Xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Bộ VHTT&DL "gỡ rối"

ANTĐ- Liên quan đến số phận Hãng phim truyện Việt Nam “hậu” cổ phần hóa khi chủ sở hữu mới là một đơn vị không liên quan gì đến việc sản xuất hay phát hành phim ảnh, chiều 5-5 Bộ VHTT&DL đã có cuộc gặp gỡ báo giới để chính thức lên tiếng giải tỏa những thắc mắc và nghi ngại xung quanh vấn đề này.

Nhà nước lẽ ra nắm 0% cổ phần

Theo đạo diễn NSƯT Vương Đức – giám đốc cuối cùng của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) thì không phải đến bây giờ việc cổ phần hóa Hãng mới được đặt ra, mà thực chất việc này đã diễn ra từ cách đây 7-8 năm. Thậm chí khi đó, Hãng từng tổ chức đại hội công nhân viên chức bất thường để xin ý kiến về việc này và 100% cánh tay đã giơ lên thể hiện sự đồng tình.

Điều này cũng có nghĩa bản thân cán bộ và nghệ sĩ hoạt động trong Hãng cũng xác định được cổ phần hóa là con đường đi tất yếu khi mà suốt nhiều năm qua, Hãng gần như “sống” lay lắt và chủ yếu làm phim do Nhà nước đặt hàng.

Xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Bộ VHTT&DL "gỡ rối" ảnh 1

 Đạo diễn NSƯT Vương Đức thừa nhận cổ phần hóa là con đường đi tất yếu của VFS

Tuy nhiên lý do của những xôn xao bàn tán khi Hãng tìm được nhà đầu tư chiến lược để xúc tiến việc cổ phần sau gần chục năm chậm trễ thật ra cũng bởi nhà đầu tư là Tổng công ty vận tải đường thủy (VIVASO) – đơn vị chẳng liên quan gì tới điện ảnh và họ chỉ phải bỏ ra 32,5 tỷ đồng đã có thể nắm giữ 65% cổ phần trong Hãng. Số cổ phần còn lại được chia theo phương án: 20% do Nhà nước nắm giữ; 4,5% do cán bộ, công nhân viên nắm giữ; đấu giá công khai 10,5%. 

Về điều này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, lẽ ra sau khi cổ phần hóa VFS, Nhà nước sẽ chỉ nắm 1-2% cổ phần hoặc không nắm giữ % nào. Sở dĩ vậy bởi theo Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước có cổ phần hóa thì Nhà nước không cần nắm cổ phần đối với loại hình doanh nghiệp về điện ảnh, chỉ nắm cổ phần một số doanh nghiệp đặc thù như Hãng phim Hoạt hình và Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương.

Tuy nhiên Bộ VHTT&DL xem xét thấy VFS có bề dày lịch sử 56 năm, là cây đại thụ trong làng điện ảnh Việt với rất nhiều tác phẩm kinh điển nên đã quyết định Nhà nước sẽ nắm giữ 20% cổ phần. Đại diện Bộ VHTT&DL cũng thừa nhận suốt một quá trình dài vừa qua, VFS lỗ vì nhiều nguyên do, lại chủ yếu trông chờ vào phim do Nhà nước đặt hàng.

Nắm rõ tình hình này nên nhiều năm nay Cục Điện ảnh, Bộ VHTT&DL mỗi năm đều cố tình đưa 1-2 phim đặt hàng về cho Hãng để Hãng có tiền nuôi sống bộ máy. Tuy nhiên sắp tới sẽ có quy chế mới về việc phim đặt hàng cũng phải đấu thầu, mà như thế thì rất khó cho VFS và nếu cứ tiếp tục thua lỗ thì sẽ đến lúc Hãng phải tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật. 

Không “bán rẻ” Hãng phim truyện Việt Nam 

Về con số 32,5 tỷ mà dư luận băn khoăn, được biết VFS đã thuê một đơn vị tư vấn có trong danh mục của Bộ Tài chính để xác định giá trị Hãng, mà Hãng thì dù có thương hiệu nhưng lại không có lợi thế kinh doanh, nói cách khác là thua lỗ. Trong đó, kho tài sản bản sao hơn 300 phim đã cũ cũng được đem ra định giá theo tiêu chí nguyên vật liệu vào khoảng 3 tỷ đồng. 

