Xung đột Nga - Ukraine: Thêm cú hích chuyển sang thế giới đa cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiến trình chuyển sang một thế giới đa cực vốn dần được đẩy nhanh hơn khi quốc gia kế thừa Liên Xô là Liên bang Nga thoát khỏi khủng hoảng toàn diện và dần trở lại vị trí một cường quốc, cùng với đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cùng nhiều quốc gia khác. Cuộc xung đột Nga - Ukraine được xem như là thêm một cú hích thúc đẩy tiến trình này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bất ngờ xuất hiện và phát biểu tại Diễn đàn Doha theo hình thức trực tuyến

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bất ngờ xuất hiện và phát biểu tại Diễn đàn Doha theo hình thức trực tuyến

“Giải mã” cú hích

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine dù đã diễn ra hơn 2 tháng song kết cục cuối cùng ra sao vẫn không phải là việc có thể nhận định vào lúc này. Tuy nhiên, cuộc xung đột là “điểm nóng” nguy hiểm trong lòng châu Âu từ hàng chục năm nay cũng như trên toàn cầu nói chung này từ nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau đã giúp thấy rõ hơn nhiều vấn đề khu vực cũng như quốc tế hệ trọng. Một trong những vấn đề đó là sự chuyển dịch sang một thế giới đa cực có thể được thúc đẩy nhanh hơn.

Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra hơn một tháng, dư luận đã không khỏi bất ngờ khi thấy Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham gia với hình thức trực tuyến và phát biểu tại Diễn đàn Doha diễn ra tại Thủ đô Doha của Qatar. Bất ngờ bởi không chỉ lần đầu tiên một Tổng thống Ukraine “đăng đàn” phát biểu tại đây mà diễn đàn này được tổ chức thường niên kể từ năm 2001 nhằm bàn luận các vấn đề về dân chủ, phát triển và tự do thương mại liên quan đến khu vực Trung Đông, các quốc gia Arab…

Nội dung phát biểu của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã cho thấy lý do mà nhà lãnh đạo Ukraine bất ngờ xuất hiện tại Diễn đàn Doha năm nay. Bên cạnh nhấn mạnh về những thiệt hại, tổn thất… của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, ông Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các quốc gia Arab ở Trung Đông cũng là những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới hiện nay hãy “tăng sản xuất năng lượng để khiến Nga hiểu rằng không quốc gia nào có thể sử dụng năng lượng làm vũ khí”.

Vậy các quốc gia Arab ở Trung Đông vốn không phải là những cường quốc, quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới thì có sức mạnh gì có thể gây “khó dễ” cho Nga?

Sức mạnh của các nước Arab ở Trung Đông nằm ở thứ mà thiên nhiên ban tặng cho các quốc gia này - dầu mỏ. Khi mà dầu mỏ là mặt hàng nhiên liệu đầu vào thiết yếu mang tính sống còn với nền kinh tế toàn cầu cũng như mọi quốc gia, vùng lãnh thổ thì dầu mỏ chính là một loại vũ khí lợi hại, đầy sức mạnh. Sức mạnh này nằm trong tay những quốc gia vốn không phải là cường quốc song có thể tác động không nhỏ tới cục diện xung đột, cạnh tranh giữa các cường quốc.

Ngay từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Mỹ và phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm gây áp lực, thiệt hại cho nước Nga. Tuy nhiên, đòn trừng phạt có thể gây thiệt hại nặng nhất cho Nga song phương Tây, chính xác hơn là các quốc gia châu Âu, chưa dám dùng tới là khí đốt vì nếu trừng phạt mặt hàng này thì bên thua thiệt nhiều hơn lại là phía “ra đòn”. Trong trường hợp các nước Arab tăng sản lượng bù đắp cho lượng dầu mỏ và khí đốt của Nga, có lẽ châu Âu không ngần ngại ban hành lệnh cấm vận với Matxcơva trong lĩnh vực này.

Vì thế, dưới góc độ phân tích về cạnh tranh giữa các nước lớn, các trung tâm chính trị lớn của thế giới, giới quan sát cho rằng, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể tạo thêm cú hích chuyển sang thế giới đa cực. Nhóm các quốc gia dù không phải là cường quốc song nếu nắm giữ trong tay một lợi thế, sức mạnh nào đó hoàn toàn có thể trở thành một cực trong một thế giới đa cực, chứ không nhất thiết phải là các siêu cường hay cường quốc.

