Xúc động trước cụ bà sống thanh đạm, giàu lòng nhân ái

ANTĐ - Bước qua chín thập kỷ có mặt trên cõi đời, một cụ bà vẫn duy trì nếp sống giản dị, thanh đạm, và dành một phần tiền tiết kiệm để giúp đỡ những hoàn cảnh khốn cùng được nêu trên các báo. Mọi thứ xung quanh cụ, từ việc cụ sống thế nào cho tới làm từ thiện ra sao, đều đơn giản tới mức ngỡ ngàng, trái ngược với cuộc sống vốn ngày càng nhiều xô bồ, gấp gáp.

Một lần “lỡ duyên” với cụ bà giàu lòng nhân ái

Vào một ngày cuối tháng Chạp, trong khi mọi người tất bật chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 cận kề thì bộ phận lễ tân Báo ANTĐ được tiếp một cụ bà rất đặc biệt.

Lúc đầu, không rõ cụ đi bằng phương tiện gì đến, mọi người chỉ biết cụ muốn nhờ Báo ANTĐ chuyển số tiền 1 triệu đồng tới tay một bà cụ 90 tuổi, không con cháu, sống độc thân. Cụ không nhớ tên, địa chỉ nhân vật trong bài báo, cũng không mang theo tờ báo ANTĐ. Tìm lại các trường hợp Báo ANTĐ đã nêu tương tự, cụ đều nói không đúng trường hợp cụ đến nhờ trao tiền. Cuối cùng cụ quyết định để về đọc lại tờ báo ấy rồi trở lại sau...

Cụ Phạm Thị Hạnh, 91 tuổi mang tiền đến Báo An ninh Thủ đô, nhờ chuyển đến giúp đỡ cụ bà 90 tuổi sống một mình trong căn chòi rách
Nói rồi cụ tất bật đi luôn, khiến người tiếp xúc không kịp ghi thông tin về cụ. Ấn tượng mà cụ bà để lại chỉ là bức ảnh do anh em chụp vội khi cụ đi về, cùng những mẩu chuyện về các chuyến từ thiện mà cụ kể lại. Điều này khiến nhiều anh em cảm thấy day dứt vì đã không kịp hỏi han thêm, để nhận được chút chia sẻ ý nghĩa trong dịp đầu xuân mới. Sự day dứt ấy, may thay, đã được giải tỏa khi một ngày đầu Xuân đẹp trời, cụ bà xuất hiện, mang theo món tiền từ thiện đầy ý nghĩa. 

Phóng viên Báo ANTĐ giúp cụ Hạnh xuống cầu thang cho an toàn
Đúng như suy luận của chúng tôi đã trao đổi với cụ lần trước, hoàn cảnh khốn khó mà cụ muốn giúp đỡ chính là trường hợp cụ Lê Thị Nha, 90 tuổi, trú tại thôn 7 xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, thành phố Quảng Ngãi. Cụ Lê Thị Nha không có họ hàng thân thích, chồng con thì mất khi cụ còn trẻ, giờ cụ đang sống cảnh ốm đau, cô độc trong căn lều xập xệ, tồi tàn, được Báo ANTĐ đề cập trên số báo Cuối tuần ra ngày 1-2-2015 trong bài "Rơi nước mắt cuộc sống cô độc của cụ bà 90 trong căn chòi rách".

"Tôi muốn giúp đỡ bà ấy bớt chút khốn khó khi Tết gần kề, nhưng hôm ấy đến lại quên tên, địa chỉ, không xác định được. Giờ Tết đã qua rồi, tôi mong bà ấy được giúp đỡ, ổn định cuộc sống hơn", cụ bà chia sẻ trong ánh mắt đầy tình yêu thương, trìu mến.

Cũng giống như lần trước, cụ lại vội vã từ biệt để tiếp tục với công việc nhân ái của mình ở nơi khác nữa. Lưng cụ bà đã còng, khi đi lại phải nhờ thêm sự giúp sức của cây gậy chống, và mọi sự di chuyển được đặt cả vào anh lái "xe ôm".

Lần này, không để lỡ duyên hội ngộ quý giá, tôi hẹn được cụ để tới nhà hỏi chuyện. Từ đây, hình ảnh cụ bà nhân từ dần hiện ra rõ hơn, và càng khiến tôi nể phục bằng những giá trị giản đơn nhưng đầy ý nghĩa.