Trước thắc mắc về việc liệu số tiền 32,5 tỷ đồng mà VIVASO bỏ ra để trở thành chủ sở hữu của VFS có quá rẻ không khi mà các khu đất mà VFS đang sử dụng ước tính có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết theo Nghị định 59 của Chính phủ thì quá trình xác định giá trị doanh nghiệp sẽ không được tính tiền đất bởi quyền sở hữu đất không thuộc Hãng mà thuộc về Nhà nước, Hãng chỉ thuê để sử dụng.

Xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Bộ VHTT&DL "gỡ rối" ảnh 2

 Hãng phim truyện Việt Nam sau khi CP hóa sẽ có chủ sở hữu mới và đổi tên thành Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện  Việt Nam

Đại diện Bộ VHTT&DL cũng chia sẻ khu đất tại số 4 Thụy Khuê mà VFS đang thuê thuộc quy hoạch khu chính trị Ba Đình chưa được phép xây dựng mà chỉ có thể sửa chữa nâng cấp nên nói VIVASO “mua” VFS chỉ vì mảnh đất “vàng” này là không có căn cứ. Cũng theo đại diện Bộ VHTT&DL thì VIVASO sẽ phải tuân thủ nhiều cam kết sau khi cổ phần hóa VFS, trong đó có cam kết sử dụng đúng mục đích để phục vụ việc sản xuất phim. Nếu không làm đúng cam kết này, VIVASO sẽ phải bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật và Bộ VHTT&DL sẽ có ý kiến với UBND TP Hà Nội để thu hồi lại khu đất này

Chỉ có một nhà đầu tư mặn mà

Trước thông tin việc tìm nhà đầu tư để xúc tiến cổ phẩn hóa VFS diễn ra trong thời gian gấp gáp, ít người biết nên chỉ có 1 đơn vị duy nhất ứng tuyển, ông Trần Hoàng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết trước khi quá trình cổ phần hóa diễn ra, cơ quan chức năng đã gặp gỡ và phổ biến tới tất cả cán bộ nhân viên của VFS về việc ai biết nhà đầu tư chiến lược nào thì giới thiệu. Thông tin về việc tìm kiếm nhà đầu tư đã được đăng báo rộng rãi, dán trên bảng thông báo tại VFS và cũng được đơn vị tư vấn cổ phần hóa do Bộ Tài chính lựa chọn đăng tải trên trang web của mình.

Xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Bộ VHTT&DL "gỡ rối" ảnh 3

 Cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều năm qua Hãng phim truyện Việt Nam rơi vào cảnh sống leo lắt vì thua lỗ

Cũng theo đại diện Vụ Kế hoạch, Tài chính thì trước VIVASO đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến việc cổ phần hóa VFS nhưng sau khi tìm hiểu thì đã bỏ đi không phản hồi. Trong khi theo Luật doanh nghiệp hiện hành, Nhà nước không thể tiếp tục tài trợ cho các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên việc cổ phần VFS đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. 

Việc VIVASO – một doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy mua VFS với việc nắm giữ 65% cố phần, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết Luật Doanh nghiệp hiện hành cho phép doanh nghiệp có quyền kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm nên việc VIVASO kinh doanh lĩnh vực sản xuất phim ảnh là hoàn toàn hợp pháp. Đơn vị này cũng không nhất thiết phải trực tiếp làm phim mà có thể thuê người quản lý và các chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực này.

Sau khi cổ phần hóa, VFS sẽ được đổi tên thành Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Mặc dù VIVASO nắm phần lớn cổ phiếu nhưng Nhà nước vẫn sẽ có 3 người đại diện tham gia vào các vị trí lãnh đạo gồm: thành viên Hội đồng quản trị, ban Tổng Giám đốc và ban kiểm soát.