Xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc cần kiểm soát chặt để tránh gian lận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết, nếu không kiểm soát chặt chẽ và không tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định của phía Trung Quốc, có thể dẫn tới tình trạng gian lận, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, vi phạm các quy định xuất khẩu và có nguy cơ mất thị trường.

4 năm vất vả mở cửa cho sầu riêng vào Trung Quốc

Tại hội nghị phổ biến thông tin xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc do Bộ NN&PTNT chủ trì diễn ra vào chiều 12/9, Cục trưởng Cục BVTV- ông Hoàng Trung thông tin, ngày 11/7/2022, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Ngày 7/9/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức thông báo 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu.

"Hiện nay, các vùng trồng đã được cấp phép mã số có diện tích khoảng 3.000ha, sản lượng 68.000 tấn. Tuy nhiên, theo đăng ký của các doanh nghiệp, khối lượng dự kiến xuất khẩu đến nay đã lên tới con số 1,3 triệu tấn. Đây là con số rất lớn.

Nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ và không tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định của các địa phương, sẽ dẫn tới tình trạng gian lận, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, vi phạm các quy định xuất khẩu và có nguy cơ mất thị trường và làm mất uy tín hàng hóa của nước ta" - ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị về thông tin xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị về thông tin xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc

Cũng theo ông Hoàng Trung, hiện mới có 7% trong tổng số diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam phục vụ xuất khẩu.

Với 55 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói mà phía Trung Quốc chưa chấp thuận có nhiều nguyên nhân như: hồ sơ chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Yêu cầu Chi cục Trồng trọt bảo vệ các tỉnh hướng dẫn lại từ cơ sở vùng trồng rồi cơ sở đóng gói tuân thủ theo yêu cầu phía Trung Quốc để tới đây sẽ liên hệ lại với Tổng cục Hải quan Trung Quốc và có kế hoạch để nếu chúng ta đáp ứng được sẽ tiếp tục đươc cấp mã số.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ sự trăn trở khi nhận được thông tin phản ánh từ một số doanh nghiệp ở Tây Nguyên về nguy cơ xảy ra gian lận mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Đắk Lắk có 27 vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này

Đắk Lắk có 27 vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này

Theo Bộ trưởng, để mở cửa thị trường cho trái sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Việt Nam mất 4 năm vất vả, trăn trở và thậm chí còn có những đánh đổi nhất định trong thương mại song phương. Do vậy, lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu chuẩn hóa "đầu vào" trong việc xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đồng thời siết chặt quản lý, tránh sự "dễ dãi" mà có nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu sầu riêng.

Theo ông Hoan, các nước như Malaysia hay Thái Lan đang chiếm thị phần sầu riêng rất lớn ở Trung Quốc sẽ “không đi nếm thử sầu riêng Việt Nam ngon hơn, ngọt hơn hay không”, mà xem xét cách chúng ta triển khai xuất khẩu.

Bởi vậy, ông Hoan nhấn mạnh, Việt Nam đang có loại trái cây đặc biệt, song để đẩy mạnh giá trị của nó, cần dựa vào hệ sinh thái gồm những người làm trong ngành hàng này. Đó mới là yếu tố tiên quyết tạo nên sức sống của sầu riêng ở thị trường hơn 1,4 tỷ dân.

Tại hội nghị, ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh Đắk Lắk hiện có 15.000 ha, trong đó có 9.000 ha đang cho thu hoạch với giá trị hơn 8.000 tỷ đồng. "Sầu riêng là ngành hàng có giá trị đứng thứ 2 sau cà phê – một ngành có hàng trăm năm và diện tích gấp hơn 10 lần diện tích sầu riêng" - ông Côn nói.

Thừa nhận một số thông tin liên quan tới nguy cơ gian lận mã số vùng trồng xảy ra trên địa bàn, ông Vũ Đức Côn xin rút kinh nghiệm và cho biết hiện tỉnh Đắk Lắk đang chuẩn bị cho lễ công bố chuyến hàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Liên quan tới thông tin phản ánh về nguy cơ một số doanh nghiệp, HTX gian lận mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV khẳng định, cho đến nay, chưa có một doanh nghiệp nào mạo danh mã số vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu sang Trung Quốc.

"Họ đang có mong muốn rằng được sự ủy quyền của các chủ sở hữu các mã số vùng trồng. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu phải đưa ra các bằng chứng hay nói cách khác là phải có sự ủy quyền bằng văn bản của chủ sở hữu vùng trồng và cơ sở đóng gói thì họ chưa đưa ra được, chứ chưa dám mạo danh, đưa vào in ấn các mã số đó vào các thùng bao bì để phục vụ cho mục đích xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc" - ông Trung nói.

Ông Hoàng Trung cho biết thêm, ông đã yêu cầu cơ quan kiểm dịch thực vật không chấp nhận hồ sơ đăng ký đó và kiểm tra lại mã số doanh nghiệp cấp, nói rằng sẽ được ủy quyền nhưng chưa có văn bản.

"Để chuẩn bị tốt, phải mất ít nhất 1 tuần nữa thì mới xong cũng như có thể thu mua, đóng gói, in tất cả các mã số vùng trồng vào bao bì để đáp ứng theo đúng yêu cầu của phía Trung Quốc" - ông Trung thông tin.