Xung quanh ồn ào phim “Vị” không được cấp phép ra rạp: Ai để rò rỉ hình ảnh phim ra ngoài?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ồn ào liên quan đến bộ phim điện ảnh “Vị” (tên tiếng Anh “Taste”) chưa khép lại khi mới đây trên mạng xã hội rò rỉ một số hình ảnh được cho là phản cảm trích ra từ bộ phim này. Đáng nói, trong khi phía nhà sản xuất “Vị” chưa lên tiếng gì về việc này thì không ít người đã tức thì “ném đá” Hội đồng thẩm định và phân loại phim- Bộ VHTT&DL.

Đầu tiên phải nói đến các bức ảnh rò rỉ kể trên của “Vị”. Rất nhanh sau khi được chia sẻ bởi một nguồn nào đó trên mạng xã hội, những hình ảnh này đã biến mất. Dựa trên hai tấm ảnh hiện vẫn đang được một tài khoản Facebook đăng tải (đã làm mờ, bôi xóa những bộ phận nhaỵ cảm), có thể diễn tả nôm na nội dung hai bức ảnh này rằng: ba người phụ nữ cao tuổi không mặc gì khoanh chân ngồi quây lại với nhau ăn cơm ở dưới đất, rồi lại bó gối ngồi quây lại với nhau xem tivi ở trên giường.

Hình ảnh các nhân vật "trần truồng" sinh hoạt trong "Vị"

Hình ảnh các nhân vật "trần truồng" sinh hoạt trong "Vị"

Thật ra những hình ảnh này cũng không có gì quá “sốc” so với tấm poster bộ phim này hiện vẫn đang lưu hành trên một số trang tin và mạng xã hội – một người đàn ông da đen và ba người phụ nữ già ngồi bệt dưới đất ăn cơm, tất cả cũng đều không mặc gì. Tấm poster khiến không ít người đỏ mặt và tạo ra cả “núi” ý kiến tranh luận trái chiều. Song tạm gác lại những tranh luận đúng – sai, chấp nhận – không chấp nhận, nhân văn – không nhân văn, nghệ thuật – phi nghệ thuật… thì điều đáng ngạc nhiên là ngay khi những bức ảnh trên được phát tán trên mạng xã hội thì lập tức “tội” được quy cho Hội đồng thẩm định và phân loại phim Việt Nam, Bộ VHTT&DL (còn gọi là Hội đồng duyệt phim quốc gia). Lý do là bởi phía trên các bức ảnh rò rỉ này có ghi dòng chữ “Vietnam Cinema Department" (dịch ra là Cục Điện ảnh Việt Nam).

“Trên hình có watermark (đóng dấu) Cục Điện ảnh, tức là được leak (rò rỉ) ra từ buổi chiếu phim của hội đồng duyệt.” – ý kiến quả quyết từ một người được giới thiệu là nhà văn, nhà biên kịch dẫn dắt cuộc tọa đàm trực tuyến gần đây có nội dung góp ý sửa đổi Luật điện ảnh Việt Nam. Cuộc tòa quy tụ một số nhà làm phim độc lập, đại diện quỹ điện ảnh quốc tế… Người này còn củng cố thêm nhận định của mình với việc chỉ đích danh rằng: “người đi xem buổi duyệt phim không được chụp ảnh, quay phim, mà rốt cuộc vẫn có hình ‘leak’ ra bên ngoài để “cười hí há với nhau” và một trong số đó lại chính là một người trong hội đồng duyệt.

Lạ ở chỗ, trong khi phía đơn vị sản xuất “Vị” chưa đưa ra bất cứ chia sẻ hay phản hồi nào về việc này thì một số người trong giới làm phim được cho là không liên quan đến việc sản xuất “Vị” (trên danh nghĩa) lại không ngớt than phiền, chỉ trích, bày tỏ bức xúc, thậm chí “mắng mỏ” hội đồng duyệt phim không thương tiếc.

Cục trưởng Cục Điện ảnh - Vi Kiến Thành

Cục trưởng Cục Điện ảnh - Vi Kiến Thành

Trước sự chỉ trích gay gắt này, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh đã lên tiếng khẳng định những hình ảnh rò rỉ đó không phải từ phía Cục hay hội đồng duyệt phim. Người đứng đầu ngành điện ảnh cho biết, bản phim do đơn vị sản xuất “Vị” gửi tới Cục để thẩm định và xin cấp phép hoàn toàn không có dòng chữ nào ở góc bên phải màn hình như trên. Đặc biệt, sau khi bản phim được trình chiếu trước Hội đồng duyệt phim, hội đồng tư vấn để xem xét thẩm định và không được cấp phép thì hiện tại chỉ có nhà sản xuất “Vị” mới có quyền mở khóa xem phim chứ không có bất kỳ ai làm được việc đó.

Cục trưởng Cục Điện ảnh nói thêm, không chỉ riêng “Vị” mà tất cả các bản phim gửi đến Cục để hội đồng thẩm định và phân loại xem xét cấp phép đều không bao giờ có dòng chữ nào “bắn” lên phim kiểu “Vietnam Cinema Department” cả. Vì vậy không ngoại trừ khả năng có ai đã làm việc này với ý đồ gì đó. Chưa kể, các bức ảnh về phim “Vị” rò rỉ trên mạng cho thấy không phải là ảnh được chụp từ buổi xem phim để thẩm định của hội đồng duyệt phim quốc gia.

GS.TS Trần Thanh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng duyệt phim Quốc gia

GS.TS Trần Thanh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng duyệt phim Quốc gia

Liên quan đến những ì xèo trên, GS.TS Trần Thanh Hiệp – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia cũng khẳng định không có chuyện những hình ảnh rò rỉ của phim “Vị” trên mạng xã hội là từ buổi xem để thẩm định, phân loại bộ phim này. GS.TS Trần Thanh Hiệp cho biết, bản phim “Vị” gửi đến Cục Điện ảnh để xin cấp phép không có dòng chữ nào từ phía Cục đóng lên trên đó cả.

Nói về quyết định không cấp phép phổ biến phim “Vị” ngoài rạp chiếu, GS.TS Trần Thanh Hiệp chia sẻ, hội đồng duyệt phim làm việc dựa trên nguyên tắc tuân theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành, tuyệt đối không có chuyện cảm tính yêu – ghét với bất kỳ bộ phim nào hay nhà làm phim nào cả. Cụ thể, khi đưa ra nhận định, quyết định về việc không nên cấp phép phổ biến cho một tác phẩm nào đó thì mỗi thành viên đều phải trả lời được các câu hỏi như căn cứ vào điều nào, mục nào, khoản nào của luật Điện ảnh. Riêng với phim “Vị”, trong hội đồng có một thành viên duy nhất nêu ý kiến không đồng ý với việc không cho phổ biến bộ phim này nhưng khi đặt ra vấn đề: “phổ biến thì căn cứ vào cái gì” thì người này không đưa ra được căn cứ.

“Tất cả các thành viên trong hội đồng đều có tiếng nói chung khi thẩm định ‘Vị’, chỉ có một người nói tiếng nói ngược đi. Đến giờ phút này, tôi khẳng định hội đồng đã làm việc đúng luật và rất công tâm. Câu chuyện không nên đẩy đi xa quá không cần thiết. Luật Điện ảnh bảo vệ quyền lợi của số đông và đã được Quốc hội thông qua chứ không thể theo ý chí của một vài người dù vài người ấy tự cho rằng mình ưu tú nhất.” – GS.TS Trần Thanh Hiệp cho biết.

Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia tiết lộ, trong quá trình làm việc, khi xem xét việc không nên phổ biến một bộ phim nào, tất cả các thành viên đều rất thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng chứ không phải bỗng dưng không thích thì cấm. Với tư cách người đứng đầu Hội đồng, ông cũng đã đề nghị Cục trưởng Cục Điện ảnh – Vi Kiến Thành mời thêm đại diện một số cơ quan, ban, ngành xem và tư vấn trước khi ký quyết định cấm phổ biến phim “Vị”. Hội đồng tư vấn này gồm Vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện Hội Phụ nữ Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật, một số cơ quan truyền thông…để mọi người đưa ra đánh giá khách quan nhất, từ đó tư vấn thêm cho Cục trưởng Cục Điện ảnh về việc có nên cấp phép phổ biến “Vị” không. Kết quả là 100% đều cho rằng không thể phổ biến bộ phim này.

