Yếu thế nên lép vế

ANTĐ - Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố khiến dư luận không khỏi “giật mình”: trong 7 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp ngừng hoạt động đều tăng. Có nghĩa là, tỷ lệ “khai sinh” càng tăng thì tỷ lệ “khai tử” cũng tăng theo. 

Thực trạng này không phải là hiện tượng mới xảy ra, nó phản ánh và ảnh hưởng như thế nào đến “sức khỏe” nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp?

Số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động trong 7 tháng qua tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2015; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 23,3% và tăng 54,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng lo ngại là, tình trạng doanh nghiệp được thành lập mới khá ồ ạt, nhưng lại rơi vào tình cảnh “chết lâm sàng, chết yểu” đến mức đáng báo động, có ngày lên tới hơn 200 doanh nghiệp.

Liệu mục tiêu đặt ra vào năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động đạt hiệu quả có trở nên xa vời và khó khả thi? Nên nhớ rằng, từ năm 2005 - 2014, sau 9 năm nước ta có khoảng 600.000 doanh nghiệp được đăng ký kinh doanh, song thực sự chỉ có 273.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó gần 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số lượng doanh nghiệp này lớn gấp 112 lần số doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Song, lợi nhuận, giá trị tuyệt đối chỉ bằng 0,4% lợi nhuận so với doanh nghiệp Nhà nước và nước ngoài. Đây là vấn đề cần hướng tới để tiếp sức, hỗ trợ cho khu vực kinh tế này, nhất là kinh tế tư nhân.

Dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, rất cần có sự thay đổi về tư duy, cách tiếp cận và hành xử của các cơ quan chức năng, cán bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa được cộng đồng chờ đợi và hy vọng sẽ cụ thể hóa các quy định như hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, công nghệ, mặt bằng sản xuất kinh doanh, thông tin và tư vấn. Đặc biệt là thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp, quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ đầu tư khởi nghiệp...

Một trong những điểm yếu “chết người” của doanh nghiệp Việt là không có hoặc thiếu kinh nghiệm thương trường, thiếu hiểu biết pháp luật, nên rất cần được tiếp sức thường xuyên, liên tục. Phần lớn doanh nghiệp vừa yếu thế, vừa lép vế trong cạnh tranh ngay trên sân nhà, bởi thế, ngoài sự nỗ lực tự thân vươn lên, họ tha thiết xin hai chữ “bình đẳng” và bỏ hai chữ “xin-cho”.