100 chân dung nghệ sỹ bằng tượng sáp

ANTĐ - 100 nghệ sỹ có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà sẽ được dựng tượng sáp. Đây là dự án dài hơi của hai nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông và Thái Ngọc Bình nhằm tri ân các nghệ sỹ tiền bối của đất nước.

100 chân dung nghệ sỹ bằng tượng sáp ảnh 1

NSND Bạch Tuyết bên tượng sáp của NSƯT Thành Lộc

Người đầu tiên đưa tượng sáp về Việt Nam

Tượng sáp còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Mỗi quốc gia trên thế giới đều có bí quyết riêng trong quá trình sản xuất và bảo quản tượng sáp. Vì thế, trước khi bắt tay vào sáng tác, hai nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông và Thái Ngọc Bình đã đi đến nhiều nước để học hỏi và tự mày mò tìm ra cách chế tác vật liệu cũng như tạo hình nhân vật.

Qua 13 năm nghiên cứu, cuối cùng, hai anh đã thành công trong điêu khắc tượng sáp và trở thành những người đầu tiên đưa loại hình mỹ thuật này về Việt Nam với việc thành lập Công ty tượng sáp Việt, đồng thời triển khai dự án thực hiện hơn 100 bức tượng nghệ sỹ. Mỗi bức tượng hoàn thành sẽ có giá từ 200 đến 300 triệu đồng và nguồn kinh phí thực hiện đều do các thành viên trong Công ty tượng sáp Việt bỏ ra. 

Ban đầu, dự án gặp nhiều khó khăn bởi các nghệ sỹ tỏ ra e dè với lời đề nghị dựng tượng sáp. Lý do là, từ trước tới giờ, tượng sáp không có ở Việt Nam nên người nổi tiếng không thể hình dung chân dung của họ sẽ như thế nào với chất liệu này. Sau khi 5 bức tượng đầu tiên được hoàn thành, tượng có thần thái giống như người thật đã thuyết phục hoàn toàn các nghệ sỹ sau này khi nhận được lời mời dựng tượng sáp.

Trong quá trình làm tượng, cũng có nhiều chuyện vui. Một lần, NSƯT Thành Lộc đến công ty để lấy số đo. Khi mới đặt chân đến cửa, anh thấy một người phụ nữ đang ngồi làm việc phía trong nhà (bức tượng sáp của Giám đốc Công ty, bà Nguyễn Thị Diện), NSƯT Thành Lộc không biết, cứ tưởng đó là người thật nên hỏi to: “Chị ơi, đo cái này ra sao, có mất nhiều thời gian không?”. Đúng lúc đó, Giám đốc Nguyễn Thị Diện từ trên tầng đi xuống, Thành Lộc phì cười, vì hóa ra anh nói chuyện với tượng mà không biết. 

100 chân dung nghệ sỹ bằng tượng sáp ảnh 2

Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Diện đo gương mặt NSND Đinh Bằng Phi

Cần 500 số đo cho một bức tượng 

Để tạo hình một bức tượng sáp, người tạo tác cần hơn 500 số đo từ người thật. Còn với các nghệ sỹ đã khuất, người tạo tác cần rất nhiều ảnh để có thể đo đạc tạo hình mẫu. Thế nhưng, ngay cả với các nghệ sỹ còn đang hoạt động nghệ thuật thì việc tạc tượng sáp cũng gặp nhiều khó khăn. Do người nổi tiếng quá bận nên bộ phận chế tác phải đem đồ nghề đến nơi diễn viên đang quay phim và chờ lúc họ nghỉ để tranh thủ lấy số đo.

Tượng sáp được thực hiện tỉ mỉ và có độ chính xác cao, từng cọng chân mày phải cấy cho đúng với nhân vật. Cũng có khi cấy tóc, chân mày xong nhưng tượng chưa giống lại phải làm lại từ đầu. Vì thế, một bức tượng sáp làm đi làm lại đến lần thứ 10 mới đạt cũng không hiếm. Thậm chí, để đảm bảo độ chính xác, Công ty tượng sáp Việt còn mời các chuyên gia về tóc tới làm tóc cho tượng. 

So với tượng sáp thế giới, tượng sáp do hai nhà điêu khắc Thái Ngọc Bình và Nguyễn Văn Đông thực hiện có điểm khác biệt là các bộ phận như tóc, mắt, răng, bàn tay và bàn chân đều được làm mềm để mọi người chạm tay vào có thể cảm nhận như thật.

Các bức tượng được tạc theo một vai diễn để đời của nhân vật trên sân khấu, như đạo diễn, NSƯT Anh Tú sẽ được dựng tượng sáp với vai Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên do NSND Phạm Thị Thành làm đạo diễn; diễn viên hài Hoài Linh với chiếc khăn rằn và bộ quần áo bà ba quen thuộc. Hiện, công ty đã đúc thành công tượng của nhạc sỹ Văn Cao, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, NSND Thanh Tòng, NSƯT Thanh Điền, NSƯT Thành Lộc…

Các nghệ sỹ tiền bối sẽ tiếp tục được hai nhà điêu khắc tạc tượng như NSND Phùng Há, nghệ sỹ cải lương Thanh Nga… 100 bức tượng sáp sau khi hoàn thành dự kiến sẽ được trưng bày trong khuôn viên rộng 2.000 m2 tại TP.HCM. Công ty tượng sáp Việt đang ấp ủ sẽ thành lập “Bảo tàng tượng sáp Việt Nam” đầu tiên.