Biến cầu Long Biên thành bảo tàng:

Ý tưởng lạ và rất táo bạo!

ANTĐ - Ý tưởng biến cầu Long Biên thành bảo tàng, bãi giữa sông Hồng thành công viên… vừa được đưa ra trong một hội thảo, tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội đã gây được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Biến cầu thành bảo tàng

Để bắt tay vào thực hiện cải tạo cầu Long Biên, theo bà Nguyễn Nga - Giám đốc Công ty Cầu Rồng, việc đầu tiên cần phải thực hiện là nâng cầu cao thêm 3m, điều này đảm bảo độ cao cho tàu thuyền hoạt động phía dưới sông. Việc tiếp theo, phát động một cuộc thi ý tưởng kiến trúc, nhằm tập hợp những dự án táo bạo nhất, sử dụng những kỹ thuật hiện đại nhất thế giới hiện nay để hiện thực hóa những công việc quy hoạch sau đây: Con đường ray ở chính giữa trở thành một không gian mới dành riêng cho những hoạt động văn hóa sáng tạo.

Những nhịp cầu sẽ được bao phủ bởi những tấm kính trong suốt - chi tiết này mang lại một vẻ đẹp mới đồng thời vẫn giữ gìn nguyên vẹn  cấu trúc của công trình. Bên trong cây cầu, hình thành những không gian tách biệt, cho phép tổ chức những sự kiện văn hóa nghệ thuật ngay tại mặt cầu.   Song song là cải tạo hệ thống cây xanh và đèn đường, tạo ra điểm nhấn ấn tượng về không gian, đồng thời mở ra góc nhìn thơ mộng ra hai bờ sông.

Không chỉ cải tạo phần trên, phía gầm cầu, gồm 131 nhịp, phía trên dự tính biến thành một khu vườn treo, phía dưới xây dựng thành các phố nghề nghệ thuật. Khu vườn treo theo mô típ của những vườn treo cổ kính tại Pháp hoặc theo mô hình công viên Highline tại New York. Phần cuối cùng của cây cầu là 131 nhịp xây vòm gạch, hiện đang bịt kín sẽ được mở thông ra, tạo thành các dãy phòng triển lãm làng nghề thủ công nghệ thuật truyền thống, nơi gặp gỡ của các nghệ sĩ và những người trẻ tuổi yêu nghệ thuật thị giác, nghệ thuật trình diễn... Những diện tích còn lại khác sẽ trở thành “Phố nghề nghệ thuật quốc tế”, chào đón những nền văn hóa từ khắp nơi trên thế giới…

 Ảnh: PHÚ KHÁNH

 Ảnh: PHÚ KHÁNH


Bãi giữa thành công viên

Nhằm gợi lại những ký ức đẹp về một nghề thủ công truyền thống, một phần của bãi giữa sông Hồng sẽ được trồng dâu - nuôi tằm, tạo một không gian làng nghề dệt cổ kính với  “bên anh dệt lụa bên nàng quay tơ”. Một nhà kính lớn được dựng lên, bên trong là hàng nghìn loài bướm đặc sắc của Việt Nam, bay lượn tự do trong không gian xanh mát um tùm của cây cỏ.

Vẫn cầu Long Biên tiếp tục trở thành tâm điểm, một phố đi bộ với tên gọi “Đại lộ hòa bình” được hình thành, nối liền cầu với những điểm văn hóa lịch sử của Thủ đô. Điểm xuất phát từ cầu Long Biên qua Nhà hát Lớn, hồ Hoàn Kiếm, qua phố hàng Ngang, hàng Đào, trở về tháp nước Hàng Đậu.  Khi đó, tháp nước Hàng Đậu, đã được cải tạo thành Bảo tàng Cổ vật - không chỉ là điểm dừng chân cuối cùng, du khách có thể lên tham quan, thêm hiểu biết về văn hóa người Việt cổ. Phía bên kia sông, một ngọn tháp khác cũng được xây dựng mang tên tháp Sen.Tháp này dự tính xây dựng ngay lối ga Gia Lâm. Như tên gọi, bảo tàng mang hình dáng của một bông sen đang hé nở. Cấu trúc của công trình được làm bằng kim loại hoặc bằng kim loại và gỗ, kết hợp công nghệ của tương lai và những nguyên vật liệu truyền thống.

Hiện thực hóa thế nào?

Theo quan điểm của PGS.TS Vũ Thị Vinh, trước mắt, Hội Quy hoạch kiến trúc nên đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải giữ cây cầu Long Biên thành cầu lịch sử, chỉ phục vụ giao thông nhẹ. Nếu Hà Nội tổ chức triển lãm để giới thiệu đề án này trước người dân chắc chắn sẽ có nhiều người ủng hộ. Cũng ủng hộ ý tưởng này, GS.TS Nguyễn Lân, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố cho biết khi còn là Kiến trúc sư trưởng thành phố, đã từng có ý tưởng đưa sông Hồng vào giữa thành phố để dễ sử dụng 2 bên bờ sông.

Lúc đó, nhiều người cho rằng, đó là chuyện không tưởng, và “đừng nghĩ rằng sông Hồng giống như sông Seine của Pháp”. Ý tưởng này rất hay và hoàn toàn làm được nếu như chúng ta nghiên cứu nó một cách nghiêm túc dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của các cấp, các ngành. Cũng đánh giá cao ý tưởng này, PGS.TS Lưu Đức Hải, Cục  trưởng Cục Phát triển đô thị ( Bộ Xây dựng) ủng hộ việc khôi phục 131 vòm để làm phố nghề. Ông cho rằng,  ý tưởng cần phải thực tế, nên cân nhắc việc gì có thể làm được có thể không.

Bay bổng nhưng không phải là không có cơ sở để hiện thực hóa, nhưng để ý tưởng này được triển khai, ngoài sự quyết tâm của các ngành, các cấp, sự đồng thuận của người dân, bên cạnh đó phải giải được “bài toán tài chính”. Muốn dự án này thành hiện thực, ít nhất cần đến vài nghìn tỷ đồng. Trong khi,  đầu tư cho một sản phẩm văn hóa, với số tiền cả nghìn tỷ còn là chuyện xa vời.