Vụ phá đường dây trộm cắp, tiêu thụ phụ tùng ô tô cực lớn:

Ý thức kém, còn mất của

ANTĐ - “Cả 4 khổ chủ bị mất trộm tài sản đêm 20-3, khi trinh sát đi xác minh, gặp gỡ, nhận thấy chẳng ai “buồn” đến cơ quan chức năng trình báo. Bốn chiếc xe ô tô đã được chủ xe mua sắm phụ tùng mới thay thế đồ bị lấy cắp, và họ vẫn vô tư để xe ở nơi không có người trông”, chỉ huy đội CSHS CAQ Hai Bà Trưng không giấu nổi bức xúc.

Hổng… toàn diện

Bộ tứ trộm phụ tùng ô tô

Bộ tứ chuyên trộm phụ tùng ô tô Đào Duy Cường, Nguyễn Hữu Cương, Hoàng Văn Vĩnh và Nguyễn Văn Tuân, quen biết nhau từ những chuyến “đi hoang” ở địa bàn công cộng TP Hà Nội. Ngủ vật vờ ở công viên, bến xe, thi thoảng có tiền nhờ kiếm ăn phi pháp, chúng lại giao lưu ở quán bi-a, quán “nét”. Chỉ thoáng liếc nhìn chúng đã nhận ra “bản chất” của nhau. Di chuyển sống tạm bợ ở nhiều nơi, khoảng đầu tháng 2-2012, Nguyễn Văn Tuân quyết định “triệu tập” 3 tên còn lại, rủ sang khu vực thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh thuê trọ. Địa điểm thuê nhà được Tuân tính toán khá kỹ, hơi xa nội thành để tránh bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện; song lại sẵn phương tiện để có thể “bay” vào nội thành kiếm ăn. Hơn 1 tháng trời ở trọ tại thôn Bầu, bộ tứ trộm cắp này không làm thủ tục khai báo tạm trú mà cũng chẳng hề bị chính quyền cơ sở “hỏi thăm”. Lỗ hổng đầu tiên mà công tác quản lý tạm trú, tạm vắng này đã khiến tội phạm có cơ hội để ẩn náu.

Lỗ hổng thứ hai liên quan đến ý thức, trách nhiệm của chủ tài sản. Trộm cắp phụ tùng ô tô không phải loại tội phạm mới. Đối tượng gây án có thể là “dân” chuyên nghiệp, song cũng có khi chỉ là những kẻ mới “vào nghề” thấy sơ hở thì trộm cắp. Mà sơ hở ở đây đã từng được khuyến cáo nhiều lần: là việc dừng, đỗ xe ở nơi không có người trông giữ. Hãy cùng theo dấu một vài vụ trộm điển hình của nhóm Cường, Cương, Vĩnh, Tuân. Khoảng 22h ngày 20-3, Cường, Vĩnh, Cương gọi xe taxi đi từ thôn Bầu vào nội thành. Đến địa bàn phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, nhóm này xuống xe, đi bộ để tăm tia. Lòng vòng đến khoảng 2h ngày  21-3, chúng đi đến một khu tập thể trên phố Đồng Bát - huyện Từ Liêm và phát hiện 4 xe ô tô để trong sân khu tập thể không có người trông. Lập tức, Cường đứng ngoài cảnh giới, để Cương và Vĩnh trực tiếp vào dùng vam “vặt” toàn bộ logo ốp bánh xe, bộ gạt mưa. Sáng sớm cùng ngày, Cường và Cương gọi tiếp taxi về khu vực chợ Trời tìm cách tiêu thụ. 

Trước đó, khoảng 21h ngày 16-3, Tuân, Cương đi xe buýt từ thôn Bầu sang nội thành. Khoảng 2h ngày 17-3, hai tên phát hiện 1 xe ô tô Vios đỗ ở đầu ngõ 554 đường Xuân Đỉnh không có người trông giữ. Chưa đầy 2 giây, chiếc cần gạt nước và logo của chiếc Vios đã bị “thổi bay”. Trong vòng hơn 1 tiếng sau đó, Tuân và Cương đã “ăn” thêm được phụ tùng của 4 chiếc xe ô tô trên địa bàn Từ Liêm và Tây Hồ. Toàn bộ tang vật lấy được, hai tên mang bán cho Đinh Duy Nhân được 1,7 triệu đồng.

Chính quyền kêu khó (?!)

Trong vô số phụ tùng này, bao nhiêu chủ sở hữu rút ra bài học cảnh giác?

Không thể phủ nhận những nỗ lực của lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng và thành phố thời gian qua, trong việc kiềm chế phức tạp ở khu vực chợ Hòa Bình - chợ Trời - liên quan đến giao dịch mua bán phụ tùng ô tô gian. Tuy nhiên, hoạt động phi pháp này vẫn còn dai dẳng. Chợ Hòa Bình vẫn là nơi mà nhiều chủ xe nghĩ đến, tìm đến, nếu rơi vào tình cảnh bị mất trộm phụ tùng.

Thực tế cho thấy, việc truy xét, bắt giữ được ổ nhóm, đối tượng trộm cắp hay tiêu thụ phụ tùng ô tô gian là hết sức khó khăn. Và nghịch lý trong xử lý, phòng ngừa loại tội phạm này, đó là chúng ta đang dừng ở việc bắt giữ đối tượng; và bỏ ngỏ, không phát huy được hiệu quả trong công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân hay kiểm soát hoạt động kinh doanh phụ tùng ô tô ở những “điểm nóng”. Chợ Hòa Bình nói riêng, cách đây 1 năm, đã có những bản cam kết được chính quyền cơ sở, ban quản lý chợ ký với các hộ kinh doanh, trong đó nhấn mạnh nội dung không tiếp tay cho tội phạm trộm cắp phụ tùng ô tô, không mua đồ gian. Thế nhưng khi đặt câu hỏi với cán bộ cơ sở phường Phố Huế sau vụ bộ tứ trộm phụ tùng ô tô bị lực lượng CSHS CAQ Hai Bà Trưng bắt giữ, rằng: “tại sao trong thời gian dài hình thành tụ điểm mua bán phụ tùng ô tô gian trong chợ mà chính quyền cơ sở không biết?”; PV ANTĐ nhận được hồi âm: “Chợ có đến 3.000 hộ kinh doanh, việc quản lý hay nắm bắt hiện tượng kinh doanh bất minh tương đối khó (?!)”.

Chính quyền cơ sở không nắm bắt được, trong khi các chủ xe - bị hại - khi tìm đến “điểm nóng” vẫn mua được phụ tùng bị đánh cắp; thậm chí, còn mua được đúng phụ tùng của xe mình. Điều này chứng tỏ, ở nhiều địa bàn, những cam kết phòng ngừa tội phạm trộm cắp, tiêu thụ phụ tùng ô tô mới chỉ nặng về hình thức. Nên dễ hiểu vì sao, loại tội phạm này cứ mãi dai dẳng tồn tại, nhức nhối.