Zurich đẩy lùi ma túy nhờ phương pháp đặc thù táo bạo

ANTĐ - Zurich của Thụy Sĩ luôn được coi là một trong những nơi đáng sống nhất trên thế giới. Thế nhưng vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, thành phố có 400.000 dân này khét tiếng là trung tâm ma túy lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, họ đã xóa bỏ được hình ảnh xấu này một phần do áp dụng phương pháp táo bạo, đó là cấp heroin cho người nghiện.

Zurich đẩy lùi ma túy nhờ phương pháp đặc thù táo bạo ảnh 1Công nhân đang quét kim tiêm tại nhà ga Letten ở Zurich năm 1995

Một thời gần như mất kiểm soát

Trở lại đầu những năm 90 của thế kỷ 20, có tới 3.000 con nghiện thường xuyên tới công viên Platzspitz của Zurich mỗi ngày, điều này khiến cho tờ New York Times của Mỹ gọi đây là “công viên kim tiêm”. Thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ đã trở thành nơi thu hút con nghiện heroin cả nước và số người tới đây đã tăng vọt từ 3.000 năm 1975 lên 30.000 năm 1992. Thời đó, Platzspitz là nơi chất chứa sự kinh hãi, đau khổ.

Theo một số nhân chứng, bạn có thể thấy người nghiện nằm trên đống máu và phân của họ, trong khi những người khác vẫn đang tiêm thuốc bên cạnh... Công viên này nồng nặc mùi nôn mửa và thối rữa… Tình hình tại công viên ngày càng phức tạp. Tội phạm ma túy phổ biến, HIV lây lan giữa những người nghiện, gái mại dâm cũng nhan nhản. Số người chết liên quan tới ma túy ở Thụy Sĩ tăng gấp 12 lần từ năm 1975 và 1992. Nhà chức trách đau đầu với vấn đề ngày càng nan giải, luật pháp lúng túng, nhà tù luôn hoạt động hết công suất.

Năm 1992, cảnh sát đã đuổi người nghiện và người bán ma túy ra khỏi công viên Platzspitz. Họ đã phân tán vào thành phố và mau chóng tìm được những nơi mới để tụ tập, tuy rằng điều kiện không khá hơn ở Platzspitz.

“Lúc này áp lực cần phải tìm ra giải pháp đã rất lớn” – Giám đốc Trung tâm cai nghiện Arud, ông Thilo Beck cho biết. Đây là trung tâm phi lợi nhuận do các bác sĩ đã lập nên năm 1991 với mục đích điều trị cho người nghiện.

Kê thuốc phiện cho người nghiện

Một bác sĩ trẻ tham gia vào việc điều trị cho người nghiện khi đó chính là ông Beck. “Tất cả các đề xuất đều thất bại. Chính trị gia, cộng đồng doanh nhân và nhân viên xã hội đã phải ngồi lại và hợp tác với nhau để tìm ra giải pháp” - ông Beck kể.

Rõ ràng, các biện pháp duy trì trật tự và ngăn chặn không hiệu quả. Thay vì kết tội những người nghiện, những chính sách mới đã giúp họ tái hòa nhập với xã hội.

Ví dụ, năm 1992, Zurich không cấm sử dụng methadone (loại ma túy hợp pháp có ưu điểm không tăng liều) đối với người dùng heroin trước đây từ chối điều trị. Ông Mark, nay đã 49 tuổi, là người từng bán cocain vì thấy có thể kiếm tiền nhanh nhưng không lâu sau, chính ông cũng bị nghiện nặng. Mark là một trong những người nghiện được điều trị bằng methadone và có nhà ở nhờ một dự án xã hội. “Những chương trình này rất hiệu quả trong việc giúp mọi người không phải vật vờ trên đường phố” - ông nói.

Chỉ 2 năm sau, Zurich đã trở thành nơi đầu tiên trên thế giới có các chương trình điều trị  heroin cho người nghiện nặng trong thời gian dài mà các biện pháp thay thế khác đối với họ không hiệu quả.

Năm 1995, nhiều chính sách mới đã đưa tới kết quả  thành công. Hệ thống  hỗ trợ người nghiện bắt đầu hoạt động, cảnh sát và các dịch vụ xã hội, y tế hợp tác chặt chẽ. Cuối cùng, cảnh sát Zurich đã đóng cửa được trại thuốc phiện cuối cùng ngay trong trung tâm thành phố.

Các dịch vụ như chương trình thay thế methadone và heroin hiện nay vẫn hoạt động. “Gần 70% người nghiện heroin ở Thụy Sĩ đang được áp dụng liệu pháp thay thế, đây là tỷ lệ cao nhất trên thế giới” – ông Beck nói. Hầu hết các bệnh nhân áp dụng liệu pháp thay thế ở Thụy Sĩ đều nhận được methadone, trong khi 8% (1.400 bệnh nhân) được nhận heroin. Trên thế giới, việc cấp phát heroin với vai trò là thuốc điều trị hiện còn gây tranh cãi nhưng lại được chấp nhận ở Thụy Sĩ và một vài nước châu Âu cũng đã làm theo Thụy Sĩ.

Theo ông Thilo Beck, Thụy Sỹ hầu như không có người nghiện heroin mới và đó là nhờ những chính sách toàn diện được áp dụng trong cuộc khủng hoảng heroin 20 năm trước. Điều này không có nghĩa là  hiện tượng nghiện ma túy đã bị xóa bỏ, bởi nguy cơ nghiện các loại thuốc phiện bất hợp pháp vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.