17 năm để xóa độc quyền ngành điện: Quá lâu!

ANTĐ - Sáng nay, 14-6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Những vấn đề chính được các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi: cơ chế mua điện của các nhà đầu tư, cơ chế điều hành giá xăng dầu, việc thu mua chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm giảm mạnh...
Khó xóa độc quyền?
Tình trạng độc quyền ngành điện, xăng dầu được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt câu hỏi. ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đặt câu hỏi về các giải pháp tích cực để giải quyết tình trạng độc quyền của ngành điện, xăng, dầu đã gây nhiều hệ lụy trong thời gian vừa qua. Trách nhiệm của Bộ trưởng trước Đảng, nhân dân khi để tình trạng độc quyền này tồn tại quá lâu. Bên cạnh đó, lộ trình để xóa độc quyền trong ngành điện phải đến năm 2022 (17 năm từ 2004-2022) mới hoàn tất là quá lâu?!

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, ngành điện và xăng dầu là ngành quan trọng có liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia. Nếu kéo dài tình trạng độc quyền thì thị trường thiếu sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng độc quyền kéo dài là do thị trường điện hết sức mới mẻ nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm, liên quan đến toàn xã hội nên phải thận trọng, đối với xăng dầu cũng vậy. 
Để tình trạng độc quyền kéo dài, ảnh hưởng đến người dân, Bộ trưởng cũng nhận một phần trách nhiệm và thừa nhận Bộ chưa làm hết trách nhiệm. Tuy nhiên trong thời gian tới, Bộ trưởng Hoàng khẳng định, sẽ xóa bỏ độc quyền nhưng là độc quyền doanh nghiệp. Trong năm nay sẽ áp dụng thị trường phát điện cạnh tranh, và tới năm 2022 sẽ hình thành thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Về ý kiến cho rằng "lộ trình xóa độc quyền kéo tới năm 2022 là quá dài", Bộ trưởng cũng cho biết, điện là mặt hàng phức tạp, nhạy cảm nên cần bước đi thận trọng, tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, rà soát lại, xem có thể rút ngắn ở những khâu nào, nếu có thể sẽ hoàn thành trước thời điểm nêu trên. 
Cùng mối quan tâm với ĐB Bùi Mạnh Hùng, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) vẫn băn khoăn chất vấn "liệu việc điều hành giá xăng dầu có tác động của lợi ích nhóm hay độc quyền của doanh nghiệp xăng dầu hay không?". Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, việc điều hành giá xăng dầu là phối hợp liên bộ Công thương - Tài chính. Hiện có 12 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, không thuộc một bộ nào quản lý, như vậy là xã hội chứ không phải của bộ, ngành nào. Như vậy là không phải lợi ích nhóm.
Liên quan tới vấn đề độc quyền ngành điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng "hỗ trợ" cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trả lời đại biểu Quốc hội. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, các bộ ngành liên quan tham gia hết sức tích cực, đồng thời, Chính phủ sẽ phê duyệt lộ trình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2022. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ cũng tính tới sự phức tạp trong hình thành thị trường điện cạnh tranh, nên đã yêu cầu thực hiện các bước hết sức thận trọng.
Theo Phó Thủ tướng, khi anh xóa bỏ độc quyền thì phải đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, phải có cạnh tranh lành mạnh trong thị trường điện. Đều phải thực hiện các bước thử nghiệm, sau đó có đánh giá để khắc phục mới làm tiếp. 
17 năm để xóa độc quyền ngành điện: Quá lâu! ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Hàng giả, hàng nhái lộng hành

Trước câu hỏi của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về các giải pháp ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế lộng hành, Bộ trưởng Hoàng khẳng định đây là tình trạng rất cấp thiết, ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng đến doanh nghiệp và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên theo Bộ trưởng, tình trạng "thẩm lậu" còn khó khăn, công tác kiểm tra, xử phạt còn nhiều bất cập.  Bộ trưởng cũng khẳng định, trong thời gian tới sẽ có biện pháp chấn chỉnh để giải quyết, giảm dần ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và uy tín hàng hóa Việt Nam.
Ngoài vấn đề hàng giả, hàng nhái, vấn đề được một số đại biểu đề cập tới là tình trạng doanh nghiệp Trung quốc thu mua nông sản của Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Quang Cường (Hải Phòng) đặt câu hỏi, "trong khi doanh nghiệp trong nước thờ ơ với nông sản thực phẩm thì người Trung Quốc lại mua vào. Nguyên nhân vì sao có tình trạng trên, giải pháp của Bộ để người dân yên tâm?". 
Bộ trưởng Hoàng cho biết, thương nhân Trung Quốc hay nước ngoài nói chung có luật Thương mại điều chỉnh, và từ năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO thì có quy định điều chỉnh. Đối với thương nhân nước ngoài không có hiện diện thương mại thì không được phép thu mua mà phải thông qua thương nhân Việt Nam. Còn các thương nhân có hiện diện thương mại thì được phép thu mua, xuất khẩu sản phẩm nhưng không được thành lập hệ thống thu mua.

Cũng theo Bộ trưởng, vừa qua Bộ cũng đã kiểm tra và xác nhận thương nhân Trung Quốc có ký hợp đồng với các doanh nghiệp Việt Nam chỉ là để kiểm tra chất lượng (ví dụ với vải thiều). Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp tham gia trực tiếp vào quá trình này và báo chí đã có phản ánh. Bộ đã kiểm tra và yêu cầu Sở Công Thương một số tỉnh đã kiểm tra và xử lý theo từng cấp độ quy định. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát các quy định, sửa đổi những kẽ hở mà doanh nhân nước ngoài có thể lợi dụng để thực hiện hành vi sai trái.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tổng kết, phiên chất vấn kết thúc với phần trả lời rõ ràng, mạch lạc, có trách nhiệm. Các Bộ trưởng phải cam kết các vấn đề như thúc đẩy sản xuất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải phóng hàng tồn kho, tiêu thụ sản phẩm, phục hồi sức tiêu thụ sản xuất, thanh toán nợ nần, tránh gây biến động lây sang các ngân hàng thương mại, cùng các ngân hàng tái cơ cấu nợ.

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đăng đàn. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quang trả lời chất vấn của Quốc hội.