Yêu xa: Yêu xưa và yêu nay

ANTĐ - Có câu: Nhất cự ly, nhì tốc độ, đủ thấy yếu tố khoảng cách và tốc độ quan trọng với tình yêu như thế nào. Nhưng, có những đôi uyên ương, yêu nhau mà chẳng có điều kiện bên nhau. Vậy mà càng xa thì tình yêu của họ lại càng cháy mãnh liệt, thắm thiết.

Yêu xưa

"Yêu trong xa cách ư? Ngày xưa thế hệ chúng tôi, đôi nào yêu nhau chẳng ít nhiều xa nhau" - bác Trọng Thủy, Cầu Giấy mủm mỉm cười nhớ lại tình yêu thời trai trẻ của mình. Năm đó bác 18 tuổi, còn chưa kịp hiểu sự đời thì bố mẹ thông báo bác... sắp có vợ. “Vợ” bác 20 tuổi, ở cùng làng. Thi thoảng gặp nhau ngoài đồng, bác vẫn chào vợ là... "chị". Thế là cưới. Cô dâu theo chú rể về nhà được 3 ngày thì bác nhập ngũ. Bác Thủy đi một lèo 15 năm. Nhà cửa, cha mẹ đều giao cả cho người vợ "3 ngày" chăm sóc. Vợ chồng bác đến với nhau không phải bởi tình yêu (đã kịp hiểu hết về nhau đâu mà bảo yêu).

Cứ ngỡ là sẽ quên nhau ngay nhưng thật lạ kỳ càng xa cách, hai vợ chồng lại cứ nhớ về nhau. Thời đó thư từ liên lạc không thuận tiện như bây giờ. Thảng hoặc vài ba tháng bác mới nhận được một lá thư vợ gửi đến đơn vị, bóc ra thì thư đã viết từ lâu lắm. Trong thư, ngoài phần thông tin gia đình, bác gái bao giờ cũng kèm theo lời động viên chồng: Anh cố gắng chiến đấu, khi nào đất nước thống nhất thì về với em. Em sẽ đợi anh". Chỉ thế thôi, những lời "tỏ tình" mộc mạc mà làm trái tim bác nghẹn lại. Nơi chiến trường ác liệt, bao lần bác đứng trước ranh giới sinh-tử, thử thách nhưng hình ảnh người vợ trẻ lúc nào cũng hiện hữu động viên bác.

Bây giờ, hai vợ chồng bác Thủy đã được ở bên nhau. Nhưng kỷ niệm về mối tình xa cách ngày xưa lúc nào cũng tươi rói. Trong con ngõ nhỏ ở quận Cầu Giấy, hàng xóm đã rất quen thuộc với hình ảnh đôi vợ chồng già mà quất quít bịn rịn còn hơn cả thanh niên. "Tôi chỉ muốn bù đắp cho bà ấy những tháng năm dài vất vả xưa kia. Xa nhau nhiều nên càng quý lúc được đoàn tụ" - bác Thủy cười giải thích.

Anh Thiệp - ở phố Trần Quốc Toản, thì nhớ mãi về mối tình của cha mẹ. Ngày đó, mẹ anh chỉ là cô gái thôn quê chân chất. Còn bố anh lại sớm thoát ly, sống ở Hà Nội với bác ruột. Theo sự sắp đặt của cha mẹ, bố anh về quê cưới vợ (bố anh hoạt động cách mạng nên về quê cưới vợ để che mắt địch). Chưa từng một lần giáp mặt, mẹ chỉ được biết mặt bố anh trong đám cưới của chính mình. Hôm đó, nghe kể lại, bố anh mặc bộ áo trắng, mẹ anh mặc áo lụa đen. Bà đứng tít trong góc phòng, thi thoảng mới dám ngước lên nhìn trộm chồng 1 lần.

Cưới vợ xong, chưa kịp động phòng thì ngay chiều đó, vì nhiệm vụ, bố anh đã phải lên Hà Nội gấp. Nhiều năm đằng đẵng, hai vợ chồng mỗi người mỗi nơi. Mẹ anh còn chưa kịp hỏi hết tên chồng, chưa một lần được chồng nắm tay. Bà chẳng biết chồng đi đâu, làm gì. Không biết chữ, bà cũng chẳng thể biên thư gửi lên thành phố. Nhưng, lúc nào bà cũng ý thức mình là gái có chồng, phải sống vì chồng. 3 năm sau ngày cưới, bố mẹ anh mới chính thức có đêm tân hôn. Những năm sau đó, khi các con lần lượt chào đời, mẹ anh lại thay chồng chăm con, nuôi bố mẹ già để chồng yên tâm công tác. "Xa nhau như vậy nhưng bố mẹ tôi lúc nào cũng nhớ đến nhau. Bố tôi luôn nói rằng, ban đầu, ông đến với bà không phải bởi tình yêu. Nhưng càng sống với nhau thì tình yêu, tình nghĩa "gõ cửa" không biết từ lúc nào".

Sống xa vợ, lại là chàng trai lịch lãm, biết nhảy đầm, biết nói ngoại ngữ... nhưng chưa bao giờ bố anh làm gì sai trái với người vợ nông dân. Đi xa thì thôi, hễ về tới nhà, người đầu tiên ông tìm để chào chính là vợ. Làm việc lớn việc nhỏ, bao giờ ông cũng hỏi ý kiến bà. Cho dù bà chẳng hiểu nhiều để góp ý nhưng ông muốn làm vậy để bà được thấy mình tôn trọng.

"Gia tài lớn nhất mà bố mẹ để lại cho chúng tôi chính là tình yêu đẹp của hai người. Tôi luôn tự hỏi, nếu xa nhau, liệu vợ chồng tôi có yêu và chung thủy được như bố mẹ" - anh Thiệp nói.

Và yêu nay

Thắng - người yêu của Thảo đang học sỹ quan ở một nơi xa thành phố. Một tháng một lần, đôi bạn trẻ mới được gặp nhau, mà cũng chỉ trong chốc lát. "Thay vì được người yêu đưa rước, Thảo lại phải lóc cóc bắt xe buýt lên thăm chàng. 29 ngày nhung nhớ, để rồi tất cả ùa vỡ trong một ngày gặp mặt. Ngồi bên người yêu, Thảo chỉ ước thời gian ngừng trôi để họ ở bên nhau lâu hơn. Biết bao lần, Thảo bật khóc trong đêm vì nỗi nhớ dày vò.

Bạn bè, gia đình nhiều lần khuyên Thảo phải suy tính kỹ. Bởi yêu người ở xa không đơn giản, ngoài việc phải đối mặt với nỗi nhớ còn là rất nhiều khó khăn. Khi cần, Thảo sẽ không có người yêu ở bên cạnh để an ủi. Rồi khi xa nhau, trước biết bao cám dỗ khác liệu cả hai có còn chung thủy... Thảo suy nghĩ nhiều nhưng rồi cô vẫn quyết định sẽ yêu. Đơn giản bởi vì đó là lời trái tim mách bảo. Khi yêu mà đòi hỏi cái gì cũng thuận lợi, dễ dàng thì đâu gọi là yêu nữa" - Thảo cười.

"Yêu nhau trong xa cách tuyệt lắm" - Thu Thủy, làm tại một tổ chức phi chính phủ của nước ngoài bày tỏ. Người yêu của Thủy là người Mỹ. Hai người gặp nhau khi anh sang Việt Nam làm cố vấn cho một dự án về nước sạch. 4 tháng làm việc cùng anh, Thảo không biết mình yêu anh từ lúc nào. Chỉ biết ngày người yêu lên đường về nước, Thảo đã bật khóc nức nở.

Cách nhau nửa vòng trái đất, tình yêu của họ không chỉ xa cách về không gian mà còn cả về thời gian. Ở Việt Nam là ban ngày thì tại Mỹ là ban đêm. Cả hai người từ lâu đã quen với những cuộc điện thoại lúc nửa đêm, những khi giấc ngủ bị ngắt quãng, khi thì cô gọi sang, khi thì anh gọi về. Không thể gặp nhau, hai người gửi lời yêu qua email, chát, tin nhắn. Đã thành thói quen, ngày nào, hai người cũng phải viết email cho nhau.

Người yêu cô tự nguyện "tường trình" tất cả hoạt động anh làm trong ngày, từ việc anh đi đâu, làm việc gì... cho cô nghe. Chỉ thế thôi nhưng sao cô thấy gần anh hơn. Còn cô, mỗi lần nhớ người yêu lại nhắn tin sang cho anh và rồi sau đó lại nhận được một dòng tin tương tự "Anh cũng yêu em thật nhiều". Trong máy điện thoại của Thủy bây giờ, có không biết bao nhiêu tin nhắn tình yêu như thế. "Mỗi khi buồn, mình lại mang tin ra xem lại, thấy mình thật hạnh phúc dù anh không ở bên", Thủy tâm sự.

Yêu trong xa cách: giúp mình bản lĩnh hơn.

Tình yêu xa cách, tuy xa nhưng sẽ lại giúp mình lớn hơn rất nhiều. Thảo My kể người yêu của My hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Pháp. Ngày nghe tin anh được nhận học bổng, cô vui mừng khôn xiết. Nhưng, càng gần đến ngày anh lên đường, My lại thấy buồn. Cô chỉ ước giá anh đừng đi, giá thời gian đừng trôi để hai người ở bên nhau. Tự nhủ mình phải bản lĩnh lên vì tương lai tốt đẹp của hai người, nhưng khi máy bay chở người yêu đi xa, cô mới thấy hụt hẫng kinh khủng. "Lúc đó, mình thấy thế giới như ngừng quay. Mình khóc ngay giữa sân bay, chỉ ước giá như anh đừng đi, anh sẽ nấp đâu đó rồi chạy ra ôm mình - giống như trong các bộ phim Hàn Quốc".

