10 quốc gia, vùng lãnh thổ có quy mô quân dự bị lớn nhất thế giới

ANTD.VN - Tờ Business Insider đưa ra bảng xếp hạng sức mạnh quân sự của 126 nước và vùng lãnh thổ dựa trên chỉ số Global Firepower Index, một trong những tiêu chí được xét đến là quân dự bị.

Theo số liệu của Global Firepower, Việt Nam hiện có tới 5.040.000 quân sự bị đứng đầu thế giới.

Với dân số trên 90 triệu người và mọi nam công dân đủ 18 tuổi đều phải đăng ký nghĩa vụ quân sự, do đó dễ hiểu vì sao số lượng quân dự bị động viên của Việt Nam lại cao nhất thế giới.

Triều Tiên là quốc gia được quân sự hóa với mức độ hàng đầu thế giới hiện nay, gần như toàn bộ thanh niên sẽ gia nhập quân đội khi đến tuổi trưởng thành với thời hạn 7 năm cho nữ và 11 năm cho nam.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, lực lượng này còn phải thường xuyên tham gia các đợt tập huấn tại địa phương vì vậy quân dự bị quy mô 4.500.000 người của Triều Tiên được đánh giá mạnh cả về chất lẫn lượng.

Đứng ngay sau Triều Tiên trong bảng xếp hạng trên chính là Hàn Quốc với 2.900.000 quân sự bị, quốc gia này cũng duy trì chính sách mọi nam công dân đến tuổi nhập ngũ đều phải lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Một đặc trưng của Quân đội Hàn Quốc là binh lính của họ có nhiều người với bề ngoài rất "trí thức", đây là các sinh viên đang thực hiện nghĩa vụ với thời hạn 2 năm trước khi quay lại trường đại học.

Đi nghĩa vụ quân sự ở Nga từng là động lực thúc đẩy sự nghiệp. Thời Liên Xô, quân đội có uy tín nhất định trong xã hội, quy mô quân dự bị của nước Nga ngày nay là 2.485.000 người, không thua kém nhiều lắm so với quá khứ.

Quân đội Nga đang từng bước trở thành một lực lượng chuyên nghiệp hóa với toàn bộ binh lính ký hợp đồng phục vụ tại ngũ. Do vậy trong tương lai rất có thể tổng số quân dự bị của Nga sẽ giảm đi nhưng chất lượng quân thường trực lại tăng cao đáng kể.

Về mặt lý thuyết thì tất cả công dân Trung Quốc đều có trách nhiệm phải đi nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên trong thực tế việc thi hành lại là tự nguyện, theo báo cáo Trung Quốc hiện chỉ có 2.300.000 quân dự bị, thấp đến mức không ngờ.

Tuy nhiên theo đánh giá, nếu duy trì chính sách quân dịch một cách nghiêm ngặt thì Trung Quốc mới là quốc gia có lực lượng quân dự bị động viên lớn nhất thế giới.

Bangladesh là một quốc gia nghèo thuộc khu vực Nam Á, đây cũng là nước đông dân hàng đầu thế giới với gần 170 triệu người. Quân đội Bangladesh không thực hiện chế độ cưỡng bức quân dịch, nhưng do dân số lớn nên lực lượng dự bị của họ rất dồi dào với quy mô 2.280.000 quân.

Tất cả quân nhân phục vụ trong Quân đội Ấn Độ đều là lính tình nguyện. Mặc dù chính phủ được quyền thực thi chế độ tòng quân bắt buộc khi thấy cần thiết nhưng điều này chưa bao giờ xảy ra, ngay cả trong các cuộc chiến tranh lớn trước đây, vì vậy họ chỉ có 2.143.000 quân dự bị.

Iran đang có 1.800.000 quân dự bị, họ quy định nam thanh niên bắt buộc phải phục vụ 18 tháng trong quân đội khi đủ 19 tuổi, những người tình nguyện có thể tham gia khi 18 tuổi. Lực lượng tình nguyện bán quân sự (còn gọi là Basij) tuyển thành viên từ 15 tuổi. 

Brazil có chế độ nghĩa vụ quân sự dành cho nam giới tuổi từ 21 - 45, kéo dài 9 - 12 tháng, còn tự nguyện thì tuổi từ 17 - 45. Tuy nhiên với một nước có dân số lớn như Brazil thì đa phần nam giới không phải nhập ngũ. Quốc gia Nam Mỹ này cũng có 1.800.000 quân dự bị.

Quân đội của vùng lãnh thổ Đài Loan duy trì chính sách quân dịch kéo dài 1 năm đối với nam công dân trong độ tuổi 19 - 40, chính sách này được thực thi rất nghiêm ngặt nhằm mục đích chính là đề phòng sự tấn công của Trung Quốc đại lục, họ đang có trong tay 1.675.000 quân dự bị.