Yêu đương ‘độc hại’: Làm thế nào để thoát ra an toàn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tình yêu đôi lứa vốn là thứ tình cảm trong sáng, tốt đẹp và trân quý. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thứ tình cảm ấy bỗng trở thành nỗi ám ảnh của không ít người khi các vụ sát hại, tự tử vì ghen tuông, mâu thuẫn liên tiếp xảy ra, gây chấn động dư luận. Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà đã đưa ra những lời khuyên hữu ích để giúp các bạn trẻ có thể yêu đương đúng cách, văn minh và nhanh chóng thoát ra khỏi những mối quan hệ độc hại, tiêu cực.
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà (Ảnh: NVCC)

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà (Ảnh: NVCC)

- Phóng viên: Gần đây, những vụ sát hại người yêu hay tự tử chỉ vì mâu thuẫn, ghen tuông đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Chuyên gia đánh giá như thế nào về thực trạng trên?

- Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà: Thời gian gần đây, số liệu về các vụ sát hại hay tự tử khi còn đang yêu nhau có sự gia tăng. Chúng ta cần phải nhìn nhận lại vấn đề, đó là các bạn yêu nhau nhưng các bạn có thực sự ở trong cái thứ tình cảm yêu đương ấy không. Bởi vì nếu yêu thì người ta phải có sự hiểu biết, sự sẻ chia và có trách nhiệm với những hành động của mình cũng như với đối phương. Bất cứ mối quan hệ nào cũng có thể xảy ra mâu thuẫn và chúng ta cần phải biết cách để giải quyết những mâu thuẫn ấy. Điều này sẽ giúp chúng ta có thêm trách nhiệm, thêm yêu thương đối với người bạn mà chúng ta đang dành tình cảm.

Việc chúng ta thiếu các kỹ năng xã hội, thiếu sự chia sẻ, đồng cảm dẫn đến việc chúng ta vội vàng trong cách giải quyết. Khi gặp phải một vấn đề gì đó không giải quyết được, chúng ta thường tức giận, cảm thấy không thoải mái và từ đó dẫn tới những hành động không thể quản lý. Lúc ấy, chúng ta không chỉ gây tổn thương cho bản thân, đối phương mà còn có thể liên quan đến những vụ việc như sát hại, tự tử… chỉ vì các mâu thuẫn chưa thể hóa giải trong mối quan hệ giữa hai người.

Những cái đó liên quan tới những giá trị, kỹ năng xã hội mà dường như chúng ta chưa tích lũy đủ. Thậm chí, khi hệ thống giá trị thay đổi, nếu không có phương pháp để quản lý thì chúng ta sẽ bị hệ thống ấy tác động và làm cho cuộc sống cũng như cách nhìn nhận thay đổi theo. Từ đó, những tình huống, câu chuyện về tự sát hay những câu chuyện về bạo lực trong tình yêu có thể gia tăng.

- Theo chuyên gia, nguyên nhân nào dẫn đến việc một số bạn trẻ thường có xu hướng bạo lực (thậm chí lựa chọn cái chết) để giải quyết chuyện tình cảm?

- Trong một mối quan hệ tình yêu, chúng ta thường có mong muốn ở cạnh đối phương và đôi khi chúng ta sẽ bị lệ thuộc. Khi đã lệ thuộc vào tình yêu hay tình cảm thì chúng ta khó mà nhận ra được rằng, cái mối quan hệ ấy đôi khi cũng cần phải dừng lại để nhìn nhận, xem xét.

Việc khao khát có người bên cạnh, có người sẻ chia khiến chúng ta cảm thấy chán nản, khó chịu khi người ấy không còn hiện diện nữa. Cảm xúc của chúng ta bị căng thẳng. Và khi cảm xúc căng thẳng, không nói được ra, không có người hỗ trợ thì sẽ dẫn đến câu chuyện là chúng ta có những hành động vượt quá mức, ví dụ như tự sát, làm tổn thương bản thân hay cố gắng làm một cái gì đó để cho người bạn kia của mình không được sống… Đó là những vấn đề về sự thay đổi nhân cách.

Chúng ta dần trở nên ích kỷ, kiểm soát và chỉ muốn nó là những vấn đề của chúng ta, sự tổn thương của chúng ta mà không hề quan tâm tới việc làm thế nào để giải quyết mối quan hệ này một cách tích cực. Dù chia tay, chúng ta cũng phải vui vẻ, thoải mái. Vì trong mối quan hệ tình cảm, chúng ta bắt đầu đến với nhau bằng con số 0, sau một thời gian yêu nhau, đôi khi chúng ta lại quay trở về con số 0 ấy. Đó là điều rất bình thường trong cuộc sống.

Ngoài cảm xúc thì những yếu tố liên quan đến sự trải nghiệm cá nhân cũng có thể dẫn tới hành vi bạo lực. Nhiều người quen với lối sống ích kỷ và không có kỹ năng xã hội, không có kết nối, dẫn tới việc họ không thể chấp nhận sự chia tay, tan vỡ. Khi ấy, họ sẽ làm mọi cách để níu kéo, gìn giữ mối tình của mình. Đến khi không níu kéo được nữa mà cảm xúc dành cho đối phương vẫn tràn đầy thì họ sẽ có những hành động rất mãnh liệt, manh động. Và hậu quả sẽ giống như những câu chuyện đau lòng mà chúng ta đã nghe gần đây.