Thế giới đa cực ngày càng rõ nét

Thế giới từng tranh luận, có không ít ý kiến về trật tự thế giới sau khi chiến tranh lạnh kết thúc với sự tan rã của Liên Xô cũ cùng hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu hồi cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Chiến tranh lạnh kết thúc cũng là sự chấm hết của thế giới lưỡng cực hình thành bởi Mỹ và phương Tây với công cụ sức mạnh răn đe là liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên Xô cùng các hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa quy tụ trong khối Hiệp nước Warsaw.

Đã có sự đánh giá cho rằng, thế giới lưỡng cực sẽ chuyển sang thế giới đơn cực với Mỹ là siêu cường duy nhất, có sức mạnh vượt trội hoàn toàn so với các cường quốc khác trên thế giới. Sự nhìn nhận này dễ được đồng tình bởi trong khi Liên bang Nga kế thừa Liên Xô cũ lâm vào khủng hoảng toàn diện và sâu sắc, các cường quốc khác đều là đồng minh của Mỹ, thậm chí còn nằm trong chiếc ô bảo trợ an ninh của Washington như NATO ở châu Âu hay các hiệp ước an ninh song phương ở các khu vực khác trên thế giới.

Mỹ khi đó quả thực đã đóng vai trò là siêu cường toàn cầu có ảnh hưởng lớn nhất bởi quốc gia này có nền kinh tế lớn nhất, quân đội mạnh nhất và hoạt động hầu khắp mọi nơi, mọi điểm nóng trên hành tinh, đồng thời nắm giữ quyền lực lớn đối với các hệ thống tài chính quốc tế. Để tiếp tục duy trì vai trò quyền lực nổi trội toàn cầu, Mỹ đã kiềm chế, ngăn cản sự trỗi dậy của các cường quốc khác bằng cách sử dụng “vũ khí” kinh tế như các lệnh trừng phạt và sức mạnh quân sự như can thiệp quân sự ở nước ngoài, trong khi tăng cường mở rộng những liên minh do Mỹ dẫn đầu như NATO.

Tuy nhiên, khi Liên bang Nga ra khỏi khủng hoảng, dần lấy lại vị thế và sức mạnh của cường quốc hàng đầu cùng sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đã khiến những ai tán đồng nhận định thế giới đơn cực phải xem xét lại. Cả Liên bang Nga và Trung Quốc trỗi dậy thách thức trật tự toàn cầu do Mỹ và phương Tây chi phối.

Trong đó, Nga đánh dấu cho sự trở lại vị thế, vai trò của một cường quốc hàng đầu toàn cầu với chiến dịch quân sự ở Georgia năm 2008, tiếp đến là sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Với lợi thế của một quốc gia đông dân nhất thế giới cùng vị thế một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc suốt từ cuối những năm 1980 tới nay đã trỗi dậy rất nhanh, mạnh về sức mạnh kinh tế. Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2030, thậm chí GDP của họ có thể còn gấp đôi Mỹ vào năm 2049 - năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa. Cùng với sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, vị thế và tiếng nói của Trung Quốc cũng ngày càng có trọng lượng và Bắc Kinh nay đã ở vào vị thế một cực của thế giới.

Cuộc xung đột ở Ukraine không chỉ bó hẹp giữa nước này với Nga hay trong lòng châu Âu mà đã tác động sâu rộng đến các mối quan hệ quyền lực trên thế giới, cục diện thế giới, thúc đẩy sự dịch chuyển sang trật tự thế giới đa cực, vốn đã diễn ra từ trước đó. Trong thế giới đa cực này, không chỉ các cường quốc hàng đầu toàn cầu như Mỹ, Trung Quốc, Nga… mà các cường quốc khu vực như Ấn Độ, Brazil hay các nhóm nước nắm giữ sức mạnh, lợi thế, vị trí địa chiến lược quan trọng như các quốc gia Arab ở Trung Đông tùy từng bối cảnh, thời gian… có thể trở thành một lực lượng, sức mạnh không thể xem nhẹ.