Xuất khẩu sẽ tăng trưởng 6-7% mỗi năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 6-7%/năm.
Tăng cường chế biến sản phẩm xuất khẩu, hướng tới xuất khẩu bền vững

Tăng cường chế biến sản phẩm xuất khẩu, hướng tới xuất khẩu bền vững

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5 - 6%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 7 - 8%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 4 - 5%/năm.

Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026 - 2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt.

Đáng chú ý, để xuất khẩu bền vững, chiến lược đặt mục tiêu cơ cấu lại mặt hàng theo hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.

Đồng thời, tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16-17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18 - 19% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 32 - 33% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 33 - 34% vào năm 2030; tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Á vào khoảng 49 - 50% vào năm 2025 và 46 - 47% vào năm 2030.

Tăng tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Âu lên 8 - 9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10 - 11% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 8 - 9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10 - 11% vào năm 2030; giảm tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Á xuống khoảng 78% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.

Các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tăng tỷ trọng chế biến sâu, giảm phụ thuộc nguyên liệu, phụ tùng vào nhập khẩu.

Với chiến lược này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ có giá trị cao hơn, tránh phụ thuộc vào 1 thị trường và sự thất thường, “được mùa mất giá”, bị ép giá khi xuất khẩu.