Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong mắt bạn bè quốc tế (2):

Ý chí thép khuất phục quân đội Mỹ

ANTĐ - Tháng 6 năm 1965, Mỹ huỷ bỏ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và quyết định đưa quân đội Hoa Kỳ sang trực tiếp tham chiến, đồng thời chia Việt Nam thành 2 chiến trường: “Nam càn quét, Bắc oanh tạc” và tiến hành song song 2 cuộc chiến tranh: “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và “Chiến tranh phá hoại” ở miền Bắc.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân 3 nước Đông Dương vào danh sách 100 cuộc chiến có ảnh hưởng lớn trên thế giới.

Xem phần 1: Cuộc chiến tranh "thần thánh" gây chấn động thế giới

Tại chiến trường miền Bắc, đầu tiên không quân Mỹ chỉ tiến hành ném bom từ vĩ tuyến 20 trở về Nam, đến ngày 02/03/1965, Mỹ đã mở chiến dịch không kích mang mật danh “Sấm rền” (Rolling Thunder) kéo dài 3 năm 8 tháng, leo thang ném bom đánh phá miền Bắc trên quy mô lớn. Đến tháng 5/1965 bắt đầu mở rộng phạm vi đánh phá vào các tuyến giao thông ở phía bắc và khu vực biên giới Việt - Trung, đến cuối tháng 6/1966, Hoa Kỳ đã leo thang tiến hành oanh tạc quy mô lớn trên diện rộng vào tất cả các nhà máy, xí nghiệp; khu dân cư; trường học; sân bay, công trình thủy lợi, đường sắt, đường bộ trên toàn lãnh thổ miền Bắc Việt Nam.

Cường độ và quy mô các cuộc không kích ngày càng ác liệt, mỗi ngày hàng chục đợt, cao điểm có ngày 750 đợt. Trong suốt thời gian ném bom từ tháng 2/1965 đến tháng 11/1968, Mỹ đã huy động 108.000 lượt máy bay với tổng số 2,58 triệu tấn bom đạn đánh phá miền Bắc.

B-52 ném bom rải thảm trên chiến trường Việt Nam

Để chống lại chiến lược ném bom điên cuồng của Mỹ, Hà Nội đã tổ chức trận địa phòng không nhân dân 3 thứ quân, xây dựng các hầm hào, công sự phòng không, phân tán các vũ khí hạng nặng và vật tư chiến lược, nhanh chóng thay đổi trận địa hoặc dựng lên các trận địa giả để đánh lừa địch, còn lực lượng không quân tác chiến cơ động, chớp thời cơ để xuất kích.

Trong cuộc chiến chống tập kích đường không kéo dài hơn 3 năm, lực lượng phòng không Bắc Việt đã bắn rơi và bắn hỏng 3300 máy bay Mỹ, gây thiệt hại nặng nề cho không quân Hoa Kỳ, buộc tổng thống Mỹ phải tuyên bố chấm dứt kế hoạch ném bom bắc Việt lần thứ nhất vào tháng 11/1968.

Con đường Trường Sơn huyền thoại đã đưa hàng vạn chuyến xe vào Nam

Sau khi Richard Nixon trúng cử Tổng thống Mỹ tháng 1/1969, Mỹ đã quyết định sẽ rút quân khỏi miền nam Việt Nam, những họ vẫn băn khoăn không biết lựa chọn con đường nào để rút lui trong danh dự? Hoa Kỳ đã quyết định triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” hay còn gọi là “Thay màu da cho xác chết”, đồng thời xúi giục bè lũ Lon Nol tiến hành chính biến ở Campuchia. Đến ngày 30/04, mượn cớ đập tan “tuyến cung cấp” và “chỗ đứng chân” của “Việt Cộng” trên lãnh thổ Campuchia, Mỹ đã điều hơn 100.000 quân tràn sang Campuchia, chính thức mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn bán đảo Đông Dương. Trước đó, vào năm 1964, Mỹ cũng đã tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đối với Lào, từ đó đã thổi bùng lên ngọn lửa kháng Mỹ, cứu nước của nhân dân các bộ tộc Lào. Như vậy, nhân dân 3 nước Đông Dương đã chính thức bước vào cuộc chiến trường kỳ và gian khổ chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ.

Bộ đội Việt Nam tiến công trên mặt trận đường 9 Nam Lào,
đập tan hoàn toàn âm mưu của Mỹ ngụy chặt đứt đường mòn Hồ Chí Minh

Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, cánh đồng Chum là nơi chịu nhiều bom đạn nhất nước Lào. 10 năm không quân Mỹ liên tục oanh tạc Xiêng Khoảng, hòng tiêu diệt lực lượng Pathet Lào và ngăn chặn hậu cần của miền Bắc tiếp tế vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh. Với con số 580.344 phi vụ, trung bình 8 phút/phi vụ, 24/24 giờ trong ngày, từ 1964-1973, khối lượng bom Mỹ rải xuống nơi này đủ để mỗi người dân chịu 350 tấn bom.

Đầu tháng 2 năm 1971, để chia cắt sự liên hệ của lực lượng vũ trang 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia; đồng thời chặt đứt huyết mạch vận chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh, Mỹ đã điều động 30.000 quân ngụy và 15.000 lính Mỹ mở “Chiến dịch đường 9 - nam Lào”, lấy đường 9 làm trục chính, chia làm 3 mũi tấn công vào khu vực phía nam Lào. Các lực lượng vũ trang Việt, Lào đã huy động 5 vạn người, sử dụng chiến thuật “thọc sâu, chia cắt; đợi thời cơ diệt địch”, tiến công quân Ngụy và quân Mỹ trên lãnh thổ cả 2 nước Việt - Lào. Trong chiến dịch kéo dài 43 ngày đêm này, Mỹ ngụy đã bị tổn thất nặng nề, tổng cộng 21.000 người chết và bị thương, bị bắn rơi và bắn hỏng hơn 500 máy bay, mất quyền chủ động trên chiến trường.

Tháng 4-1972, Tổng thống Mỹ đã quyết định khôi phục lại các cuộc ném bom đánh phá miền bắc Việt Nam. Bắt đầu từ tháng 5, Hoa Kỳ đã triển khai kế hoạch Linebacker, bao gồm 2 giai đoạn: Chiến dịch Linebacker I diễn ra từ tháng 5-10/1972, chiến dịch Linebacker II diễn ra từ 18-30/12/1972. Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 đánh phá ác liệt Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên nhằm ngăn chặn viện trợ của khối XHCN cho Bắc Việt và cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam với ý định “biến Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá” hòng đè bẹp ý chí chiến đấu và niềm tin của nhân dân Việt Nam vào cuộc kháng chiến; buộc Việt Nam phải ngồi vào bàn đàm phán của Hội nghị Paris với tư thế cúi đầu. 

B-52 phơi xác trên đường phố Hà Nội

Nhân dân và các lực lượng vũ trang miền Bắc Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, làm phá sản âm mưu của Mỹ, kết thúc chiến dịch Linebacker I, trong khoảng thời gian hơn 5 tháng họ đã bắn hạ trên 600 máy bay Mỹ. Đến chiến dịch Linebacker II, Mỹ đã huy động gần 200 máy bay B-52 (một nửa số máy bay B-52 hiện có) và hơn 1000 máy bay chiến thuật cùng hàng trăm máy bay trinh sát, gây nhiễu, tiếp dầu, liên lạc… nhưng cũng đã thất bại thảm hại. Sau 12 ngày đêm không kích, Mỹ đã mất 81 máy bay các loại trong đó có 34 chiếc B-52, chiếm 17,6% tổng số B-52 được huy động, mà chuẩn thiệt hại cho phép trong không kích của Mỹ không quá 2%.

Tên lửa SAM-2 của Việt Nam đã bắt siêu pháo đài bay B-52 phải đền tội

Chiến thắng lịch sử này của nhân dân kiền Bắc Việt Nam được ví như trận “Điện Biên Phủ trên không” đã đập tan uy thế bách chiến, bách thắng của không lực Hoa Kỳ, buộc Mỹ phải ký vào hiệp định đình chiến tại Hội nghị Paris ngày 27/01/1973, rút hết quân về nước, mở ra bước ngoặt lịch sử cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân 3 nước Đông Dương. Sau đó, nhân dân 3 nước anh em tiếp tục chiến đấu giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, đánh dấu bằng sự sụp đổ của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn ngày 30/04/1975.

Nhân dân 3 nước Đông Dương giành được thắng lợi chủ yếu do họ tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa nên đã nhận được sự ủng hộ và chi viện của nhân dân thế giới; triển khai chiến tranh nhân dân với sức mạnh tổng hợp của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội đặc công và dân quân, du kích; vận dụng tổng hợp các phương án chiến thuật, sử dụng đa dạng các hình thức tác chiến; xây dựng thế trận phòng không toàn dân, bảo vệ các tuyến đường giao thông huyết mạch; kết hợp hoàn hảo đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao.

Những người lính vẫn luôn lạc quan yêu đời trước sự sống và cái chết. 

Ai có thể thắng được họ? 

Có thể nói, trước khi xâm lược Việt Nam, Lào và Campuchia, quân đội Mỹ là vô địch, thảm bại trong cuộc chiến Đông Dương là thất bại đau đớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, có ảnh hưởng tiêu cực lâu dài nhất đến kinh tế, chính trị - xã hội của Hoa Kỳ. Thất bại của họ cũng là sự khởi đầu một chương mới của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thế giới.