30 học sinh bị lừa đem vàng giả cầm cố ngân hàng sẽ bị xử lý như thế nào?

ANTĐ - Trên Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần số 458 ra ngày 29-12-2013 đã tranh luận vụ án Dương Thanh Tuấn (38 tuổi, cán bộ thẩm định vàng Phòng Giao dịch Đầm Cùng thuộc chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT - Agribank huyện Cái Nước, Cà Mau), Dương Minh Giỏi (31 tuổi) và Phan Văn Hải (35 tuổi) cùng ở thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Những bị can này đã thực hiện 66 lần cầm 700 lượng vàng giả để rút 19 tỷ đồng tại Phòng Giao dịch Agribank Đầm Cùng.

Chiều 4-1, Công an tỉnh Cà Mau xác định, có đến hơn 70 người liên quan đến vụ án dùng vàng giả cầm cố ngân hàng để rút tiền tỷ xảy ra tại Phòng giao dịch Đầm Cùng thuộc Chi nhánh Ngân hàng Agribank huyện Cái Nước. Trong đó, có trên 30 học sinh trường THPT Cái Nước và THPT Nguyễn Mai. Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau, Tuấn nhờ một số học sinh đem vàng giả đến Phòng giao dịch Agribank Đầm Cùng để Tuấn làm thủ tục cầm cố vay tiền ngân hàng. Sau đó Tuấn cho các em một ít tiền uống cà phê.

Em Trần Duy T (17 tuổi, học sinh lớp 12C6, trường THPT Nguyễn Mai) cho biết: “Hơn 1 năm trước, anh Giỏi mời em đi uống cà phê rồi chở xuống Phòng Giao dịch Đầm Cùng nhờ em vào cầm vàng giùm. Khi đó, anh Giỏi đưa cho em một bọc nilon đen bên trong chứa vàng và dặn vào gặp người tên Tuấn đưa bọc vàng nói “cho em cầm sát giá”. Sau đó em ngồi chờ làm thủ tục rồi ký nhận tiền đưa cho anh Giỏi, anh Giỏi có cho em 100.000 đồng, nhưng em không lấy. Sau này em mới biết số tiền em ký nhận lần đó là 300 triệu đồng”.

Em Bao Hoàng H (19 tuổi, học sinh lớp 12C1 trường THPT Cái Nước) cho biết: “Khoảng 2 tháng trước, bạn học cùng lớp là Hồ Chí Hải hỏi mượn giấy CMND đi phục hồi sim điện thoại. Hôm sau em được bạn Hải trả lại giấy CMND. Gần đây khi công an mời bố em đến làm việc thì em mới biết giấy CMND của mình có vay 320 triệu đồng”.

Hoang mang, lo lắng… là tâm trạng chung của các em bởi vì theo hợp đồng cầm cố, các em bây giờ là con nợ của ngân hàng. 

Vấn đề cần trao đổi là các em có vi phạm pháp luật không và xử lý các trường hợp này như thế nào?

Ý kiến bạn đọc 

Các em đã ký hợp đồng vay tiền đều là con nợ của ngân hàng

Trong mọi trường hợp, các em trên 16 tuổi, đã ký hợp đồng vay tiền ngân hàng đều phải chịu trách nhiệm về hợp đồng này. Các em có thể không biết vàng các em đưa đến cầm cho ngân hàng là vàng giả, nên không bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng về mặt pháp lý, các em đã ký hợp đồng vay tiền, ký nhận tiền thì đều phải chịu trách nhiệm trả tiền theo đúng quy định của Luật Dân sự. Còn việc các em không cầm tiền mà các đối tượng Tuấn, Giỏi, Hải… nhận tiền thì theo đúng quy định pháp luật các em có quyền kiện Tuấn, Giỏi, Hải… ra tòa án để đòi lại tiền đem trả ngân hàng. Nếu Tuấn, Giỏi, Hải… không có tiền trả các em, các em vẫn phải trả tiền ngân hàng. Đây là bài học cho các em trước ngưỡng cửa cuộc đời. 

Bà Phạm Thị Huyền, Phường 9, Q3, TP Hồ Chí Minh

Phải xem xét việc các em là nạn nhân của một vụ lừa đảo

Theo đúng các chi tiết như đã phản ảnh, tất cả các em đều không biết đó là vàng giả, thậm chí còn không biết việc cầm cố thế chấp để vay tiền ngân hàng. Nhiều em còn ký mà không cầm tiền. Như vậy đây là một vụ lừa đảo các em học sinh, lợi dụng các em còn nhỏ tuổi, chưa hiểu biết về pháp luật, đẩy các em phải chịu trách nhiệm trả tiền ngân hàng. Với các chứng cứ rõ ràng, thủ phạm cũng đã nhận tội, xác định các em có ký, nhưng không nhận tiền, có thể xác định các em không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cũng không phải chịu trách nhiệm trả tiền ngân hàng. Trong trường hợp các em bị mượn chứng minh thư sau đó Tuấn, Giỏi, Hải làm hợp đồng cầm cố, giả chữ ký thì các em không phạm tội hình sự và không có trách nhiệm dân sự với ngân hàng. Trong trường hợp này, các em chỉ là nhân chứng của vụ án.

