Luận về “Thái Sơn thạch cảm đương”
(ANTĐ) - Ngày thường người tham quan đền Ngọc Sơn đã không ít vì đó là “hòn ngọc của hồ Gươm”, đến Tết người càng đông, vừa tham quan vừa đến lễ cầu may, nhất là những gia đình có con cháu sắp đi thi vì đền thờ ông thần về văn chương khoa cử. Rất nhiều người còn lễ từ ngoài cổng lễ vào. Vái cả tấm bia đá ở chân Tháp Bút. Lễ thì cứ lễ nhưng không mấy ai biết lịch sử tấm bia này.
Cách đây không lâu, nội thành Hà Nội chỉ ở đền Ngọc Sơn, trước chân Tháp Bút, là có một tấm bia trên có khắc 5 chữ: “Thái Sơn thạch cảm đương”, nay vẫn còn. Từ hơn chục năm nay, khi những ngôi nhà mới xây theo kiểu kiến trúc châu Âu mọc lên khắp nơi ta lại thấy ở trước cửa một vài ngôi cũng có dựng bia Thái Sơn thạch cảm đương. Âu đó cũng là một cái mốt. Vậy 5 chữ này nghĩa là gì và sao lại đặt ở các cửa ra vào? Một cuốn sách về đề tài Hà Nội, phần bài dịch các đơn vị chữ Hán ở đền Ngọc Sơn có dịch là: “Dám sánh ngang núi Thái”, tức là người dịch ngắt câu đó làm thành hai phần là: đá Thái Sơn (Thái Sơn thạch) và dám sánh ngang (cảm đương).
Nhưng ở tập sách “Nghiên cứu tôn giáo Thái Sơn” của Lưu Tuệ do Văn vật xuất bản xã-tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) ấn hành năm 1988 có riêng một mục “Thạch cảm đương” với sự giải thích khá phong phú mà chúng tôi sẽ lược thuật sau đây. Song trước hết phải nói chút ít về Thái Sơn.
Ở Việt Nam ta hẳn rất nhiều người thuộc câu ca dao:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Núi Thái Sơn được coi như biểu tượng của sự cao ngất. Thực ra, núi này chỉ là đàn anh của hệ núi ở phía đông-đông bắc Trung Quốc, đỉnh cao nhất đạt 1.545 mét. Ngay ở Trung Quốc có 5 dãy núi cao vào hạng “chúa trùm” (ngũ nhạc) thì Thái Sơn đứng hàng thứ ba. Đầu bảng là Hoa Sơn (Tây Nhạc) 2.100 mét, thứ hai là Hằng Sơn (Bắc Nhạc) 2.017mét, còn Sùng Sơn (Trung Nhạc) 1.490 mét, Hành Sơn (Nam Nhạc) 1.290 mét.
Nhưng núi Thái Sơn được coi trọng hơn cả vì tương truyền thần núi này thiêng nhất, từng được nhiều đời vua Trung Quốc lên tận đỉnh núi làm lễ gọi là phong thiện. Tần Thủy Hoàng từng từ Hàm Dương (nay là Tây An) vượt hàng trăm nghìn cây số, leo một nghìn năm trăm thước để đến đỉnh Thái Sơn tế lễ. Rồi các đời Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh, các hoàng đế Trung Hoa cũng thường đến đây cúng tế, như Hán Vũ Đế 8 lần, Thanh Càn Long 10 lần… Cho nên núi Thái Sơn còn là biểu tượng của sự thiêng liêng.
Đó là Thái Sơn. Còn “Thạch cảm đương” thì lại có nguồn gốc khác. Nguyên thuở xưa, ở Trung Quốc con người thường coi những bất hạnh, những việc xảy ra ở ngoài ý muốn là do ma quỷ gây nên. Do vậy người ta cầu xin một sức mạnh siêu nhiên để khống chế ma quỷ, giúp tránh tai họa, từ đó xuất hiện sự sùng bái thần linh. “Thạch cảm đương” chính là thần được suy tôn để đáp ứng tâm lý cầu mong trừ yêu tà, cầu mong được may mắn của con người.
Sách Nam thôn xuyết canh lục của Đào Tông Ngại đời Đường (thế kỷ thứ IX) có viết: “Ngày nay-tức đời Đường-người ta thường đặt ở cửa chính đối mặt với cầu đường, ngõ phố một bia đá trên đó khắc “Thạch cảm đương” để trừ bệnh tật. Đến sách Vương Tượng chi của Ngũ Sùng Diệu đời Thanh (thế kỷ XVIII) lại chép: “Khánh Lịch Trung và Trương Vĩ Tế làm huyện lại ở Bồ Điền nhặt được một bia đá, trên khắc dòng chữ “Thạch cảm đương, trấn bách quỷ, áp tai ương, quan lại phúc, bách tính khang, phong giáo thịnh” tức là: “Đá dám gánh chức trách trấn áp trăm quỷ và tai ương, khiến quan lại được phúc, dân chúng được an khang, giáo hóa phong tục phát triển”.
Lưu Tuệ cho biết khắp Trung Quốc, chỉ trừ Tây Tạng và Tân Cương còn nơi nào cũng có tục dựng đá Thạch cảm đương, ảnh hưởng sang cả Nhật Bản, Triều Tiên. Có thể Lưu Tuệ không biết rằng ở Việt Nam, tại Hà Nội, tại đền Ngọc Sơn và nhiều ngôi nhà ở đường Xuân Diệu, Nghi Tàm cũng có dựng đá Thạch cảm đương!
Tuy nhiên, ở Trung Quốc hiện vẫn còn lưu hành hai cách giải thích về chữ “Thạch cảm đương”: Đó là thuyết nhân vật lịch sử và thuyết tín ngưỡng vật thiêng.
Thuyết thứ nhất là căn cứ vào sách “Cựu Ngũ đại sử” chép là vua Hậu Đường và Mẫn Đế Lý Tông Huân biết một số đại thần có âm mưu giết Thạch Kính Đường là anh rể nên đã sai võ sĩ Thạch Cảm Đương tận lực chống đỡ và chết để cho Kính Đường thoát. (Thực ra Kính Đường là kẻ xấu, sau y cướp ngôi nhà Hậu Đường, trở thành Cao Tổ nhà Hậu Tấn làm vua từ năm 936 đến 944). Từ đó dân chúng phục Thạch Cảm Đương và khắc tên ông để trấn trạch, khu trừ ác quỷ.
Thuyết thứ hai thì cho rằng bia Thạch cảm đương chỉ là biểu hiện của sự sùng bái vật thiêng. Những người chủ trương thuyết này cũng dựa vào thư tịch cổ để bài bác thuyết thứ nhất. Như Uông Tông Diễn trên tạp chí Dân tục nêu: “Hoài Nam Tử” (đời Hán) có chép rằng dân lấy hòn đá chôn bốn góc nhà thì ma quỷ không gây tai ương, sách “Kinh sở tuế thời ký” (đời Đường) chép ngày cuối tháng chạp đào góc nhà chôn một hòn đá trấn áp tai ương là có từ xưa chứ không phải đến đời Ngũ Đại mới có. Họ lập luận rằng, người xưa quan niệm vạn vật hữu linh, nên nhìn vào đâu cũng thấy thần, thần núi, thần sông…
Và núi chủ yếu chở che nuôi nấng con người nên thần núi được tôn trọng. Thờ một phiến đá tức là thờ đại diện thần núi. Thế là đá (thạch), dám (cảm) gánh vác trách nhiệm (đương) bảo vệ dân. Đặc biệt núi Thái Sơn thiêng liêng nhất nên đá núi này cũng có giá trị trừ tà cao. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc còn cho biết ở vùng Kichunawa phía nam Nhật Bản cũng có tục dựng bia Thạch cảm đương, ngay ở thành phố Naha thuộc vùng này hiện vẫn có cửa hiệu chuyên làm bán bia Thạch cảm đương.
Cho dù nhà nghiên cứu Trung Quốc có luận bàn sao nữa thì bia Thái Sơn thạch cảm đương ở đền Ngọc Sơn vẫn chỉ là một cái bia trấn trạch.
Nguyễn Vinh Phúc