân Bắc và Hoàng Trọng Lĩnh đã có hành vi thuyết phục, tuyển người, thu tiền lộ phí để đưa một số lớn người xuất cảnh trái phép, không có giấy tờ theo đúng quy định Nhà nước. Hành vi này cấu thành tội phạm theo điều 275 Bộ luật Hình sự: Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Theo điều 20 của Bộ luật Hình sự, cả 4 nghi can này đều là đồng phạm trong tội danh nêu trên: Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Trong vụ án này các nghi can có thể đã phạm tội nghiêm trọng với nhiều tình tiết tăng nặng như phạm tội với nhiều người, gây hậu quả nghiêm trọng, vì vậy có thể bị truy tố theo khoản 2 điều 275 BLHS: Phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. Ở đây phạm tội nhiều lần là đã phạm tội với nhiều người.

Kiều Hải Phong (Tiên Du, Bắc Ninh)

Các nghi can chưa phạm tội

Trong vụ án này, cả 58 người và cả bốn nghi can nữa chưa hề xuất cảnh ra nước ngoài. Họ vẫn ở trên đất Việt Nam, thậm chí chưa ra khỏi tỉnh quê hương của họ. Vì vậy, không thể nói họ đã xuất cảnh trái phép ra nước ngoài. Với logic ấy, các nghi can cũng không phạm tội tổ chức trốn đi nước ngoài. Các nghi can này chỉ phạm tội nếu đoàn 58 người này đến biên giới và vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới với mục tiêu xuất cảnh trái phép mới có thể bị truy tố về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Mặt khác, nếu chính họ cũng đi trên xe với mục đích cùng xuất cảnh trái phép thì cũng chỉ có thể bị truy tố theo tội danh xuất nhập cảnh trái phép theo điều 274 BLHS với mức hình phạt thấp hơn nhiều theo Hướng dẫn của TANDTC năm 1989 về hành vi này.

Trần Ngọc Tân (Thanh Trì, Hà Nội)

Hậu quả chưa xảy ra là do có sự ngăn chặn của công an

Theo đúng nội dung vụ án, các nghi can đã có dấu hiệu phạm tội. Các nghi can thuyết phục, tuyển người và thu tiền lộ phí với mục đích cụ thể đưa 58 người này ra nước ngoài lao động trái phép. Các hành vi này có dấu hiệu vi phạm điều 275 BLHS. Tuy nhiên cần xem xét, vụ án chưa xảy ra do sự có mặt ngăn chặn kịp thời của cơ quan chức năng. Các nghi can có thể nói đang ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, hành vi của các nghi can chưa gây hậu quả vật chất. Theo BLHS,  người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện, tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù. Trong vụ án này, khung hình phạt cao nhất đối với tội danh theo điều 275 BLHS lên đến 20 năm. Như vậy các nghi can vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện hành vi phạm tội. 

Cao Thùy Chi (Thanh Ba, Phú Thọ)

Cả 58 người cùng đi trên xe cũng có dấu hiệu phạm tội xuất cảnh trái phép

Tất cả 58 người đã đóng tiền, đã lên xe thực hiện việc xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động bất hợp pháp. Hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật. Số người có ý định xuất cảnh trái phép này biết rõ việc xuất cảnh này trái pháp luật vì vậy mới đóng nhiều tiền cho người tổ chức và lén lút ra đi. Chứng tỏ họ có ý thức, có động cơ phạm tội, không phải do không hiểu biết pháp luật, vô tình phạm tội. Tất cả 58 người này có dấu hiệu vi phạm điều 274 BLHS với tội danh: Tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tội ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Đối với tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, nhà làm luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội và đó cũng là cấu thành cơ bản của tội phạm. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền ở mức thấp; nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt tiền ở mức cao hoặc bị phạt tù đến hai năm. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo.

