Xung đột gây mất an ninh lương thực toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine đang đe dọa nguồn cung cấp lương thực và sinh kế của người dân nhiều nước, từ châu Âu, châu Phi đến châu Á - những người sống nhờ vào các vùng đất nông nghiệp rộng lớn, màu mỡ ở khu vực Biển Đen - được gọi là “Giỏ bánh mì của thế giới”.

Nguy cơ mất an ninh lương thực hiển hiện

Nông dân Ukraine buộc phải rời bỏ đồng ruộng khi hàng triệu người phải di tản. Các cảng biển đóng cửa khiến lúa mì và các mặt hàng lương thực, thực phẩm được sản xuất từ lúa mì trên toàn thế giới và thức ăn chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù chưa xảy ra sự gián đoạn phạm vi toàn cầu đối với nguồn cung lúa mì, nhưng giá mặt hàng này đã tăng 55% một tuần trước khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraina.

Nếu tình hình căng thẳng kéo dài, các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu lúa mì từ Ukraine có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt từ tháng 7 tới. Điều này có thể gây ra tình trạng mất an ninh lương thực, khiến nhiều người lâm vào cảnh nghèo đói hơn ở các quốc gia như Ai Cập hay Lebanon, nơi khẩu phần ăn hàng ngày chủ yếu là bánh mì được trợ cấp. Châu Âu cũng đang chuẩn bị cho tình trạng khan hiếm sản phẩm nhập khẩu từ Ukraine và giá thức ăn chăn nuôi tăng, đồng nghĩa với việc thịt và sữa sẽ tăng giá.

Nông dân thu hoạch lúa mì trên cánh đồng gần làng Tbilisskaya, Nga

Nông dân thu hoạch lúa mì trên cánh đồng gần làng Tbilisskaya, Nga

Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 lượng lúa mì và lúa mạch xuất khẩu của thế giới. Ukraine cũng là nhà cung cấp ngô lớn và đứng đầu thế giới về dầu ăn hướng dương, dùng trong chế biến thực phẩm. Một cuộc xung đột kéo dài sẽ tác động lớn đến Ai Cập, nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Hàng triệu người dân Ai Cập sống nhờ vào khẩu phần bánh mì được trợ cấp có nguồn gốc từ Ukraine. “Chiến tranh có nghĩa là thiếu hụt, và thiếu hụt đồng nghĩa với việc giá cả tăng cao. Bất kỳ cuộc chiến nào cũng là thảm họa đối với người dân” - anh Ahmed Salah, 47 tuổi, cha của 7 đứa trẻ sinh sống tại Cairo nói.

“Lúa mì, ngô, dầu, lúa mạch, bột mì vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực, đặc biệt ở những vùng nghèo hơn trên toàn cầu. Khi nam giới Ukraine phải cầm súng, lấy ai sẽ là người thu hoạch, người vận chuyển?…” - Anna Nagurney, một chuyên gia về chuỗi cung ứng, hậu cần và kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst nói. Syria - quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề bị mới đây đã tuyên bố sẽ cắt giảm các mặt hàng chủ lực trong chi tiêu và khẩu phần ăn.

Tại Lebanon, nhà chức trách đang tìm cách bù đắp thiếu hụt thực phẩm khi nguồn cung từ Ukraine vốn chiếm tới 60%. Ngay cả trước khi xung đột đe dọa ảnh hưởng đến nguồn cung lúa mì ở châu Phi cận Sahara, người dân Kenya đã phải cắt giảm nguồn lương thực bởi tình trạng lạm phát ảnh hưởng lớn tới chi tiêu hàng ngày, và giờ đây, họ còn phải đối mặt với tình trạng tồi tệ hơn nữa.

Hậu quả của các cuộc xung đột trong thế kỷ XXI

Các nước châu Phi nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp trị giá 4 tỷ USD từ Nga vào năm 2020, trong đó khoảng 90% là lúa mì. Tại Nigeria, sự thiếu hụt nguồn cung lúa mì từ Nga sẽ ảnh hưởng đến giá các sản phẩm như bánh mì - loại lương thực phổ biến ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này. Theo ông Gambo Sale - Chủ tịch Hiệp hội Lúa mì Nigeria, Nigeria đang nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga, nông dân nước này chuyển sang trồng lúa mì nhằm đáp ứng 70% nhu cầu của người dân trong nước trong 5 năm tới. “Chúng tôi có đất đai, có nhân lực, có kinh phí, có tất cả những thứ cần thiết để trồng lúa mì, nhưng vấn đề bây giờ là cần phải có thời gian”- ông Gambo Sale nói.

Sự gián đoạn nguồn cung cũng ảnh hưởng đến quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, nơi lúa mì được sử dụng để sản xuất nhiều loại thực phẩm như mì ăn liền, bánh mì, bánh và đồ ăn nhẹ. Ukraine là nhà cung cấp lúa mì lớn thứ hai của Indonesia vào năm ngoái, chiếm 26% lượng lúa mì tiêu thụ. Theo Kasan Muhri, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Bộ Thương mại Indonesia, việc tăng giá lúa mì sẽ ảnh hưởng đến những người có thu nhập thấp.

IHS Markit cho biết, Ukraine và Nga cũng chiếm 75% lượng xuất khẩu dầu hướng dương toàn cầu, chiếm 10% tổng lượng dầu ăn. Raad Hebsi, một người kinh doanh ở Baghdad cho biết anh và những người dân Iraq khác sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn cho mặt hàng dầu ăn. “Khi các mặt hàng được dự trữ được bán hết, giá thành của chúng sẽ tăng lên. Chúng tôi có thể sẽ mua các sản phẩm thay thế từ Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, giá cả chắc chắn sẽ tăng cao” - anh Raad Hebsi nói.

Tại EU, nông dân các quốc gia này cũng lo ngại về chi phí thức ăn chăn nuôi tăng. Ukraine cung cấp cho EU gần 60% ngô và gần một nửa thành phần chính thức ăn cho gia súc. Trong khi Nga, quốc gia cung cấp 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên cho EU, cũng là nhà cung cấp chính phân bón, lúa mì và các mặt hàng chủ lực khác. Tại Tây Ban Nha, các doanh nghiệp chăn nuôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hai ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraina, giá lương thực chế biến thức ăn cho gia súc đã tăng 10%. “Chúng tôi đang phải đối mặt với thời điểm chi phí chăn nuôi tăng mạnh và không hiểu điều gì vẫn đang chờ ở phía trước. Đây là một trong những hậu quả nặng nề của các cuộc xung đột trong thế kỷ XXI này” - Ông Jaume Bernis, chủ một trang trại chăn nuôi tại Tây Ban Nha nói.