Ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Khi toàn văn Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được công bố để lấy ý kiến góp ý, các tầng lớp nhân dân cả nước đã tham gia đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào Dự thảo Văn kiện. Báo An ninh Thủ đô trân trọng tiếp tục đăng tải ý kiến của các đại biểu Quốc hội đóng góp vào Văn kiện.

Văn hóa cần được và cần phải phát triển, bởi vai trò quan trọng của nó trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lam Thanh

Văn hóa cần được và cần phải phát triển, bởi vai trò quan trọng của nó trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lam Thanh

Cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho văn hóa

Tôi hoàn toàn nhất trí với mục tiêu đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như Dự thảo báo cáo chính trị đã nêu. Song tôi cho rằng, thời gian qua, chúng ta vẫn chưa quan tâm đến văn hóa, chưa coi trọng đầu tư phát triển văn hóa như phát triển kinh tế. Do vậy, cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, không chỉ đầu tư về ngân sách mà phải đầu tư về nhận thức, về con người, về quản lý Nhà nước.

Chúng ta xây dựng, ban hành nhiều quy định pháp luật rất cụ thể nhưng các cơ quan chính quyền, đơn vị vẫn không tổ chức thực hiện tốt, nghiêm minh, yếu trong khâu tuân thủ pháp luật. Nếu chú trọng xây dựng pháp luật mà không tăng cường áp dụng, thực thi pháp luật thì rất khó để đạt mục tiêu xây dựng thể chế tốt.

Bên cạnh đó, lâu nay là chúng ta có những nghị quyết, chính sách hay nhưng lại không bố trí đủ nguồn lực, thiếu nguồn lực để thực hiện. Trước nguy cơ tụt hậu về kinh tế chúng ta cần phân bổ hiệu quả và sử dụng hợp lý hệ thống nguồn lực quốc gia.

Về vấn đề xây dựng Đảng, cần tiếp tục chú trọng thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt. Việc thực hiện thời gian tới cần tốt hơn, thực chất hơn, bởi ở đâu đó vẫn chưa thực sự quan tâm; có cán bộ, đảng viên chưa thực sự nêu gương…

Đại biểu Phan Viết Lượng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước)

Bảo vệ sức khỏe nhân dân là quan trọng nhất

Văn kiện đại hội Đảng đã được Ban soạn thảo chuẩn bị công phu, đánh giá toàn diện mọi mặt đất nước, liều lượng thỏa đáng về công việc xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Những Văn kiện này đã đánh giá đúng về thành quả phát triển xây dựng đất nước, của 35 năm đổi mới đem đến cho Việt Nam thành công về mọi mặt, một lần nữa khẳng định câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hôm nay”.

Theo tôi, điều quan trọng là làm sao để chuyển vị thế, uy tín thành động lực của sự phát triển trong giai đoạn tới. Qua các văn kiện, chúng tôi thấy rõ hơn chiến lược dài hạn không chỉ trong 5 năm (2021-2025) mà còn cho tầm nhìn đến năm 2030, 2045 (100 năm thành lập nước), thấy được khát vọng đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao. Với khát vọng, trí tuệ của người dân, giới trẻ hiện nay tiếp nhận công nghệ 4.0, tôi tin rằng những mục tiêu đặt ra là khả thi, vấn đề là triển khai hành động.

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Dự thảo nêu ra khá đầy đủ, song trong bối cảnh dịch Covid-19, theo tôi, bảo vệ sức khỏe nhân dân là quan trọng nhất, không chỉ trong dịch bệnh mà còn trong biến đổi khí hậu. Do đó, phải tăng đầu tư cho y tế, bố trí lại cư dân ở khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, mưa bão.

Trong 3 đột phá chiến lược (về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực), tôi có ý kiến đóng góp về thể chế, đó là phải đột phá về tư duy, cách làm thể chế. Bởi trong các điểm nghẽn, thể chế vẫn là điểm cần đột phá trong tư duy.

Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều luật, sửa nhiều luật nên tính ổn định của hệ thống luật pháp còn yếu kém. Việc soạn thảo luật được giao cho các cơ quan Chính phủ. Với vai trò cơ quan lập pháp, Quốc hội phải đảm nhận vai trò này. Đại biểu Quốc hội phải là người biết tiếp cận vấn đề pháp sinh thực tế, doanh nghiệp, người dân để thấy cần thiết ban hành các quy định phù hợp với cuộc sống và đại biểu là đại biểu của nhân dân. Để làm được điều này cần đảm bảo số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40%, từ đó đảm bảo việc làm luật, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Đột phá tiếp theo là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong dự thảo báo cáo có đưa ra giải pháp là “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…”. Theo tôi, giải pháp căn cơ là phải đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục, đủ sức hội nhập với quốc tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM)

Có cơ chế để bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm

Qua nghiên cứu dự thảo văn kiện góp ý vào báo cáo chính trị Đại hội Đảng khóa XIII, có 2 vấn đề mới tôi rất tâm đắc. Nếu như ở Đại hội trước chúng ta chỉ mới nói đến “xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh”, nhưng lần này chúng ta đưa thêm cả “hệ thống chính trị”. Điều này có nghĩa là Đảng đã rất coi trọng xây dựng “kiềng 3 chân”, là xây dựng Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc.

Thứ hai, trong nội dung về phương hướng có một vấn đề mới đó là cơ chế để bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đột phá vì lợi ích chung… đồng thời có cơ chế xử lý nghiêm. Khi thêm câu này vào văn kiện, Đảng đã nhìn thấy rõ những mặt còn thiếu, còn yếu để khắc phục trong nhiệm kỳ tới.

Ngoài ra, trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần này có đưa việc “nêu gương” phải thực sự trở thành nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Câu này mới hơn so với văn kiện Đại hội trước. Tôi kỳ vọng đây sẽ đột phá và là trọng tâm then chốt.

Tuy vậy, cần tiếp tục hoàn hiện thể chế trong công tác cán bộ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Việc tổ chức thực hiện phải có cơ chế rõ ràng, bởi từng nơi, từng vùng và từng lĩnh vực có sự khác nhau.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM)