Ý kiến trái chiều vụ xe Captiva rơi khỏi đường vành đai 3 khiến tài xế tử vong

ANTĐ -Liên quan đến vụ việc, sáng sớm ngày 25/7, một tài xế lái xe ô tô Captiva rơi từ đường vành đai 3 trên cao thuộc địa bàn quận Hoàng Mai xuống dưới đường tử vong, nhiều ý kiến cho rằng, do lái xe không làm chủ nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, thiết kế cầu chưa hợp lý. 

Bạn đọc Vũ Văn Quang cho rằng, lỗi của người thiết kế và thi công là 60% còn lỗi của người lái xe là 40%... Xe lọt xuống dưới đường gầm cầu gây chết người thì thiết kế và thi công không thể bào chữa được. Ngay cả khi việc đã làm rào chắn ở đoạn cầu này thì cũng phải có phần đuôi kéo dài ra tiếp theo sau đó, chứ không thể cụt ngủn vuông góc ngay lập tức như vậy.

Cũng theo độc giả này, thì anh thường xuyên chạy trên các tuyến đường cao tốc ở nhiều nước, nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp thiết kế góc đường vuông góc ngay lập tức như thế. "Dù tài xế tử vong, nhưng vẫn còn may, thời điểm chiếc xe lao xuống đường dưới không có phương tiện qua lại, không thì lại có thêm người chết oan"- anh Quang nhận định.

Nhiều ý kiến trái chiều của bạn đọc về thiết kế tuyến đường vành đai 3 trên cao, sau vụ việc xe Captiva rơi vào sáng 25/7

Tương tự, bạn đọc Trần Toản ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, với đường cao tốc, phần lan can phải làm dọc theo hướng xe chạy chứ không vuông góc như thế này. “Đề nghị phải sửa chữa, hoặc khắc phục ngay để đảm bảo an toàn cho các phương tiện, đặc biệt những xe đi vào ban đêm”,  anh Toản kiến nghị.

Tuy vậy, cũng không ít bạn đọc bày tỏ, lỗi do lái xe có thể đã sử dụng rượu bia nên không làm chủ được tay lái, lao xuống chứ không phải do đường. Bởi, tuyến đường này đưa vào lưu thông đã lâu nhưng đến nay mới có trường hợp hy hữu như thế này.

Anh Khuất Hữu Nguyên, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ: “Phải trách người lái xe trước, chỉ có trường hợp anh chạy xe tốc độ cao trong trạng thái không được tỉnh táo, không làm chủ được tay lái nên mới xảy ra tình trạng như vậy. Không thể cho rằng thiết kế tuyến đường có vấn đề  với những trường hợp như thế này”.  

Còn anh Trần Hữu Tuyến ở Mỹ Đình 1, quận Nam  Từ Liêm cho rằng, tuyến đường được thiết kế bởi tư vấn Nhật Bản, nhiều đoạn do nhà thầu Nhật Bản thực tiếp thi công, không thể nói rằng do thiết kế đường lỗi. Lỗi đầu tiên do lái xe.

Trao đổi về những tranh cãi này, lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long- chủ đầu tư dự án đường vành đai 3 trên cao) cho biết, khi xây cầu đã tính đến các phương án thi công đảm bảo an toàn, trong có cách làm giật cấp, làm chéo và làm như hiện nay. Tuy nhiên để đảm bảo nhiều yếu tố thi công, an toàn, nhà thầu Nhật Bản lúc đó đã tư vấn làm theo phương án hiện tại.

Cũng theo PMU Thăng Long, đoạn đường trên cao này được thiết kế hẫng 1 nhịp dầm như hiện tại bởi nó liên quan tới yếu tố hình học của tuyến đường. Thiết kế đoạn mở rộng này dành cho nhánh từ dưới đi lên cầu theo đường cong. Tới đoạn đó thì cắt độ rộng.

Do dầm cầu không thể làm chéo nên đã tính toán khoảng cách đoạn đường dẫn và nhập làn, vì vậy tuyến đường có đoạn rộng đoạn hẹp. Mặt đường đã được tính toán đủ làn đường theo vạch cong của tuyến và phần kẻ vạch sơn chéo, không cho phép xe đi vào.

Đại diện PMU Thăng Long đánh giá, tai nạn rạng sáng 25/7 là “rất hy hữu và đáng tiếc, không ai mong muốn. Nếu tài xế bình tĩnh, tỉnh táo và đi chậm có lẽ không xảy ra vụ việc đau lòng”.

Theo chủ đầu tư dự án, cầu cạn đưa vào sử dụng từ năm 2010, đã bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội. 6 năm qua, tại đoạn này chưa từng xảy ra bất kỳ vụ việc nào tương tự.