“Mình có bát cơm ăn, thì cũng muốn giúp họ có được bát cháo!”

Cụ tên là Phạm Thị Hạnh, năm nay đã 91 tuổi. Cụ sống cùng cụ ông là một sĩ quan quân đội hàm Thiếu tướng đã về hưu, hơn cụ 3 tuổi. Hồi còn trẻ, cụ bà từng là công nhân của nhà máy Z1-19 thuộc Cục Quân giới, nơi ông là Cục trưởng. Hiện hai cụ sinh sống ở căn nhà nằm sâu trong con ngõ trên đường Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội).

Nhận lời tiếp tôi, cụ bà bước ra, vui vẻ như được gặp con cháu đi xa lâu ngày mới về. Mái tóc bạc trắng, gương mặt phúc hậu, đôi bàn tay gầy gò, nhăn nheo cùng cái lưng còng lum khum bước từng bước, cụ bà có dáng vẻ hết sức dễ gần, như hình ảnh người bà hiền hậu trong câu chuyện kể tuổi thơ.

Cụ bà Phạm Thị Hạnh luôn dành một khoảng thời gian trong ngày cho niềm đam mê đọc báo, trong đó cụ rất yêu quý Báo An ninh Thủ đô. Ảnh: Trung Hiếu

Và khi đặt chân vào nhà, tôi đã không khỏi ngỡ ngàng trước cuộc sống gần một thế kỷ của hai cụ.

Ngỡ ngàng đầu tiên là sự đơn sơ, quá đỗi giản dị của ngôi nhà. Người ta thường nói, khi bản thân “no ấm đủ đầy” thì mới dễ nghĩ tới chuyện san sẻ vật chất cho người khác. Nhưng dường như điều này không đúng với hai cụ. Căn phòng nơi các cụ sống vẫn giữ được những nét đặc trưng của thế hệ xưa, từ cánh cửa sổ cho tới những bộ quần áo treo bên cạnh, rồi cái giường, cái tủ cũ và chiếc ghế còn cũ hơn nữa. Với những đồ đạc hết sức đơn sơ đó, căn phòng đậm một màu nâu cũ kỹ dường như rộng thêm, dù diện tích ước chẳng được nhiều.

Căn phòng đơn sơ, giản dị của hai cụ. Ảnh: Trung Hiếu

Điều ngỡ ngàng tiếp theo là sự minh mẫn khó tin của cả cụ ông và cụ bà. Hai cụ vẫn hàng ngày giữ thói quen đọc sách báo, nhưng chẳng cần dùng tới kính lão. Các cụ nhớ rõ từng mốc thời gian quan trọng của đất nước và gia đình, kể rành mạch từng chi tiết mà nhiều người trẻ tuổi thậm chí khó lòng nhớ được. Cụ ông thì có đôi chút lãng tai, còn cụ bà thì cả nghe và đọc đều như người trẻ tuổi. Có lẽ, hai cụ giữ được sức khỏe như vậy là nhờ thú vui đọc sách báo đều đặn mỗi ngày. Cụ bà vui vẻ kể, nhiều lần thấy cụ chăm chú đọc báo quá, cụ ông phải kêu lên: “Bà đọc nhiều quá, coi chừng kẻo mệt đấy!”

Mà nhắc tới sự đọc, tôi cũng lại ngỡ ngàng, khi được biết thói quen đọc “trái ngược” ở hai cụ. Trong khi cụ bà gắn bó với những tờ báo giấy truyền thống, thì cụ ông lại thích tìm hiểu thông tin, nghiên cứu tài liệu qua… internet. Vậy nên, báo mạng mới thực sự là nguồn tin chính của cụ ông năm nay đã 94 tuổi.