- Khi yêu đương, nhiều người hiện nay vẫn có những suy nghĩ, quan điểm sai lệch như: yêu đồng nghĩa với việc sở hữu, kiểm soát hay yêu là phải phục tùng… Điều này gây ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ tình cảm giữa hai người?

- Trong tình yêu hay trong bất kỳ mối quan hệ nào, bao giờ cũng có sự phân định rõ ràng giữa tích cực và tiêu cực. Nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực giúp chúng ta có thể duy trì mối quan hệ ấy một cách lâu dài và nó khiến chúng ta vui vẻ, hạnh phúc. Còn nếu mối quan hệ độc hại, tiêu cực quá thì nó sẽ phá hủy mọi cảm xúc cũng như phá hủy chính mối quan hệ đó của chúng ta. Thậm chí, đôi khi, nó làm cho chúng ta có những sự ám ảnh.

Việc chúng ta kiểm soát, quản lý hay sở hữu trong một mối quan hệ tình cảm sẽ làm cho người kia cảm thấy ngột ngạt và không được là chính bản thân họ. Họ vẫn có thể phục tùng nhưng họ luôn cảm thấy rất đau khổ. Và cuối cùng, mối quan hệ đó kiểu gì cũng sẽ dẫn đến sự tan vỡ. Ở trong mối quan hệ tiêu cực như vậy, chắc chắn ai cũng sẽ muốn thoát ra. Bởi nếu không thoát ra thì các bạn sẽ vô cùng mệt mỏi, căng thẳng. Vì vậy, cho dù là bạn muốn quản lý người khác hay người khác quản lý bạn thì đều không tốt cả.

Chúng ta ở trong một mối quan hệ tích cực thì có nghĩa chúng ta phải được là chính mình và phải vui vẻ, thoải mái cũng như chấp nhận yêu thương đối phương. Như vậy, mối quan hệ đó mới có thể duy trì lâu dài. Nếu nhận thấy sự tiêu cực trong mối quan hệ hiện tại, chúng ta phải thay đổi để biến nó thành mối quan hệ tích cực. Điều này đòi hỏi vào kỹ năng xã hội, cách quản lý và kiểm soát bản thân của mỗi bạn. Đừng để cái tôi quá lớn của mình gây ảnh hưởng đến những người xung quanh và khiến mối quan hệ tình cảm trở nên rạn nứt, tan vỡ.

Một mối quan hệ độc hại sẽ khiến cả hai cùng mệt mỏi, khổ sở (Ảnh minh họa)

Một mối quan hệ độc hại sẽ khiến cả hai cùng mệt mỏi, khổ sở (Ảnh minh họa)

- Nếu đang ở trong một mối quan hệ yêu đương độc hại thì chúng ta cần làm gì để thoát khỏi nó một cách an toàn và hạn chế tối đa các hành vi tiêu cực có thể xảy ra?

- Đầu tiên, chúng ta cần phải đánh giá xem mối quan hệ ấy có thực sự độc hại với mình hay không. Ở trong một mối quan hệ độc hại, rõ ràng chúng ta cảm thấy rất mệt mỏi, đau khổ, chúng ta không giải quyết được vấn đề và luôn bị người kia thao túng, điều khiển. Những việc đó làm cho chúng ta không còn được là chính mình. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần và lâu dần có thể dẫn đến trạng thái lo âu, trầm cảm.

Khi đã xác định rõ mối quan hệ độc hại, bước tiếp theo chúng ta cần làm là thẳng thắn nói chuyện, trao đổi, chia sẻ với đối phương để họ nhận ra vấn đề và thay đổi. Sau một thời gian, nếu thấy đối phương vẫn không thay đổi thì chúng ta bắt buộc phải dừng tương tác và nói không với mối quan hệ ấy.

Để rời khỏi mối quan hệ độc hại một cách an toàn, chúng ta cần lên kế hoạch cụ thể và từng bước thực hiện nó. Chúng ta có thể nói vấn đề của mình với những người thân thiết, xin tư vấn từ chuyên gia hoặc thông báo cho chính quyền địa phương để họ giúp đỡ mình trong quá trình này. Quan trọng nhất là chúng ta phải luôn tỉnh táo, quyết đoán và dứt khoát thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề.

- Là một chuyên gia tâm lý, chị có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đã, đang và sẽ bước vào ngưỡng cửa tình yêu?

- Các bạn cần trau dồi cho mình đầy đủ những kỹ năng xã hội. Các bạn phải thực sự hiểu tình yêu là gì, tình bạn là gì và phải sẵn sàng trải nghiệm các mối quan hệ đó, không được lo sợ. Nên nhớ rằng, nếu một mối quan hệ dừng lại thì các mối quan hệ khác sẽ mở ra.

Các bạn phải luôn học hỏi, tích lũy và thường xuyên trao đổi, chia sẻ để có được những mối quan hệ tốt, tích cực. Đặc biệt, các bạn phải chú ý tới việc nếu mình trở thành người sở hữu hay mình quá tiêu cực thì chúng ta cần phải thay đổi điều đó để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà!