Yên Phụ - vùng đất đãi ngoại kinh đô Thăng Long xưa

ANTD.VN - Làng Yên Phụ xưa có tên là Yên Hoa. Yên Hoa thời Lê thuộc huyện Quảng Đức, Kinh đô Thăng Long. Năm 1831, Vua Minh Mạng thực hiện cải cách hành chính thì Yên Phụ thuộc tỉnh Hà Nội. 

Yên Phụ - vùng đất đãi ngoại kinh đô Thăng Long xưa ảnh 1Phường Yên Phụ bao gồm làng Yên Phụ sát hồ Tây, phố Yên Phụ và đê Yên Phụ

Năm 1841, vì kỵ húy mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa nên làng phải đổi tên. Việc đổi tên xuất hiện 2 luồng ý kiến, một số người muốn lấy tên Yên Tĩnh, với mong muốn làng sẽ bình yên. Vì Yên Tĩnh là tên một cửa ô (tương ứng với phố Hàng Than hiện nay) nằm trên lũy bao quanh thành Thăng Long xây dựng năm 1749 nên nhiều người phản đối muốn đặt là Yên Phụ.

Chữ Phụ có nghĩa là một gò đất nổi ở trên cao và cũng có nghĩa là một chỗ đông đúc dân cư, làm ăn thịnh vượng. Ban đầu một số gọi là Yên Tĩnh nhưng sau số gọi Yên Phụ đông hơn nên cái tên Yên Phụ trở thành phổ biến. Năm 1915, làng thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Năm 1942 lại đổi lại thành Đại lý Hoàn Long. Từ năm 1981 là một phường của quận Ba Đình. Phường Yên Phụ bao gồm làng Yên Phụ sát hồ Tây, phố Yên Phụ và đê Yên Phụ.

Làng Yên Phụ xưa có một xóm ở trên bán đảo nhô ra hồ. Thời Hậu Lê, từ làng ra chùa Trấn Quốc có một con đường đất. Dân Yên Phụ vẫn coi Trấn Quốc là chùa của làng và không gọi là Trấn Quốc mà gọi Bờ Lũy. Sở dĩ gọi như vậy vì Trấn Quốc che gió, chắn  sóng cho đất làng không bị sói lở. Bản đồ năm 1831 vẫn còn con đường này. Nhưng sau này con đường biến mất. Vì coi Trấn Quốc như chùa làng, vào dịp hội làng 10-2 âm lịch nhưng trước đó ngày 9-2 người ta vẫn tổ chức rước kiệu từ đình sang chùa Trấn Quốc lấy nước thanh tịnh về đình để tắm tượng. 

Xa xưa Yên Phụ có nghề làm hương. Tương truyền nghề làm hương ở Yên Phụ có từ thế kỷ XIII. Thời bao cấp Yên Phụ còn một hai nhà làm nghề này. Hương se xong mang ra đê phơi. Lời lãi không nhiều, lại tranh nhau chỗ phơi nên người ta bỏ nghề. Thời Nguyễn đàn ông trong làng chủ yếu đánh cá ở hồ Tây vì quan tỉnh cho các làng ven hồ được hưởng hoa lợi từ hồ. Nhưng khi Pháp chiếm Hà Nội, chính quyền thành phố đấu thầu đánh cá nên họ không được tự do bắt nữa. Đàn bà con gái thì buôn bán nhỏ.

“Yên Phụ buôn bán dưới thuyền 

Xuống đò phố Mới bán than quạt lò”.

Yên Phụ bắt đầu thay đổi khi bị ảnh hưởng của phong trào Cải lương hương chính (như xây dựng nông thôn mới ngày nay) năm 1927-1928. Yên Phụ xuất hiện nhà xây, đường làng lát gạch, trẻ con phải đi học. Đầu thập niên 30, con đường đê cũ còn gọi là đường cái đã hình thành phố Yên Phụ. Phố đông đúc vì dân các nơi đổ về đây mua đất làm nhà và kỳ lạ ai đến đây lúc đầu vất vả nhưng sau kinh tế đều khá giả nên dân làng bảo Yên Phụ là đất đãi ngoại.

Còn đê Yên Phụ ngày nay được đắp sau khi vỡ đê Liên Mạc năm 1915. Yên Phụ là bối cảnh trong cuốn  “Anh phải sống” của Khái Hưng và Nhất Linh của nhóm Tự lực văn đoàn. Sự khá giả của Yên Phụ xuất phát từ việc trở thành làng gây cá cảnh đầu tiên ở miền Bắc và cũng là làng đầu tiên phổ cập thú chơi hoa thủy tiên trong thập niên 30, thế kỷ XX.   

Trong tín ngưỡng làng quê Bắc bộ, có làng là có chùa, có chùa là có đình. Đình và chùa thường nằm gần nhau. Nhưng Yên Phụ lại khác, đình xa với chùa và đình hiện ở phố Phó Đức Chính. Đình được xây vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII theo kiểu chữ Đinh với đại bái dọc, không theo kiểu chuôi vồ (ngang) như các đình khác. Trong đình còn giữ được chiếc kiệu sơn son thiếp vàng, tấm bia thời Lê Gia Tông (1672-1675) ghi rõ đình thờ Thành hoàng là Uy Linh Lang và hai em gọi là Vương Đôi, Vương Ba. Ba vị đều là con của Hoàng hậu Minh Đức đời Trần. Đình được xếp hạng Di tích văn hóa cấp Nhà nước năm 1986.

Ở Yên Phụ cũng có nhiều câu chuyện đáng kể. Năm 1936, ông Hán Cẩn là Ký lục Tòa Thống sứ Bắc Kỳ gả chồng cho con gái, và dù làm cho Tây nhưng ông vẫn giữ  hủ tục, lúc nhà trai đến đón dâu ông bắt con rể phải lạy sống mới cho đón. Con rể là dân du học ở Pháp không chịu tục cổ hủ này đã bỏ về khiến đám cưới bị vỡ trận. 

Yên Phụ - vùng đất đãi ngoại kinh đô Thăng Long xưa ảnh 2Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến  

Năm 1995, quận Tây Hồ thành lập, Yên Phụ bị cắt khỏi quận Ba Đình chuyển sang quận mới. Cuối thập niên 90, phố Yên Phụ được nhiều người bàn tán  vì bên dãy số chẵn có một ngôi nhà cao tầng trên đỉnh có vòm xoắn như kiến trúc nhà thờ Hồi giáo. Vì khi đó rất ít nhà cao tầng nên đứng ở đường Thanh Niên cũng nhìn thấy.

Nay thì ngôi nhà ấy bị nhấn chìm vì làng xưa đến phố cũ đã xuất hiện rất nhiều nhà cao tầng. Cổng vào làng xây thời Vua Tự Đức cũng trở nên bé nhỏ nem nép đến tội nghiệp bên hai căn nhà cao ngất. Vị trí của Xí nghiệp nuôi trồng và đánh bắt thủy sản hồ Tây cũng là bến cá một thời nay là liên doanh Câu lạc bộ Hà Nội. Nhà lấn ra hồ.  

Đất Yên Phụ xưa là đất đãi ngoại, nay vẫn là đất đãi ngoại, dân tứ chiếng sinh sống ở đây khá giả hơn dân gốc. Khi kè và con đường vòng quanh hồ Tây hoàn thành, đoạn qua Yên Phụ được đặt tên là phố Yên Hoa. Phố Yên Phụ vẫn giữ nguyên. Vì Yên Phụ là dải đất hẹp nên dù thay đổi nhưng người đi xa về vẫn nhận ra nhờ phố Yên Phụ.                                                                             

Tin đọc nhiều