Dù đã 94 tuổi, cụ ông vẫn miệt mài đọc sách báo để nghiên cứu thông tin. Ảnh: Trung Hiếu

Theo chia sẻ của cụ Phạm Thị Hạnh, hàng ngày, cứ 5 giờ 30 phút sáng là cụ trở dậy, chuẩn bị đồ ăn sáng cho cụ ông. Xong xuôi, tới 8 giờ là cụ chống gậy đi chợ đối diện gần nhà. Và một thói quen chưa bao giờ dứt của cụ là đi qua sạp báo, mua những tờ báo yêu thích như An ninh Thủ đô, Lao động, Gia đình và Xã hội, Cựu chiến binh… Từ đây, những trang báo trở thành cầu nối để cụ Hạnh biết về những mảnh đời cơ cực, những hoàn cảnh quá đỗi khốn cùng mà bình thường, khó ai có thể tưởng tượng ra được.

Cụ Hạnh chia sẻ, khi cầm trên tay tờ báo đăng câu chuyện của một người ở trong hoàn cảnh khó khăn, cụ cảm thấy day dứt lắm, khó ăn, khó ngủ vô cùng.

“Mình được thế này thì hạnh phúc hơn người ta biết bao nhiêu. Bớt ăn đi một chút, giúp họ được tí nào, hay tí nấy. Mình có bát cơm ăn, thì cũng muốn giúp họ có được bát cháo”, cụ Hạnh nói về lý do làm từ thiện rất đỗi chân thành và đơn giản của mình.

Nói là thế, nhưng những đồng lương hưu của hai cụ chẳng dư dả gì nhiều. Hai cụ chi tiêu chủ yếu vào thuốc thang những khi đau yếu, còn ăn uống thì “đáng mấy đâu, già rồi, ăn chút ít gọi là mà thôi”, như lời cụ chia sẻ. Có thể thấy niềm tự hào ánh lên trong đôi mắt của cụ Hạnh, vì tới giờ này, hai cụ vẫn không phải “phiền hà” gì tới con cháu của mình.

Còn chuyện đi lại, nếu phải tới địa điểm nào xa xôi không chống gậy tự đi được, thì cụ lại nhờ vào anh "xe ôm" tốt bụng gần nhà. Bởi vậy mà mỗi chuyến đi ủng hộ từ thiện của cụ Hạnh đều gắn với anh lái "xe ôm" thân thuộc đó.

Mặc dù minh mẫn là thế, nhưng khi được hỏi về các trường hợp được nhận hỗ trợ cụ thể, cụ bà Hạnh lại chỉ nhớ chung chung: “Từ năm 2005, bà đã làm từ thiện rồi. Giấy tờ chứng nhận nhân ái có một xấp, nhưng để đấy thôi chứ lôi ra làm gì. Làm từ thiện cần nhất phải xuất phát từ cái tâm!”

Vậy nên trong câu chuyện của mình, cụ Hạnh chủ yếu kể về 4 người con, cùng các cháu, các chắt với một niềm tự hào khó tả. Với cụ, hạnh phúc là đây, và là cảm giác thanh thản sau mỗi chuyến đi làm từ thiện tới các báo hay các ngôi chùa.

Khi chuẩn bị chia tay hai cụ, tôi mới nhận ra “kho báu” quý giá mà các cụ đang sở hữu: Đó là các con, các cháu, các chắt biết yêu thương, đùm bọc và quan tâm lẫn nhau, đó là những chồng báo dày được cụ bà cột lại để lưu giữ những thông tin hữu ích, và đó là niềm hạnh phúc sau 10 năm dành những đồng tiền tiết kiệm để làm từ thiện, san sẻ tình thương với những cảnh đời bất hạnh trên mọi miền của Tổ quốc.

Một phần trong "kho báu" quý giá của cụ ông và cụ bà. Ảnh: Trung Hiếu

Nói lời tạm biệt hai cụ trong tâm trạng vương vấn, muốn được chia sẻ nhiều hơn nhưng lo cụ nhiều tuổi, không ngồi được lâu, tôi ra về, đúng lúc đường Phan Đình Phùng vào giờ tan tầm cao điểm buổi chiều. Dòng người hối hả, vội vã trong tiếng còi xe dồn dập. Cuộc sống xô bồ vẫn đang tiếp diễn. Còn ở trong ngõ kia, có một ngôi nhà rất đỗi bình yên đang nằm đếm thời gian, để tiếp tục chứng kiến những câu chuyện đẹp của một vị Tướng gia, cùng cụ Hạnh, hai tâm hồn cao thương, giàu lòng nhân ái.