10 sự kiện của Quốc hội: Quyết định làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tái khởi động dự án điện hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam và tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; quyết định Luật Đất đai có hiệu lực sớm 5 tháng... là những sự kiện nổi bật của Quốc hội năm 2024.
Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XV

Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XV

Ngày 31-12, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã công bố 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2024. Cụ thể như sau:

1. Thông qua 31 luật, 42 nghị quyết, nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ

Năm 2024, công tác lập pháp đạt được kết quả rất quan trọng. Số lượng luật, nghị quyết được thông qua trong năm 2024 nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay với 31 luật, 42 nghị quyết, trong đó có 08 nghị quyết quy phạm pháp luật. Riêng Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua 18 luật, gần bằng 1/3 tổng số luật được thông qua từ đầu nhiệm kỳ.

2. Quốc hội thông qua Luật Đất đai năm 2024; quyết định Luật Đất đai cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm 5 tháng

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 - Quốc hội khóa XV, Quốc hội thông qua Luật Đất đai số 31/2024/QH15, hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Tuy nhiên, nhằm tháo gỡ vướng mắc, kịp thời đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và ý kiến đồng thuận cao của các địa phương, các cơ quan hữu quan, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật số 43/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.

Trong đó Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, sớm hơn 05 tháng.

3. Quyết định chủ trương đầu tư 02 dự án lớn là đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam và khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Thực hiện chủ trương của Đảng, căn cứ đề xuất của Chính phủ, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghiêm túc thảo luận, đi đến thống nhất cao để quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam và tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam

Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam

Đây là quyết định lịch sử. Việc Quốc hội đồng ý tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm dừng triển khai có ý nghĩa quan trọng và mang tính thời đại. Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam được triển khai theo hình thức đầu tư công, là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong tương lai.

4. Quốc hội thông qua 02 Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy và phát triển văn hóa

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phòng, chống ma túy (PCMT) đến năm 2030 và Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (tại Kỳ họp thứ 8) có ý nghĩa rất quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang báo cáo tại Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang báo cáo tại Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy

Theo đó, Chương trình MTQG về PCMT sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm giảm tác hại của ma túy trên 3 lĩnh vực cung, cầu và tác hại; Chương trình MTQG về phát triển văn hóa góp phần quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam, từng bước thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

5. Quyết định "thông cấp" khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế đối với bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần điều trị bằng kỹ thuật cao

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, góp phần bảo đảm tốt hơn nữa dịch vụ khám chữa bệnh BHYT cho nhân dân.

Theo đó, Luật đã quy định về việc cho phép người có Thẻ BHYT mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu (các bệnh viện lớn, đầu ngành) mà không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành; đồng thời vẫn được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng quy định mà không cần phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh.

6. Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo tiến độ

Sau 20 năm kể từ khi Quốc hội khóa XI (Kỳ họp thứ 4) thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương, ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội XV đã thông qua Nghị quyết số 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.

Đây là quyết định có ý nghĩa rất quan trọng, giúp thành phố Huế tạo sự chuyển dịch về không gian đô thị, không gian kinh tế, tạo động lực phát triển mới cho địa phương, trở thành trung tâm của vùng và cả nước.

Ngoài ra, trên cơ sở Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 51 tỉnh, thành phố có đơn vị thuộc diện phải sắp xếp (với 38 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.166 đơn vị hành chính cấp xã), năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã hoàn thành xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính của các địa phương này.

Qua sắp xếp, giúp giảm được 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 563 đơn vị hành chính cấp xã.

Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tại một phiên thảo luận hội trường, kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XV

Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tại một phiên thảo luận hội trường, kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XV

7. Thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia lần đầu tiên tại Việt Nam

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là Quy hoạch cấp quốc gia mang tính tổng hợp, đa ngành, chuyên môn cao và rất phức tạp, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam; là công cụ quan trọng để cụ thể hóa "Quy hoạch tổng thể quốc gia" và tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển hiệu quả; qua đó, góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Trong năm 2024, UBTVQH đã tổ chức thành công hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 để xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các cơ quan nhà nước, các Bộ, ngành đối với 06 nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 thuộc 09 lĩnh vực. Đây được coi là hoạt động "giám sát lại" đầu tiên của UBTVQH trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đã ghi dấu ấn quan trọng với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng

Công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng

9. Bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký Nghị quyết số 1297/NQ-UBTVQH15 ngày 18/11/2024 của UBTVQH thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Văn phòng Quốc hội; đồng thời, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng thành viên Ban Chỉ đạo; xây dựng và ban hành Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH.

Theo đó, sắp xếp, kiện toàn Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, Văn phòng Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ đã hoàn thành nghiên cứu, rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội nói riêng và hệ thống chính trị nói chung, chủ động đề xuất trình Quốc hội, UBTVQH hội sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất khi được Trung ương thống nhất thông qua.

10. Quốc hội Việt Nam tiếp tục thúc đẩy, tăng cường hợp tác Nghị viện trên bình diện song phương và đa phương, góp phần hiện thực hóa đường lối đối ngoại của Đảng

Năm 2024, Quốc hội đã đón tiếp 39 Đoàn Nghị viện các nước thăm Việt Nam, trong đó có 10 Đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 08 Đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội; tổ chức 45 Đoàn ra của lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, trong đó đáng chú ý là chuyến thăm cấp Nhà nước do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu tới Trung Quốc, Liên bang Nga, tham dự Đại hội đồng AIPA-45 và thăm chính thức Lào, thăm chính thức Campuchia, Singapore, Nhật Bản.

Các thỏa thuận hợp tác quốc tế được ký kết giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước đã góp phần thúc đẩy ngoại giao nghị viện và hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước.