Xung quanh vụ Facebook và Instagram bị sập

ANTĐ - Trên mạng đã lan truyền nhiều thông tin nói rằng một cơn siêu bão tuyết ở bờ đông nước Mĩ có thể đã tàn phá máy chủ của Facebook. Cơn bão tuyết rất lớn này dự kiến sẽ phủ một lớp tuyết dày khoảng 1 mét tại nhiều khu vực ở New York, Massachusetts, Rhode Island, New Jersey và Connecticut, nơi đặt các máy chủ quan trọng của Facebook.

Sau khi bị sập khoảng 50 phút, đến 14h10, Facebook tại Việt Nam đã hoạt động trở lại bình thường. Tuy nhiên, một số thành viên cho biết tốc độ truy cập chập chờn, chưa thực sự ổn định.

Tại Việt Nam, lượng người dùng Facebook hiện ước tính có khoảng 25 triệu người. Chính vì thế, việc Facebook bị gián đoạn truy cập đã có tác động mạnh đến cộng đồng rộng lớn này.

Ngay lập tức trên mạng đã lan truyền nhiều thông tin nói rằng một cơn siêu bão tuyết ở bờ đông nước Mĩ có thể đã tàn phá máy chủ của Facebook. Cơn bão tuyết rất lớn này dự kiến sẽ phủ một lớp tuyết dày khoảng 1 mét tại nhiều khu vực ở New York, Massachusetts, Rhode Island, New Jersey và Connecticut, nơi đặt các máy chủ quan trọng của Facebook. Tuy nhiên, trụ sở của Facebook đặt tại Menlo Park, California - một khu vực không bị ảnh hưởng bởi cơn bão tuyết. 

Trả lời BBC News, một người phát ngôn của Facebook nói:"Đầu giờ tối nay [giờ địa phương] nhiều người đã gặp khó khăn khi truy cập Facebook và Instagram. Đây không phải là kết quả của một vụ tấn công từ bên thứ ba, mà chỉ xảy ra sau khi chúng tôi đưa vào một thay đổi làm ảnh hưởng đến hệ thống cấu hình của chúng tôi. Chúng tôi đã hành động nhanh chóng để khắc phục vấn đề và cả hai dịch vụ Facebook và Instagram đã trở lại hoạt động 100% bình thường với mọi người".

Trước đó, nhóm hacker Lizard Squad đã đăng trên Twitter nhận trách nhiệm khiến Facebook và Instagram tê liệt. Nhóm này đã từng tham gia các cuộc tấn công trực tuyến trước đây như vụ tấn công PlayStation Network của Sony và mạng Xbox Live của Microsoft vào tháng trước. Hôm qua, chính nhóm này tuyên bố đã tấn công website của Malaysia Airlines, để lại dòng chữ '404 Plane Not Found'. 

Theo ICTNews, Trưởng phòng Nghiên cứu An ninh mạng, Công ty Bkav, ông Nguyễn Hồng Sơn đưa ra nhận định, hiện tượng gián đoạn dịch vụ trong 50 phút vừa qua của mạng xã hội Facebook khá giống với biểu hiện của một vụ tấn công DDoS. “Đặc điểm thường thấy của một vụ tấn công DDoS là người dùng không thể sử dụng được dịch vụ trong một khoảng thời gian dài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng gián đoạn dịch vụ. Thông thường nhà cung cấp sẽ khắc phục nhanh lỗi gián đoạn dịch vụ để giảm thiểu ảnh hưởng đến người dùng. Tuy nhiên, nếu bị tấn công DDoS thì nhà cung cấp sẽ khó khăn hơn và mất nhiều thời gian hơn để khắc phục sự cố”, đại diện Bkav phân tích.