Xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn tới sự phân hóa sâu sắc trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang tháng thứ hai với những tổn thất lớn cho cả hai bên song vẫn chưa tìm thấy lối thoát do bế tắc trên bàn đàm phán trong khi gây ra những phân cực sâu sắc trên thế giới, ngay cả đối với các quốc gia trong liên minh quân sự NATO.

Lập trường khác biệt giữa Nga và Ukraine

Sau nhiều ngày đàm phán trực tuyến, Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận về việc sẽ đàm phán trực tiếp dù có đôi chút khác biệt về ngày giờ cụ thể. Trong khi phía Ukraine thông báo vòng đàm phán sắp tới với Nga sẽ được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 ngày, từ 28 đến 30-3, Trưởng đoàn đám phán Nga Vladimir Medinsky lại thông báo hai bên đã có các cuộc trao đổi và quyết định tổ chức đàm phán trong 2 ngày 29 và 30-3 theo hình thức trực tiếp song không nêu địa điểm cụ thể.

Đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn bế tắc do lập trường còn khác biệt quá lớn giữa hai bên

Đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn bế tắc do lập trường còn khác biệt quá lớn giữa hai bên

Liên quan tới cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine đang được quan tâm, trông đợi này, nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 27-3 và hai nhà lãnh đạo nhất trí vòng đàm phán tiếp theo giữa các nhà đàm phán Nga và Ukraine sẽ được tổ chức tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia nằm trên cả hai châu lục Âu - Á và là thành viên NATO này hiện vẫn duy trì mối quan hệ với cả Nga và Ukraine muốn đóng vai trò hòa giải quan trọng cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine ngày 24-2 tới nay, hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán, trong đó có 3 vòng đàm phán trực tiếp tại Belarus và các vòng đàm phán trực tuyến. Thế nhưng, ngoài việc đạt được thỏa thuận về vấn đề mở hành lang nhân đạo, hai bên vẫn bất đồng trong tất cả các vấn đề chủ chốt, khiến đàm phán rơi vào tình thế bế tắc.

Trong bối cảnh đó, dư luận đang rất chú ý tới động thái mới từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về lập trường trong đàm phán với phía Nga. Trong bài phát biểu qua video vào đêm muộn ngày 27-3, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định, Kiev sẽ kiên định lập trường của mình về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong vòng đàm phán hòa bình sắp tới với Nga tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, ngay trong cuộc trả lời phỏng vấn phát sóng trước đó cùng ngày 27-3, Tổng thống Volodymyr Zelensky lại khiến tất cả chú ý khi tuyên bố, Kiev sẵn sàng thảo luận về quy chế trung lập như một phần của thỏa thuận hòa bình với Nga, đồng thời nhấn mạnh điều này phải đi kèm với những đảm bảo an ninh từ bên thứ ba và được đưa ra trưng cầu ý dân. “Các vấn đề đảm bảo an ninh và quy chế trung lập, phi hạt nhân của đất nước chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng xem xét. Đây là vấn đề then chốt nhất” - ông Volodymyr Zelensky nêu rõ.

Trong khi đó, phía Nga từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt cũng như đàm phán với Ukraine vẫn xuyên suốt một lập trường nhất quán. Lập trường này được Tổng thống Vladimir Putin nhắc lại nhiều lần, đó là “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” tại Ukraine. Đồng thời Kiev phải đáp ứng một số yêu cầu, trong đó có công nhận độc lập cho vùng ly khai ở Donbass và thừa nhận chủ quyền Nga tại bán đảo Crimea.

Đàm phán rơi vào thế bế tắc do lập trường còn khác biệt quá lớn giữa Nga và Ukraine, trong khi chiến sự trên thực địa gây thiệt hại nặng nề cho cả hai phía. Liên hợp quốc ngày 26-3 cho biết khoảng 3,7 triệu người dân Ukraine đã phải rời khỏi đất nước kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, khoảng 90% trong số họ là phụ nữ và trẻ em. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) ngày 27-3 cho biết, đã có 1.119 dân thường thiệt mạng và 1.790 người khác bị thương kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Phía Nga cho biết, đã có 1.351 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự quân đặc biệt tại Ukraine và 3.825 người bị thương trong một tháng qua. Trong khi đó, quân đội Ukraine lại cho rằng, khoảng 15.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc xung đột.

Những phân cực và tranh cãi

Không chỉ gây ra những tổn thất ngày càng nặng nề, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng đang dẫn tới sự phân hóa sâu sắc trên thế giới. Các quốc gia cũng phản ứng rất khác nhau về sự trừng phạt Nga do Mỹ và phương Tây đi đầu. Thậm chí, việc bày tỏ lập trường, đứng về phía nào trong cuộc xung đột gây ra những mâu thuẫn giữa các nước và cả mâu thuẫn, tranh cãi ngay trong nội bộ không ít quốc gia.

Trong nội bộ Mỹ và phương Tây dù đang liên minh để trừng phạt Nga và hậu thuẫn cho Ukraine song cũng đã bộc lộ những điểm khác biệt, thậm chí trái ngược quan điểm với nhau trong những vấn đề liên quan tới lợi ích sát sườn. Phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Thủ đô Warszawa của Ba Lan cho rằng, Tổng thống Vladimir Putin “không thể tiếp tục nắm quyền” đã dẫn tới những phán ứng rất khác. Một nhà phân tích cấp cao của Mỹ cho rằng phát biểu này có thể khiến cuộc xung đột kéo dài. Nhà Trắng ngay sau đó cũng phải “chữa cháy” cho vị chủ nhân bằng cách thanh minh rằng, ông Joe Biden không ủng hộ “thay đổi chế độ” ở Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bác bỏ việc “ông Biden có ý định kêu gọi lật đổ Putin” và nêu rõ sự lựa chọn của nhà lãnh đạo Nga là “tùy thuộc vào người dân Nga”.

Bày tỏ sự không đồng tình với phát biểu của Tổng thống Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo, bất kỳ sự leo thang nào “bằng lời nói hoặc hành động” đều có thể gây tổn hại cho nỗ lực của ông trong cuộc đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin. Nhà lãnh đạo Pháp cho biết, ông sẽ nói chuyện với ông Putin để thu xếp “một lệnh ngừng bắn và sau đó là việc rút toàn bộ quân (Nga) thông qua các kênh ngoại giao”, đồng thời nhấn mạnh: “Nếu chúng ta muốn làm điều đó, chúng ta không thể leo thang bằng lời nói hay hành động”.

Là liên minh phối hợp chặt chẽ để “trừng phạt” Nga và hậu thuẫn cho Ukraine, song lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO vẫn tranh cãi, chia rẽ về chiến lược ứng phó với Nga cũng như trợ giúp cho Kiev. Trong khi Ba Lan muốn chuyển giao máy bay tiêm kích, đồng thời đưa lực lượng gọi là gìn giữ hòa bình NATO vào Ukraine thì nhiều thành viên khác của liên minh này phản đối do lo ngại cuốn NATO vào cuộc chiến với Nga.

Dù cùng thống nhất trong nhiều biện pháp trừng phạt Nga, nhưng các quốc gia châu Âu lại không thể tìm tiếng nói chung trong việc trừng phạt nước này trong vấn đề dầu mỏ và khí đốt. Vì lợi ích thiết thân của mình, nhiều quốc gia châu Âu là thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp tục mua khí đốt và dầu từ Nga.

Khi Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi Hungary từ bỏ lập trường trung lập trong cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã không ngần ngại tuyên bố thẳng thừng rằng, nước này đứng về phía lợi ích của mình chứ không đứng về phía các lợi ích của Nga hay Ukraine trong cuộc chiến ở Ukraine. Thủ tướng Orban cho biết, khoảng 85% khí đốt và hơn 60% dầu mỏ của nước này nhập khẩu từ Nga nên việc chống lại Nga sẽ không nằm trong lợi ích của Budapest.

Có thể thấy khi đàm phán giữa Nga và Ukraine còn bế tắc, trong khi các quốc gia trên thế giới vì lợi ích của mình phân cực sâu sắc thì chưa ai thấy lối ra cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.