Yêu hoa, thưởng hoa cũng cần có văn hóa

ANTĐ - Dường như ở đâu có những vườn hoa đẹp thì ở đó có một đám đông du khách từ đâu đổ xô đến giẫm đạp, chen chúc tạo dáng chụp ảnh. Người trồng hoa chắc biết những rủi ro từ việc trồng hoa làm dịch vụ, nhưng có lẽ bù đắp về kinh tế khiến họ đành chấp nhận để hoa tả tơi, tan nát.

Yêu hoa, thưởng hoa cũng cần có văn hóa ảnh 1Du khách ở Hà Giang (trái) hay Nghệ An đang tàn phá những cánh đồng hoa

Tan nát những cánh đồng hoa vì “tự sướng” quá đà

Cách đây không lâu, ngay trước khi Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang được tổ chức, cả nghìn người miền xuôi đổ xô về cao nguyên đá để tận mắt nhìn thấy những loài hoa biểu trưng cho vẻ đẹp vùng cao. Nhưng khi lễ hội còn chưa khai màn, rất nhiều cánh đồng hoa đã  tan hoang cùng với đó là la liệt rác rưởi, chai nước du khách bỏ lại… Những đồng cải trắng xóa Mộc Châu cũng chịu chung số phận, bởi đây đã biến thành nơi để cho những người mê chụp ảnh thi nhau nằm, ngồi tạo dáng. 

Còn tại Hà Nội, thung lũng hoa hồ Tây - địa điểm “thưởng hoa” có tiếng Hà thành phải đóng cửa chỉ sau 3 ngày mở cửa miễn phí vì du khách giẫm đạp hoa không thương tiếc. Ngay sau khi thung lũng hoa mở cửa, lượng người đổ về đây ngày một đông. Theo thống kê, chỉ trong ngày thứ sáu, có 1.500 người vào cửa, thì sang ngày chủ nhật đã có 7.000 người chen chúc để vào được ruộng hoa. “Thật kinh hoàng, lẽ ra đã có một vườn hoa tam giác mạch đẹp thì nay mất hết. Cả vườn hoa bươm bướm chưa kịp ra hoa cũng bị giẫm nát” - anh Bùi Mạnh Hiếu, chủ thung lũng hoa hồ Tây chia sẻ với PV Báo ANTĐ sau 3 ngày “vỡ trận”. Giờ đây, 5ha hoa của anh, trong đó có 2ha hoa tam giác mạch, còn lại là vô số các loại hoa bươm bướm, bách nhật, cải, cúc họa mi… dày công vun trồng, nay lại phải chờ trồng lại. 

Biển cấm có dẹp được thói quen xấu?

Hoa tam giác mạch, hoa cải, hay hướng dương vốn không phải được trồng cho đẹp. Phần lớn những loài hoa này được người nông dân trồng để làm nguồn lương thực cho gia súc. Nhưng chính nhờ “phát hiện” của du khách, mà những cánh đồng hoa đã trở thành dịch vụ để khai thác, phát triển du lịch. Người người đổ xô đến, chen chúc lội xuống ruộng hoa, đổi lấy vài phút tạo dáng, chụp ảnh. “Cú hích” du lịch thì chưa thấy đâu, sau mỗi mùa hoa nở chỉ thấy nỗi bức xúc, thất vọng của những người dân bản địa, những người trồng hoa. 

Ngẫm ra, việc người ta chen nhau giẫm nát cả luống hoa chỉ để chụp ảnh không khác cảnh tượng hàng trăm người giẫm đạp, tranh giành nhau một vài suất sushi miễn phí, hay những ông bố, bà mẹ đỡ con vượt rào leo vào Công viên nước hồ Tây trong ngày mở cửa miễn phí. Tất cả chỉ vì: Miễn phí! 

Sẽ chẳng có ai ngồi tính toán cụ thể thiệt hại cho những người nông dân khi những du khách giẫm đạp lên những vườn hoa ở Hà Giang, Sơn La, Nghệ An… Chắc hẳn, đó không chỉ là thiệt hại về kinh tế, vì những người trồng hoa rõ ràng cũng biết những rủi ro khi hoa trở thành một sản phẩm phục vụ cộng đồng. Nhưng họ chấp nhận rủi ro ấy vì thứ họ thu được từ du lịch có thể sẽ nhiều hơn giá trị họ bỏ ra để vun trồng. Hoa có thể trồng lại được, như khẳng định của người chủ thung lũng hoa hồ Tây nói trên, nhưng cảnh quan, sự yên bình vốn có của những cánh đồng hoa thì khó lòng mà “cứu” được. Đặt biển cấm, phạt tiền… có lẽ là thừa, nếu du khách không tự ý thức được việc mình làm là phản cảm.