5 đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng

ANTĐ - Lần đầu tiên Bộ GD-ĐT chính thức công bố lộ trình tuyển sinh ĐH từ nay đến năm 2020. Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết sẽ có nhiều đổi mới từ sau 2015.

Nhiều phụ huynh, thí sinh phụ thuộc vào tài liệu cầm tay hơn là thông tin trên mạng

- Xin ông cho biết lộ trình đổi mới tuyển sinh ĐH được dự kiến theo hướng nào?

- Lộ trình đổi mới tuyển sinh ĐH từ nay đến năm 2015 giữ ổn định theo giải pháp 3 chung. Tuy nhiên sẽ tiếp tục có điều chỉnh, bổ sung khối thi, tổ hợp khối xét tuyển... Từ 2016 trở đi sẽ không còn các khối nữa, thí sinh sẽ thi nhiều môn trong đó có 2 môn cơ bản là Toán và Văn còn lại là các môn tự chọn như Lý, Hóa, Sinh, Sử... để các trường tổ hợp lại. Đến năm 2020, sau khi Luật Giáo dục đại học đã đi vào cuộc sống, các trường ĐH hoạt động trên cơ sở phân tầng thì khi đó sẽ có các ĐH chuyên về nghiên cứu, ứng dụng hay nghề nghiệp. Việc thi tuyển sinh như hiện nay sẽ còn xảy ra với những trường ĐH tốp trên là những trường chuyên về nghiên cứu nhằm tuyển dụng được những tinh hoa để đào tạo còn lại các trường sẽ tuyển sinh đại trà dựa trên kết quả học tập phổ thông mà không phải thi cử. Khi đó việc tuyển sinh sẽ rất là nhẹ nhàng.

- Riêng với năm 2012, thí sinh cần lưu ý đến những điểm gì trong tuyển sinh ĐH, CĐ?

- Năm 2012 bắt đầu khôi phục lại việc tuyển thẳng học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Điều này đang nhận được sự ủng hộ của các trường chuyên và phụ huynh, học sinh. Đối với việc triển khai thêm khối A1 (Toán - Lý - Anh) thì Bộ cũng sẽ hướng dẫn các trường vẫn triển khai song song các khối thi truyền thống để không gây ảnh hưởng đến kết quả học tập của thí sinh trong 3 năm học phổ thông. Các cụm thi cũng được mở rộng với việc cho phép thí sinh dự thi tại cụm Vinh đăng ký học tại các trường ĐH đóng tại TP Hồ Chí Minh và bổ sung thêm cụm Hải Phòng. Thí sinh năm nay cũng sẽ không phải xét tuyển theo nhiều đợt vì Bộ đã giao tự chủ cho các trường căn cứ điểm sàn, chỉ tiêu để xét tuyển mà không phụ thuộc vào các đợt, số nguyện vọng, thời gian xét tuyển...

- Với chủ trương kéo dài thời gian xét tuyển, một số trường lo ngại lượng thí sinh ảo sẽ lớn?

- Lượng xét tuyển nguyện vọng so với các năm trước chỉ chiếm 30% chỉ tiêu mà chủ yếu với trường tốp dưới. Kéo dài thời gian xét tuyển tạo điều kiện cho các trường tốp dưới. Còn về thí sinh ảo thì không đáng lo vì không phải các trường chỉ tuyển một lần. Nếu tuyển không đủ họ lại tuyển tiếp vì những trường đào tạo tín chỉ có thể bắt đầu việc học bất cứ lúc nào.

- Tổng hợp sơ bộ cho thấy có tới gần 100 trường ĐH, CĐ năm nay đã đăng ký chỉ tiêu vượt khả năng, vậy Bộ làm thế nào để đảm bảo chất lượng?

- Năm 2012 Bộ đã ban hành quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở 2 tiêu chí là số lượng giảng viên cơ hữu và mặt bằng xây dựng của cơ sở đào tạo. Theo đúng thực tế của trường mình các cơ sở sẽ đề xuất chỉ tiêu với Bộ và sắp tới Bộ sẽ tiến hành kiểm tra và phối hợp với địa phương theo phân cấp quản lý. Việc xử phạt với lỗi này sẽ rất nặng và không giới hạn về thời gian. Có nghĩa là nếu kiểm tra phát hiện từ một hay vài năm trước có sai phạm thì vẫn có thể xử phạt.

- Tình trạng đào tạo lại với con số 61% sinh viên tốt nghiệp của Hà Nội và 94% sinh viên thành phố Hồ Chí Minh có phải xuất phát từ chất lượng đào tạo ĐH?

- Nội dung đào tạo ĐH hiện nay là đào tạo ngành rộng chứ không phải nhắm vào một nghề nghiệp, vị trí nào cụ thể. Cách đào tạo này chỉ phù hợp với đào tạo công nhân hoặc kỹ thuật viên. Đào tạo ngành rộng để sinh viên sau khi ra trường có thể làm ở công ty này hoặc công ty khác và đáp ứng nhiều loại công việc khác nhau với lượng kiến thức rất rộng. Vấn đề ở đây là làm sao để cho sinh viên thích nghi nhanh chóng với môi trường việc làm. Ngoài ra để thời gian đào tạo lại rút ngắn đi thì các doanh nghiệp phải phối hợp với nhà trường trong việc đào tạo như phối hợp đưa chuyên gia giảng dạy công nghệ, kinh nghiệm thực tiễn để sinh viên có điều kiện tiếp xúc sớm thay vì để sau này mới được thực hành. Bên cạnh đó là tạo điều kiện cho sinh viên đến thực hành để nắm bắt công việc thực tế. Hiện nay mối quan hệ của nhà trường và doanh nghiệp còn hạn chế nên quá trình đào tạo lại còn kéo dài.

Bộ GD-ĐT sẽ không đứng tên tài liệu “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2012”

Trước nhiều ý kiến về việc cần thiết phải có cuốn tài liệu “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2012” để giúp thầy cô, phụ huynh, thí sinh tìm hiểu kỹ về thông tin các trường ĐH, CĐ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ sẽ làm việc với các nhà xuất bản cùng tham gia in cuốn tài liệu. Tuy nhiên, điểm khác mọi năm là trên cuốn tài liệu này sẽ không xuất hiện tên của Bộ GD-ĐT. Các trường sẽ có trách nhiệm tự cung cấp số liệu, thông tin tuyển sinh và đảm bảo tính chính xác mà trường mình đưa ra. Trong trường hợp thông tin sai, Bộ sẽ xử lý trách nhiệm của hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng tuyển sinh...