Ông Lư Nhất Tiến, Phường 5, TP Cà Mau

Những em nào biết vàng giả mà vẫn đi cầm 
Ở đây có hai trường hợp, những em nào không biết vàng các em đem đi cầm là vàng giả hoặc không biết nội dùng cầm cố vàng để vay tiền thì không phạm tội, nhưng nếu các em biết đó là vàng giả và hành vi mình mang đi cầm cố để vay tiền hộ, lấy tiền công thì bị truy cứu như đồng phạm trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn lại, các em đã ký hợp đồng vay tiền đều phải chịu trách nhiệm dân sự, trả tiền cho ngân hàng. Trong trường hợp cụ thể này, các em hoặc những người giám hộ của các em phải có sự thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn và phương thức trả nợ ngân hàng.
Ông Trần Văn Đăng, Phường 6, TP Vĩnh Long
Ngân hàng phải chịu trách nhiệm vì đã làm sai quy trình Đối chiếu với quy trình cầm cố vàng tại Ngân hàng Agribank phải qua ít nhất từ 5- 6 khâu mới có thể rút tiền. Tuy nhiên, tại Phòng Giao dịch Đầm Cùng thì quy trình này được rút ngắn chỉ trong chớp mắt. Cụ thể, nhân viên kiểm định của Phòng Giao dịch này có thể làm luôn cả hợp đồng cho vay và chỉ trình lãnh đạo ký là có thể rút tiền. Với sai phạm này, hợp đồng cầm cố vay tiền của các em có thể coi như vô hiệu, các em không phải chịu trách nhiệm dân sự trả tiền ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phường 4, TP Cà Mau
Khi biết được thông tin học sinh của trường có liên quan đến vụ án, lãnh đạo nhà trường đã giao cho giáo viên chủ nhiệm, Đoàn trường trực tiếp động viên các em đến cơ quan công an khai báo thành khẩn. Hiện tại tâm lý các em vô cùng lo sợ, trong số những học sinh của trường bị lôi kéo tham gia thế chấp vàng giả có 5 em là học sinh lớp 12. Nếu vì chuyện này mà các em bị cấm thi thì quả là một chuyện đáng tiếc. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi chưa xử lý đối với học sinh của mình vì còn phải đợi kết quả điều tra của bên công an. Ban giám hiệu đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, Đoàn trường đặc biệt chú ý đến diễn biến tâm lý, ổn định học tập và thường xuyên liên lạc với gia đình cùng hỗ trợ các em tiếp tục học tập.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Mai
Bình luận của luật sư
Theo đúng nội dung vụ việc, ở đây có 2 câu hỏi: Các em có là đồng phạm của các nghi phạm Tuấn, Giỏi, Hải về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS không? Và các em có phải chịu trách nhiệm dân sự trả tiền cho ngân hàng không? Về câu hỏi thứ nhất, qua các tình tiết được phản ảnh, các em hoàn toàn không biết vàng mình mang đi giao là vàng giả, nhiều em còn không biết cả nội dung của việc cầm cố vay tiền, có em còn bị lừa mượn chứng minh thư để vay tiền. Thêm nữa các em đều không cầm và sử dụng tiền vay. Về mặt khách thể, các em không chiếm đoạt tiền của ngân hàng, về mặt chủ quan, không có động cơ lừa đảo lấy tiền của ngân hàng, không thấy hậu quả và không mong muốn hậu quả đó xảy ra. Với tất cả những tình tiết ấy, có thể khẳng định các em không là đồng phạm trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về trách nhiệm dân sự với các hợp đồng cầm cố vay tiền ngân hàng thì khá phức tạp. Bản chất của các hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (Điều 471 Bộ luật Dân sự). Khi ký hợp đồng vay tiền với ngân hàng, các em đã có các quyền và nghĩa vụ theo các điều khoản trong hợp đồng; và các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, nghĩa là các em đã ký nhận tiền, còn các em không cầm tiền là do quyền định đoạt của các em, các em để cho Tuấn, Giỏi, Hải nhận tiền và sử dụng. Vì vậy các em phải có nghĩa vụ trả nợ của bên vay theo Điều 474 Bộ luật Dân sự. Để đòi nợ ngân hàng phải kiện các em ra tòa án, nếu các em, gia đình các em và ngân hàng tự hòa giải và tự giải quyết được tranh chấp thì tòa án ra Quyết định công nhận sự tự thỏa thuận của các đương sự. Trường hợp, hai bên không tự hòa giải được thì tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Và đương nhiên, cho dù tự hòa giải hay tòa án giải quyết thì các em vẫn luôn luôn phải thực hiện nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng theo hợp đồng đã giao kết và theo quy định của pháp luật vì đây là trách nhiệm dân sự mà các em phải gánh chịu do vi phạm nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, Điều 302 Bộ luật Dân sự có quy định về việc không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự như sau: Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự hoặc chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền ví dụ trong trường hợp này ngân hàng đã làm sai quy trình cho vay cầm cố bằng vàng chẳng hạn. Như vậy, dù sao, các em và gia đình cũng vẫn phải thương thảo với ngân hàng về cách thức giải quyết vụ việc này. Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)