Yêu ở ngoài phố

ANTĐ - Ở Hà Nội thời chưa xa lắm, những ngày mà hầu hết người ta còn đi bộ hoặc đi xe đạp, có một nét văn hóa nho nhỏ đến giờ hình như đã thất truyền. 

Yêu ở ngoài phố ảnh 1Ảnh: Nguyễn Huy Tú

Đấy là những người trẻ tìm cách tán tỉnh nhau ở ngoài phố, hồi đó nôm na gọi là “cưa đường”. Một thiếu nữ hoặc vài thiếu nữ (đương nhiên phải mặn mà, duyên dáng chứ không cần xinh) thong thả đi trong buổi chiều còn gió lảng vảng. Hoặc là dọc đường Thanh Niên, hoặc là bất kỳ một phố nhỏ ngắn nào đó có vỉa hè hẹp, có lưa thưa tán lá cây xanh đang mùa, thì không hiểu sao sẽ xuất hiện một hoặc vài chàng trai (đa phần là sinh viên) mặt xanh mét mầu rau, tóc dài lằng nhằng nhiều gầu lẽo đẽo theo sau nhả lời ong bướm.

Cuộc lòng vòng đấy sẽ kéo quanh nhiều phố và lê thê hồn nhiên thời gian. Lẫn trong vài cái nguýt, vài cái lườm dài đuôi mắt là khúc khích tiếng cười. Câu chữ đối thoại hai bên nhủng nhẳng, nghe kỹ thật tình tứ bâng quơ lãng mạn. Hà Nội ơi, Hà Nội xôn xao phố nhỏ, không có chợ tình Khâu Vai, không có đùa ghẹo hát giao duyên phường vải Nghệ Tĩnh, không có lúng liếng liền anh liền chị kiểu Kinh Bắc, vậy thì nam thanh nữ tú Hà Nội đành ỡm ờ ra đường mà “mùn cưa” nhau. Trong suốt chiều dài lịch sử thơ mộng của người Tràng An, đã ăm ắp rất nhiều mối tình son sắt thuỷ chung có xuất xứ từ “cưa đường”.

Theo chính văn thì tổ sư “cưa đường” ở Hà Nội là danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Cũng một chiều thu trở gió trên hồ Dâm Đàm, Nguyễn Trãi đã đi theo, đã buông lời “vớt” Thị Lộ

Ả ở Tây hồ bán chiếu gon

Đến nay chiếu ấy hết hay còn

Xuân xanh xấp xỉ chừng bao lẻ

Đã có chồng chưa được mấy con

Thật tinh tế sinh viên, thật trẻ trung minh bạch, một kiểu mẫu xuất sắc cổ điển của phong cách hành văn “cưa đường”. Tất nhiên cô nàng thị dân bán chiếu kia phải xiêu lòng. (Mà trời ạ, với những nhời ấy thì thiếu nữ nào chẳng lao đao. Trừ phi là những thứ giông giống hoa hậu, giông giống người mẫu thời nay chỉ quen được tỏ tình bằng thô bạo túi xách hàng hiệu, bằng cục súc máy điện thoại di động thời thượng). Từ sau vụ cưa đường đẹp như mơ ấy, hình như Nguyễn Trãi đã làm thơ trở lại. Thơ ông xanh hơn, trong hơn, mặc dù khi đó đúng vào giai đoạn hoạn lộ của ông đang gập ghềnh, xam xám một mầu. Trong cuộc đời đầy bất trắc của Nguyễn Trãi, chuyện “cưa” được Nguyễn Thị Lộ là một dấu ấn đáng kể, nó sâu sắc đến mức đưa ông vào thảm khốc án oan Lệ Chi Viên. Nhưng đấy là lỗi của chế độ phong kiến hủ bại, chẳng liên quan gì đến sự trong trắng của việc “cưa đường”.

Lang thang yêu nhau ngoài phố ở Hà Nội đến hôm nay đã chắc chắn thất truyền, bởi đơn giản, thanh nam, thanh nữ bây giờ không còn thong thả nữa. Họ mải học, mải việc, mải miết kiếm sống. Họ đã hiếm và gần như mất hẳn những buổi chiều tàn thu âm ẩm gió, những đêm đông muộn đèn vàng đi lơ ngơ, lững thững.

Bản chất của “cưa đường” là sự chầm chậm. Nó được nhè nhẹ nuôi dưỡng bằng yên tĩnh thanh tao phố xá. Nó không chịu được sự ồn ào của xe phân khối lớn, sự nhốn nháo của biển hàng, biển hiệu. Sinh viên bây giờ lớn lên, đơn điệu yêu nhau trong công sở, trong vũ trường, trong các đại hội linh tinh nhan nhản màu xanh, màu đỏ. Những message, những chat, những email làm tắc nghẹn những hoang vu lời của cây, những mênh mông lời của gió. Có thể cái run rủi đầy bất ngờ của “cưa đường” đối với họ là vớ vẩn. Nếu thật thế thì quả là đáng tiếc. Láng máng sót lại trong những ô cửa sổ của Hà Nội chỉ còn cặp mắt nhưng nhức đen của các khuê trung thiếu phụ bâng khuâng nhìn phố cũ. Họ đột ngột buồn, nao nao nhớ về một thuở nữ sinh giả vờ ngơ ngác đi đường, rồi giật mình thật khi thấy ai đó đăm đắm, nhũng nhẵng theo sau.