3 rau gia vị bà bầu không nên ăn nhiều

ANTĐ - Một chút húng quế, rau răm hay ngải cứu làm cho món ăn thêm ngon miệng nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu các bà bầu ăn nó quá nhiều.

1. Rau răm


Rau răm (hay còn gọi là thủy liễu) có vị cay, tính ấm, không có độc, có tác dụng chữa đau bụng lạnh, các vết thương do rắn cắn, chữa tràng ghẻ, cước khí (sưng chân – mùa đông chân tay hay bị cước), hắc lào, trĩ. Người Campuchia còn dùng nó để chữa thông tiểu, chống nôn và sốt.

Vì có vị cay, tính ấm, tính thơm hành khí mạnh (khí hành dẫn đến huyết hành) kích thích tử cung có thể làm ra thai nên rau răm kỵ dùng với người có thai.

Bà bầu ăn ít (chỉ một vài ngọn) với các thức đi kèm như trứng vịt lộn… sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, nhưng nếu ăn nhiều, dùng rau răm giã uống hay sắc làm thuốc uống thì rất nguy hiểm.

2. Húng quế

Húng quế (húng giổi, rau é, é tía, é quế…) thường được ăn kèm với các món nướng, chiên, xào, hay với phở. Toàn cây có chứa tinh dầu (0,02–0,08%), hàm lượng cao nhất lúc cây đã ra hoa. Tinh dầu húng quế mang mùi thơm của sả và chanh. Trong tinh dầu có linalol (60%), cineol, estragol melyl - chavicol (25-60-70%) và nhiều chất khác.

Húng quế có vị cay, tính ấm, mùi thơm dịu, tác dụng vào kinh đại tràng, kinh vị, kinh phế dùng để giải cảm, cho ra mồ hôi, trị đau dạ dày, ăn không tiêu, thông tiểu tiện, nấu nước làm nước súc miệng chữa đau răng, chống viêm.

Ngoài ra, húng quế còn giúp trị rắn cắn và sâu bọ đốt, eczema, viêm da. Quả của nó dùng để trị đau mắt, mờ đục giác mạc. Hoa dùng tốt cho những người bị bệnh thần kinh, trẻ em ít ngủ, người lớn bị đau đầu, chóng mặt, đau bụng, viêm họng và ho, trẻ em ho gà. Giúp kích thích sự tiết sữa ở các bà mẹ mới đẻ thiếu sữa.

Húng quế thuộc nhóm thuốc hành khí, hoạt huyết nên không dùng với phụ nữ có thai vì có thể gây động thai.

3. Ngải cứu

Từ lâu trong dân gian và Đông y đã sử dụng ngải cứu như một vị thuốc quý. Nó là thảo dược có tính ôn, ấm, vị cay dùng làm ấm khí huyết, trừ hàn thấp, chữa rong kinh, băng huyết, bế kinh, chữa đau bụng do lạnh, đau bụng động thai, đau đầu.

Tuy tốt cho sức khỏe nhưng trường hợp dùng ngải cứu quá nhiều có thể gây ra ngộ độc. Nó khiến thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức, co giật chân tay hoặc toàn thân, thậm chí gây tê liệt. Với người bình thường, không có bệnh thì không nên dùng ngải cứu thường xuyên, không dùng làm nước uống thay trà.

Khi có thai, nếu chị em ăn ngải cứu với tần suất 1-2 lần/tuần (chẳng hạn ăn món “trứng gà ngải cứu” để an thai, tẩm bổ thì chỉ nên lấy 3-5 ngọn ngải cứu nhỏ) thì không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bản thân và thai nhi, vì ngải cứu không gây kích thích tử cung. Dù không kích thích gây sảy thai nhưng vì nó có tính cay, nóng nên nếu bà bầu ăn nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thai nhi bị nhiệt, có thể dẫn đến hiện tượng thai chết lưu…

Hầu hết các rau gia vị đều có tính thơm, vị cay, tính nóng, ấm (trừ một số loại như rau ngổ, rau má, rau diếp, rau sam… có tính lạnh). Chúng giúp hành khí, hoạt huyết nên những người có thai không nên dùng nhiều. Nếu dùng thì mỗi lần chỉ nên lấy vài ngọn và không dùng thường xuyên.

Trong dân gian đã từng dùng rau răm để gây sẩy thai khi chậm kinh trên dưới 1 tuần (khoảng 5–9 ngày). Dùng rau răm tươi (loại thân đỏ hơi ngả sang màu tím) 500g. Lấy thân và lá non, bỏ rễ, lá già, sau đó đem rửa sạch, để ráo nước, giã nát, vắt lấy nước cốt (khoảng 250ml). Uống một lần duy nhất vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nếu có kết quả thì đêm đó hoặc sáng hôm sau, phôi thai tự trục ra ngoài.