Xuất siêu, chưa vội mừng

ANTĐ - Sau 20 năm, kể từ 1992, Việt Nam lần đầu xuất siêu 284 triệu USD. Đây được coi là một điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn chồng chất. Nhưng theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, xuất siêu của Việt Nam năm nay hàm chứa nhiều bất thường.

Ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết: “Việt Nam xuất siêu 284 triệu USD là không lớn nhưng là điều rất khác biệt đối với kinh tế các nước đang phát triển nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng”. 

Theo số liệu vừa công bố, năm 2012, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước ước đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, cao hơn mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, “kim ngạch xuất khẩu tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng như: điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép… Các mặt hàng trên đều thuộc nhóm hàng có tỷ trọng gia công cao, điều này phản ánh hiệu quả xuất khẩu và lượng ngoại tệ thực thu thấp”- bà Nguyễn Thị Ngọc Vân- Vụ trưởng Vụ thống kê tổng hợp (TCTK) cho hay.

Đồng tình quan điểm trên, bà Lê Thị Minh Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại và dịch vụ (TCTK) cho hay: “Trong tổng số 40 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu thì 29 mặt hàng liên quan đến doanh nghiệp FDI, bao gồm 6 mặt hàng doanh nghiệp FDI chiếm trên 90% tỷ trọng xuất khẩu; 11 mặt hàng doanh nghiệp FDI chiếm trên 60%. Đây đều là những mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong năm 2012”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam xuất siêu một phần nhờ kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm do nhu cầu đầu vào sản xuất giảm. Kim ngạch nhập khẩu năm 2012 ước đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng kim ngạch nhập khẩu năm nay đạt thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây. Cơ cấu hàng nhập khẩu cũng chứng minh các mặt hàng phục vụ gia công, lắp ráp tăng rất mạnh như: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 66,8%; vải đạt 7 tỷ USD, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 3,2 tỷ USD... Trong khi đó, nhiều mặt hàng nguyên liệu như: hóa chất, sản phẩm hóa chất, xăng dầu, phân bón, sắt thép... lại tăng thấp hoặc giảm về giá trị. Bà Lê Thị Minh Thủy cho biết: “Để xem tình hình xuất khẩu thuận lợi hay không, chúng tôi chia chỉ số giá xuất khẩu cho nhập khẩu. Nếu kết quả đạt trên 1 thì hoạt động xuất khẩu có điều kiện tốt. Năm nay, chúng tôi đã tính toán và chỉ số này thấp hơn 1. Dù ở mức độ nhẹ nhưng biến động giá thế giới không tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam”.

Một điểm dễ nhận thấy trong kim ngạch xuất khẩu năm nay là lượng xuất khẩu nông sản, mặt hàng chủ lực vẫn tăng mạnh nhưng giá nhiều mặt hàng giảm mạnh. Xuất khẩu chủ yếu tăng nhờ tăng lượng.