Nguyễn Mai Thạnh (Thành phố Tuy Hòa, Phú Yên)

Bình luận của luật sư 

Đây là một vụ án đưa người ra nước ngoài trái phép với số lượng người rất đông, lên đến 58 người. Có hai loại đối tượng có thể đã phạm tội, gồm 4 nghi can đóng vai trò thuyết phục, tuyển người và nhận tiền để tổ chức cho tất cả xuất cảnh sang Trung Quốc, số còn lại có hành vi đóng tiền và lên đường xuất cảnh. Chuyến đi không thành vì có sự ngăn chặn của cơ quan chức năng. Hậu quả vật chất chưa xảy ra. Để làm rõ tội danh của từng nhóm đối tượng, chúng ta cần phân tích hành vi, đối chiếu với các quy định pháp luật của Bộ luật Hình sự, các hướng dẫn của Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện xét xử các vụ án hình sự.

Với nhóm 4 nghi can có hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, các nghi can này do đã từng xuất cảnh trái phép, lao động trái phép sang Trung Quốc và có các hành vi: Chủ trương, vạch kế hoạch, đường lối đi, thu tiền lộ phí của từng người với mức cao hơn chi phí thật (từ 6 đến 8 triệu đồng/người), thuê xe, đón người đi... Tất cả các hành vi này đều có mục đích là đưa 58 người ra nước ngoài và lao động ở nước ngoài. Tất cả những người nhóm này đưa đi không ai có hộ chiếu và các điều kiện để nhập cảnh có thời hạn ở Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc cũng chưa có các thỏa thuận về lao động với Việt Nam và không chấp nhận lao động Việt Nam làm việc tại Trung Quốc. Như vậy, hành vi đưa người sang Trung Quốc không đúng các quy định của Nhà nước là hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép có dấu hiệu vi phạm điều 275 Bộ luật Hình sự: Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Với những tình tiết tăng nặng như phạm tội nhiều lần (với nhiều người), thu lợi bất chính... các nghi can có thể bị truy tố theo khoản 2 điều 275 BLHS với mức phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. 

Lưu ý, mặc dù 4 nghi can này cùng đi trên xe và có ý định cùng xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không thể áp dụng hướng dẫn của TANDTC trong Tổng kết 1989 để truy tố theo tội danh Xuất nhập cảnh trái phép theo điều 274 BLHS vì nội dung hướng dẫn là: kẻ tổ chức cho người trong gia đình mình như cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột trốn đi nước ngoài không cho người ngoài gia đình mình cùng trốn đi thì chỉ bị kết án về tội xuất cảnh trái phép. Những người không cùng gia đình nhưng rủ nhau cùng trốn đi nước ngoài cũng chỉ bị kết án về tội xuất cảnh trái phép. Ở đây, những người cùng xuất cảnh không đáp ứng hướng dẫn của TANDTC, bốn nghi can vẫn có thể bị truy tố theo điều 275 BLHS: Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Với 4 nghi can có dấu hiệu tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, hành vi của họ bị ngăn chặn kịp thời. Số người định trốn đi nước ngoài đã bị bắt giữ khi mới khởi hành một đoạn đường. Hành vi phạm tội của họ chưa có hậu quả vật chất. Đúng nhất là mới chuẩn bị phạm tội. Hành vi phạm tội chỉ hoàn thành khi số người này đã xuất cảnh trái phép qua biên giới. Để xem xét một hành vi chuẩn bị phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự không, tôi đồng ý với một bạn đọc khi xác định: “Theo BLHS, người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện, tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù. Trong vụ án này, khung hình phạt cao nhất đối với tội danh theo điều 275 BLHS lên đến 20 năm. Như vậy các nghi can vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện hành vi phạm tội”. 

Đối với nhóm 58 người trên xe tham gia sang Trung Quốc, hành vi của họ cũng có dấu hiệu phạm tội. Họ đã nộp tiền, lên xe với mục đích trốn ra nước ngoài lao động bất hợp pháp. Hành vi tự ý vượt qua biên giới quốc gia trái pháp luật là có dấu hiệu cố ý phạm tội theo điều 274 BLHS với tội danh: Tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tội ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Tuy nhiên cũng cần xác định, những người này chưa vượt biên giới quốc gia. Họ mới chuẩn bị phạm tội. Điều 274 BLHS có mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng. Theo điều 17 BLHS, nhóm người này không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tội ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Họ sẽ bị phạt hành chính.

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)