Cũng theo GS.TS Trần Thanh Hiệp, các quốc gia trên thế giới đều có luật để bảo vệ văn hóa, bảo vệ những giá trị cốt lõi của dân tộc mình. Bản thân ông vẫn nói với các nhà làm phin trẻ rằng: “Tôi cũng từng sống, học Đại học, làm Tiến sĩ ở nước ngoài 10 năm. Nếu nói về đi nước ngoài nhiều thì tôi chắc tôi đi nhiều hơn cả các bạn vì là hiệu trưởng của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, năm nào tôi cũng đi giao lưu trao đổi với các trường Đại học quốc tế. Thế nên không phải tôi không biết điện ảnh thế giới đang như thế nào. Bởi vậy đừng ‘tung hỏa mù’ rằng lớp nọ lớp kia tư duy cũ kỹ, bảo thủ. Hội đồng thẩm định, phân loại phim khác với Hội đồng nghệ thuật, làm gì cũng phải căn cứ vào sự thượng tôn của pháp luật hiện hành”.

Hình ảnh trong phim "Vị"

Hình ảnh trong phim "Vị"

Trở lại với việc một số hình ảnh của phim “Vị” bị rò rỉ hình ảnh nêu trên. Thực tế việc các phim được cấp phép chiếu rạp bị lộ, lọt, rò rì hỉnh ảnh không phải chưa từng có, nếu muốn nói là nhiều và việc này bị cho là ảnh hưởng đến doanh thu mà bộ phim có thể mang lại cho nhà sản xuất lẫn đơn vị phát hành.

Còn với những phim không được cấp phép phổ biến trong nước như “Vị” cũng không phải chưa có tiền lệ. Minh chứng là cách đây nhiều năm, “Bụi đời Chợ Lớn” sau khi không có được tấm giấy thông hành trong nước cũng bị rò rỉ trên mạng xã hội nhưng không chỉ là vài tấm ảnh mà cả bản phim dài tới 90 phút. Dĩ nhiên việc này là vi phạm pháp luật, tuy nhiên phía đơn vị sản xuất cũng bày tỏ không muốn “khoanh vùng” đối tượng vì sợ người trong đoàn phim nghi kỵ lẫn nhau, đồng thời khẳng định chỉ có một số ít người của phía nhà sản xuất có trong tay bản phim này. Thời điểm đó, từng có nhiều nghi ngờ đó là chiêu trò của nhà sản xuất muốn “hâm nóng” lại phim trong lúc nuôi hy vọng vẫn có “cửa” phát hành trở lại.

Khác với “Bụi đời Chợ Lớn”, mức độ rò rỉ của “Vị” nhẹ hơn, chỉ dừng lại ở vài bức ảnh. Và ngay lập tức nhiều sự chỉ trích “nhắm” về phía hội đồng duyệt phim – cánh cửa kiểm duyệt mà bộ phim này không thể lọt qua với giả thiết đây chính là nơi để lộ, lọt, rò rỉ hình ảnh phim. Song có lẽ, không cần đến khi phía Cục Điện ảnh hay Hội đồng duyệt phim lên tiếng phủ nhận, không ít người nghi ngờ về giả thiết đó bởi hội đồng làm việc theo nguyên tắc luật định với những quy định rất khắt khe, bao gồm cả việc không chụp ảnh, ghi âm bất cứ sự trao đổi, thảo luận, nhận xét nào về tác phẩm đang được thẩm định; thì lẽ nào nếu ai đó muốn tuồn hình ảnh bản phim ra ngoài mà lại quên xóa cái dấu to đùng ghi dòng chữ “Cục Điện ảnh Việt Nam”. Huống hồ, dòng chữ này đã được cả Cục Điện ảnh và Hội đồng duyệt phim xác nhận không hề có.

Được biết, phim “Vị" có nội dung nói về một cầu thủ bóng đá gốc châu Phi sang Việt Nam, anh không tìm được đội bóng nào. Sau đó anh sống chung, "quan hệ" với cả 4 người phụ nữ trung niên cao tuổi Việt Nam. Đáng nói hơn, nhiều phân cảnh về quá trình sinh sống, sinh hoạt của các diễn viên này đều ở trạng thái “nude” không hề mặc gì trên người với thời lượng khoảng 30 phút cùng với các phân cảnh "quan hệ" được cho là không phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam cũng như văn hóa của người Á Đông.