- Đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa hỏa hoạn tại làng nghề, cụm công nghiệp Hoài Đức
- Kết nối tiêu thụ sản phẩm, phát triển làng nghề, vùng nguyên liệu Hà Nội - Viêng Chăn
|
Hà Nội đặt ra loạt giải pháp xử lý dứt điểm ô nhiễm làng nghề từ nay đến 2030 |
Hà Nội vừa ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chỉ tiêu được đặt ra cụ thể là đến hết năm 2025, 100% các làng nghề đã được công nhận trên địa bàn thành phố Hà Nội được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành;
Phấn đấu 100% các làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Định hướng đến năm 2030, đảm bảo 100% các làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đối với các 48 làng nghề ô nhiễm cần xử lý nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển, UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã bố trí quỹ đất để hình thành các khu vực sản xuất tập trung của làng nghề nhằm phục vụ di dời các cơ sở sản xuất đối với các làng nghề thực hiện theo phương án di dời cơ sở hoặc công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực làng nghề.
Sở Xây dựng thực hiện nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung theo Quy hoạch được duyệt theo phân cấp quản lý.
Sở Công Thương đẩy nhanh triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề theo Quy hoạch được duyệt; đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành; nhằm tạo quỹ đất cho phát triển sản xuất và phục vụ cho công tác di dời các cơ sở; hộ sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu vực làng nghề ra khỏi làng nghề.
Tham mưu cho UBND TP xem xét, phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi ngành nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở; hộ gia đình sản xuất ra khỏi khu vực làng nghề theo đề nghị của UBND các quận, huyện, thị xã.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng, trình UBND TP ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các cơ sở sản xuất trong làng nghề di dời vào các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong công tác xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường làng nghề phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
UBND các quận, huyện thị xã có làng nghề chủ động nghiên cứu, lập, đề xuất các dự án xử lý nước thải cục bộ đối với các làng nghề và hoặc khu có làng nghề thực hiện theo phương án thu gom, xử lý nước thải cho làng nghề hoặc cụm dân cư; làng nghề trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định phân cấp hiện hành.
Đối với 23 làng nghề ô nhiễm có dấu hiệu mai một phải xử lý ô nhiễm môi trường và phục hồi sản xuất, lộ trình thực hiện đến năm 2025... UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức đánh giá việc đáp ứng các tiêu chí về môi trường đối với các làng nghề theo quy định; tổng hợp kết quả đánh giá và đề xuất các làng nghề không đáp ứng được tiêu chí về môi trường gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo, kiến nghị UBND TP thu hồi Bằng công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp danh sách và kiến nghị UBND TP thu hồi Bằng công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống đối với làng nghề được đánh giá không đáp ứng được các tiêu chí công nhận làng nghề theo quy định của pháp luật đến hết năm 2025...
Trong đó, đáng chú ý có 19 làng nghề phải di dời cơ sở sản xuất hoặc công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực làng nghề như: Làng nghề đồ mộc Hữu Bằng (Thạch Thất); Làng nghề nón lá thôn Động Giã (Thanh Oai); Làng nghề mây tre đan, mộc ở thôn Phù Yên (Chương Mỹ); Làng nghề chế biến lâm sản thôn Hạ (Liên Trung, Đan Phượng); Làng nghề thuốc Nam, thuốc Bắc Ninh Giang (Ninh Hiệp, Gia Lâm); Làng nghề dệt Phùng Xá (Mỹ Đức)…
Hà Nội hiện còn 806 làng nghề, trong đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống, 493 làng có nghề và phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã. Có 6 nhóm nghề đang hoạt động là: Chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến, nguyên vật liệu; các dịch vụ phục vụ sản xuất nông thôn.
Các làng nghề đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập ổn định. Tổng doanh thu của các làng nghề khoảng 22-25 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó nhiều làng nghề đạt cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức); làng nghề cơ khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất)...