Do số lượng bị hại trong vụ án Lê Hòa Bình cùng đồng bọn phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” lên đến 463 người và hậu quả vụ án đặc biệt lớn nên TAND TP Hà Nội đã phải trưng dụng một hội trường lớn. Và chỉ riêng việc thẩm tra căn cước đối với những người tham gia phiên tòa cũng mất gần một buổi sáng. Theo kế hoạch, phiên tòa sẽ kéo dài đến 9-12. Tuy nhiên ngay ở phần thủ tục, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Năng Thành cho biết HĐXX có thể sẽ phải làm việc trong cả hai ngày nghỉ cuối tuần.
Bị đưa ra truy tố trước tòa cùng Lê Hòa Bình (SN 1954) – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1-5 (gọi tắt là Công ty 1-5) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” còn có Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1965) - cựu Phó tổng giám đốc, kiêm Kế toán trưởng và Nguyễn Mạnh Cường (SN 1972) - cựu Tổng giám đốc Công ty 1-5. Ngoài tội lừa đảo, Lê Hòa Bình còn bị cáo buộc thêm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” cùng với Đào Duy Phong (SN 1958) - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam và Nguyễn Quốc Duy (SN 1972), trú ở phường 10, quận 3, TP Hồ Chí Minh… Kể từ khi bị hủy liên kết đầu tư đến 12-4-2010, Bình và thuộc cấp đã ký tổng số 463 hợp đồng bán quyền sử dụng đất tại dự án Thanh Hà A với tổng diện tích hơn 80.000m2, tương ứng hơn 789 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này, Bình cùng đồng bọn chia nhau, trả nợ và “rót” vào 3 công ty “sân sau”.
Trong hành vi lừa đảo của bộ đôi Bình - Thoa, Nguyễn Mạnh Cường tuy không bàn bạc, song với cương vị Tổng giám đốc, ông ta biết rõ thủ đoạn gian dối nhưng vẫn ký nhận hơn 11 tỷ đồng của khách hàng. Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của Lê Hòa Bình được xác định như sau: Công ty CP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Công ty Thái Bình Dương) ra đời vào năm 2007, dựa trên 5 cổ đông sáng lập, trong đó Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (gọi tắt là PVP Land) sở hữu hơn 50% tổng số cổ phần. Năm 2009, Công ty Thái Bình Dương triển khai dự án Tổ hợp công trình Nam Đàn Plaza, tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm. Đến năm 2010, do gặp khó khăn nên PVP Land chủ trương thoái vốn tại doanh nghiệp liên kết. Dưới sự môi giới của Nguyễn Quốc Duy, Bình đã được PVP Land bán lại toàn bộ cổ phần tại Công ty Thái Bình Dương với giá rất “ưu ái”. Qua vụ “đi đêm” đó, Đào Duy Phong đã “đút túi” 10 tỷ đồng.