Xúc động trưng bày "Cung trầm tháng 7" tại nhà tù Hỏa Lò

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với lòng biết ơn và tinh thần tri ân, trưng bày "Cung trầm tháng 7" thể hiện một không gian thiêng liêng với những câu chuyện hào hùng và xúc động trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Trưng bày là câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ yêu nước, cách mạng khi bị địch bắt giam trong ngục Hỏa Lò. Không gian trưng bày được thể hiện với hai màu chủ đạo: Đen và đỏ.

Trung tâm trưng bày được thiết kế thành một đài sen với ngọn nến tri ân luôn cháy sáng, thể hiện lòng biết ơn đời đời của thế hệ hôm nay đến các anh hùng, liệt sĩ - những người đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân và tính mệnh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Các đại biểu làm lễ dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại đài tưởng niệm

Các đại biểu làm lễ dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại đài tưởng niệm

Trưng bày gồm 3 nội dung chính: “Khát vọng non sông”, “Dưới ngọn cờ hồng” và “Mãi mãi khắc ghi”.

Trong đó, “Khát vọng non sông” khắc họa những câu chuyện về gương hy sinh lẫm liệt của các chiến sĩ yêu nước khi bị giam trong Nhà tù Hỏa Lò đầu thế kỷ 20.

Trước những trận đòn tra tấn thấu xương, hay cả khi cái chết cận kề, người chiến sỹ vẫn không hề run sợ. “Dù thất bại vẫn anh hùng”, sự hy sinh của các chiến sỹ đã gióng lên “Tiếng chuông gọi tỉnh hồn nước”, thể hiện khát vọng độc lập cháy bỏng cho non sông Việt Nam.

Nội dung thứ hai “Dưới ngọn cờ hồng” giới thiệu gương mặt những chiến sĩ ưu tú bị thực dân Pháp bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò và bất khuất hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Một cảnh về những ngày tháng cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trong xà lim tử hình của Nhà tù Hỏa Lò

Một cảnh về những ngày tháng cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trong xà lim tử hình của Nhà tù Hỏa Lò

Đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn, một trong những đảng viên trẻ tuổi và đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động táo bạo, dũng cảm khi trừng trị những tên tay sai, bảo vệ xe chở vũ khí... khiến kẻ thù điên cuồng lùng sục. Năm 1931, đồng chí bị địch bắt giam ở Nhà tù Hỏa Lò, bị xử chém ngay trước cổng.

Trước khi lên đoạn đầu đài, đồng chí đã viết những dòng thư tràn đầy một niềm tin bất diệt: "Đối với cách mạng bao giờ tôi cũng tin tưởng. Đến giờ phút sắp điểm của một đời người, lòng tin ấy ở tôi càng thêm vững chắc, cho dù chế độ máy chém có khủng khiếp đến đâu cũng không lay chuyển được".

Tại Sở mật thám Hà Nội, biết đồng chí Hoàng Văn Thụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, kẻ địch tra tấn đồng chí rất dã man. Một hòm điện không đủ, chúng dùng hai hòm điện. Chán đòn điện, đòn bộ, chúng dùng đòn nước. Nhưng người chiến sĩ vẫn trơ sắt đá. Đứng trước bản án tử hình, đồng chí vẫn nguyện giữ mãi tinh thần “Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”. Ngày 24/5/1944, kẻ địch xử bắn đồng chí tại Tương Mai (Hà Nội).

Trong những ngày bị giam ở Nhà tù Hỏa Lò, nén chặt nhớ thương khi phải xa con khi còn quá nhỏ, đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái (người vợ đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là em gái ruột của nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) vẫn đứng lên đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho nữ tù nhân và tham gia giảng dạy văn hóa, ngoại ngữ cho chị em. Do điều kiện sống quá khắc nghiệt trong Nhà tù Hỏa Lò, đồng chí đã kiệt sức và hi sinh khi 29 tuổi.

Một góc triển lãm

Một góc triển lãm

Một trong những Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta là đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí luôn là người đi đầu trong việc đề cao tinh thần thẳng thắn, đấu tranh phê bình và tự phê bình, nhằm nâng cao sức mạnh của Đảng thể hiện qua tác phẩm "Tự chỉ trích". Đồng chí bị địch bắt giam tại nhiều nhà tù: Hải Phòng, Hỏa Lò, Côn Đảo, Khám Lớn Sài Gòn. Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí tại trường bắn Hóc Môn (Gia Định).

Cuối cùng là nội dung “Mãi mãi khắc ghi” thể hiện các hoạt động tri ân luôn được duy trì và coi trọng trong thời gian qua. Đó là trách nhiệm, tình cảm và nét đẹp nhân văn của dân tộc Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội luôn quan tâm, chăm lo cho các các gia đình thương binh liệt sĩ và các bác cựu tù chính trị.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, cho biết: “Từ năm 2017, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã phối hợp với Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò và các nhà hảo tâm tổ chức thăm hỏi, tặng quà tri ân các cựu tù chính trị bị đau ốm, có hoàn cảnh khó khăn. Càng trân trọng và tự hào về lịch sử bao nhiêu, chúng ta càng ý thức sâu sắc rằng, nền độc lập tự do, hòa bình, thống nhất hôm nay phải đổi bằng máu xương, tuổi xuân, hạnh phúc của biết bao thế hệ. Thắp lửa tri ân công lao của các thế hệ đi trước là điều thế hệ hôm nay phải luôn ghi lòng, tạc dạ”.

Tại buổi ra mắt trưng bày, đại biểu và du khách đã làm lễ dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại đài tưởng niệm; nghe thuyết minh kết hợp xem hoạt hoạt cảnh về cuộc đấu tranh đòi tăng lượng nước sinh hoạt của các tù chính trị cạnh nhà tắm tập thể được phục dựng và hoạt cảnh về những ngày tháng cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trong xà lim tử hình của Nhà tù Hỏa Lò.

Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt còn gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm xưa, như: Bác Nguyễn Tiến Hà, bác Dương Tự Minh, bác Hoàng Quân Tạo… Trưng bày diễn ra từ ngày 20/7 và kéo dài đến hết ngày 31/10.