Nhưng, điều đó là không thể. Và My đã bắt đầu học cách sống vượt lên nỗi cô đơn. Để trốn nỗi nhớ người yêu, thay vì khóc lóc, cô bắt đầu tìm niềm vui qua công việc. Cô làm việc hết mình, tối về lại học thêm ngoại ngữ. Ngày nghỉ, cô tham gia các hoạt động xã hội, sinh hoạt câu lạc bộ... "Mình muốn sống thật ý nghĩa trong những ngày hai đứa xa nhau".

Yêu trong xa cách, My học thêm được bài học về sự tin tưởng. Khi mới xa người yêu, trong đầu My nẩy sinh bao nhiêu câu hỏi: "Nào là anh ra nước ngoài rồi có còn yêu mình không?". Anh phản bội mình thì làm cách nào. Và mình nữa, nếu có say nắng một ai đó? Và câu trả lời với My chính là. Càng xa nhau thì càng phải tin nhau, hiểu nhau. Nếu bạn dằn vặt, nghi ngờ người yêu không chung thủy thì bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thanh thản được".

Mỗi tối, khi My và người yêu gặp nhau qua chát, được trò chuyện với anh, cô hiểu rằng anh luôn nhớ đến cô. Giờ đây, My lại trở thành người động viên người yêu cố gắng bởi cô biết, học ở nước ngoài vô cùng vất vả và những gì người yêu cô phải vượt qua sẽ lớn hơn thử thách của cô rất nhiều. Nhìn My xinh tươi đầy sức sống, người yêu của cô cũng yên tâm đợi ngày đoàn tụ.

Người yêu ở xa cũng giúp Thúy Hằng hiểu ra nhiều điều và trân trọng những gì mình đang có. "Hồi anh ở gần, mình thường cự nự, hay gây sự, cãi cọ với anh. Đã có lúc mình tự hỏi mình có yêu anh không? Rồi mình so sánh anh với các chàng trai khác. Nhưng, khi anh sang Nhật học tập, mình mới thấy rằng hóa ra mình yêu anh vô cùng. Vắng anh, mình thấy như một nửa trái tim mình bị đánh cắp".

Mấy năm rồi, trong những dịp đặc biệt như Valentine, ngày quốc tế phụ nữ... trong khi bạn bè tay trong tay đi chơi với người yêu thì Hằng lại chỉ có một mình. Người yêu cô chỉ có thể tặng cô những món quà tinh thần qua điện thoại, email. Nhưng bù lại, mỗi lần được gặp nhau với Hằng là cả một sự kỳ diệu. Họ trân trọng từng phút bên nhau! Người yêu Hằng hiểu rằng, cô ấy thiệt thòi nhiều nên luôn cố gắng chăm sóc cô từng ly từng tý. "Anh ấy đưa mình đi lại những con đường kỷ niệm. Cái lần hai đứa đứng ở Hồ Tây, mình hơi ho nhẹ mà chàng đã vội cởi áo khoác, đắp lên vai cho mình... Mình suýt bật khóc vì cảm động". 2 năm quen rồi yêu nhau nhưng số lần hai người được gặp nhau chỉ có vài bận, nhưng, Hằng chẳng buồn.

Không cãi nhau, không ghen tuông, hai người dành trọn trái tim cho nhau. Đợt Nhật Bản bị động đất, Hằng bị bặt tin người yêu 2 ngày. Cô tưởng chết đi sống lại vì lo anh gặp tai nạn. Khi người yêu nhắn tin về, Hằng òa khóc và thấy chẳng có niềm vui nào sánh bằng. "Nếu không yêu người ở xa, làm sao bạn có cảm xúc, cung bậc tình cảm ấy. Thực sự yêu người ở xa rất tuyệt vời".

"Em, ở bên này lạnh lắm. Mỗi sáng thức dậy, anh chỉ ước có em ở bên để ôm em thật chặt. Em sẽ giúp anh không còn lạnh giá nữa".

"Em, hôm nay anh về sớm, anh nhớ đến em đầu tiên. Còn 700 ngày nữa thôi là anh được về với em rồi".

"Em đang làm gì nhỉ. Anh vừa hoàn thành công việc. Nhiều lúc anh cũng muốn bỏ lại tất cả để về với em. Nhưng, anh nghĩ đến em, anh biết em tự hào về anh thế nào. Và anh lại cố gắng để xứng đáng với tình yêu em dành cho anh". Xa người yêu, nhưng những dòng thư mà người yêu gửi về, với Mỹ Hạnh luôn là tài sản thiêng liêng nhất. "Mình không cần quà, không cần hoa, mình chỉ cần những lời nói từ trái tim của anh ấy - thế là đủ. Mỹ Hạnh tâm sự. Tính đến hôm nay, cô đã xa người yêu được 300 ngày mà chưa một lần gặp lại. Nhưng, mình bảo anh cứ yên tâm ở nước ngoài đừng lo lắng cho mình. Với mình, đợi chờ cũng là một hương vị của tình yêu".