Xung kích thời khủng hoảng

ANTĐ - Thanh niên được coi là lực lượng xung kích tại các quốc gia vì vậy, LHQ đang khuyến khích, tạo điều kiện để giới trẻ tham gia ngày càng nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Thế hệ trẻ tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách

Phát biểu tại Diễn đàn toàn cầu lần thứ 5 của Liên minh các nền văn minh LHQ tại Vienna (Austria) ngày 26-2, Tổng Thư ký LHQ Ban  Ki-moon kêu gọi thanh niên thế giới phải đóng vai trò dẫn dắt đưa cộng đồng quốc tế vượt qua giai đoạn chuyển đổi kinh tế, chính trị, hướng tới một tương lai thịnh vượng, công bằng và hòa bình hơn. 

Được khởi xướng từ năm 2005 dưới sự đỡ đầu của LHQ, Liên minh các nền văn minh LHQ đã theo đuổi mục tiêu thúc đẩy việc chia sẻ văn hóa toàn cầu. Song với chủ đề “Lãnh đạo có trách nhiệm trong đa dạng và đối thoại” và diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế mang đến nhiều thách thức cho thế hệ trẻ, Tổng Thư ký LHQ cùng các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia tham dự diễn đàn đã trông đợi và muốn thanh niên trên toàn thế giới phát huy những thế mạnh của mình, góp phần hữu hiệu vào giải quyết các vấn đề toàn cầu nóng bỏng.

Theo số liệu của LHQ, thế giới hiện có 1,2 tỷ thanh niên, đa số sống ở các nước đang phát triển. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng, giới trẻ đóng vai trò là lực lượng sáng tạo, năng động, nhiệt tình và là tác nhân của sự thay đổi. "Đây là lực lượng quyết định tương lai", Người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, những thách thức toàn cầu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nợ công đã tác động tiêu cực tới thanh niên. Trong đó nghiêm trọng nhất là vấn đề thất nghiệp với khoảng 75 triệu thanh niên không có việc làm trên toàn cầu trong năm 2012, chiếm 12,7% lực lượng lao động. 

Bởi thế, muốn tạo điều kiện cho thanh niên tham gia vào các vấn đề toàn cầu, trước hết cần phải giải quyết nạn thất nghiệp trong thanh niên. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các nước thực hiện những biện pháp đặc biệt để tạo nhiều việc làm nhằm tránh nguy cơ cả một thế hệ thanh niên bị thất nghiệp, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế trong tương lai. 

Ngoài ra, LHQ còn cảnh báo các vấn đề lớn đang cản trở sự phát triển của thanh niên trên toàn cầu như: giáo dục không thích hợp, điều kiện làm việc dễ bị tổn thương, sự đầu tư không đầy đủ từ chính phủ... Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến giới trẻ, nhiều thanh niên không có tương lai và bị bỏ rơi khỏi tiến trình phát triển chính trị - xã hội ở ngay chính đất nước họ, dẫn tới nguy cơ “một thế hệ mất mát”.

Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Ban Ki-moon, giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn của thế giới hiện cũng tạo ra nhiều cơ hội cho giới trẻ. Khẳng định giới trẻ đang làm thay đổi thế giới, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cam kết sẽ để lực lượng xung kích này tham gia ngày càng nhiều hơn các hoạt động của LHQ sau lần đầu tham gia một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ năm 2011, cũng như thúc giục và tạo điều kiện để thanh niên tham gia vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách.